
Người dân trong một chung cư ở quận 4 (TP.HCM) chạy xuống sảnh ngồi chờ tin tức sau khi chung cư bị rung lắc vào chiều 28-3 - Ảnh: T.T.D.
Một số nhân viên văn phòng ở quận 1 thậm chí mang luôn máy tính xuống sảnh ngồi làm việc mà chưa dám quay lại văn phòng sau rung lắc. Tuy nhiên theo chuyên gia, đây chưa phải là cách phòng tránh rủi ro từ động đất an toàn nhất.
Trang bị kỹ năng ứng phó động đất
Theo ông Xuân Anh - giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện các khoa học Trái đất (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cơ quan chức năng đã ban hành những hướng dẫn ứng phó động đất để người dân nắm dù nước ta ít xảy ra loại thiên tai này.
* Trước động đất: Người dân cần lập kế hoạch phòng tránh an toàn, lập kế hoạch cho cả gia đình, quy định nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng...; học cách bật tắt gas, điện, nước.
* Khi động đất xảy ra:
- Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, nên bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, nếu không kịp thoát ra ngoài thì ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất.
Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn.
- Đặc biệt không sử dụng thang máy, nên đi cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu lỡ đang ở trong thang máy thì cần nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và dùng cầu thang bộ.
- Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Với những người dân ở vùng đồi núi, cần tránh xa chỗ dốc đứng, quả đồi nghiêng vì chỗ đó có thể bị lở đất.
* Sau động đất: Người dân cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng. Nếu bị kẹt trong đống đổ nát, cần gõ vào vật cứng để báo vị trí của mình cho cứu hộ.
Trong khi đó, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an TP.HCM) cũng đưa ra một số khuyến nghị cần làm khi có động đất, dư chấn mạnh xảy ra. Cụ thể, cần cố định những vật dụng trong nhà như tivi, gương, máy tính, kệ sách, tủ... và đặt xa giường ngủ. Dự phòng đèn pin, pin, radio, băng, thuốc... tại những vị trí thuận tiện, dễ lấy.
Định hình các vị trí trong nhà và lối thoát hiểm khi ở nhà cao tầng; theo dõi thông báo và chỉ dẫn của cơ quan phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Lưu số điện thoại khẩn của cấp cứu, phòng cháy chữa cháy để gọi yêu cầu giúp đỡ.

Nhóm công nhân làm việc trong tòa nhà cao tầng đang thi công ở Thái Lan kịp thoát ra ngoài khi động đất, nhưng nhiều đồng nghiệp của họ bị kẹt lại - Ảnh: REUTERS
Trường hợp nếu xảy ra động đất, nếu ở trong nhà có thể chui xuống gầm bàn/gầm giường, ngồi vào góc phòng và tránh xa các cửa kính, tránh di chuyển khi vẫn đang có chấn động. Chú ý bảo vệ vùng đầu bằng những vật dụng sẵn có như chăn, gối hay lấy tay che đầu...
Còn nếu ở ngoài đường: Cần dừng xe ở lề đường, lánh nạn ở những bãi đất trống. Tránh xa khu vực đông đúc, các tòa nhà cao tầng, tường cao, gầm cầu, pa nô quảng cáo, đường dây điện, cột điện. Nếu đang ở bờ biển thì cần phải di chuyển xa bờ biển bởi động đất có thể gây ra sóng thần.
Tiêu chuẩn nhà cao tầng ở TP.HCM chịu được động đất
Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Hoàng Sang, khi thiết kế các công trình, nhất là các công trình cao tầng và chung cư, thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trước rủi ro về động đất, gió bão... tùy theo các cấp độ công trình và khu vực tương ứng tại Việt Nam.
Trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9386:2012 về thiết kế công trình chịu động đất có quy định về gia tốc nền cho từng khu vực địa lý của Việt Nam để tính toán cho công trình chịu động đất. Hiện nay tiêu chuẩn vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện từ thống kê các trận động đất.
Theo đó, với công trình từ 10 - 15 tầng (phân loại cấp 2) ở TP.HCM theo tiêu chuẩn thì có thể chịu cường độ động đất từ 5 - 6 độ. Với công trình trên 15 tầng (phân loại cấp 1) có thể chịu cường độ động đất từ 6 độ.
Bổ sung thêm, theo kiến trúc sư Trần Đình Dũng, đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trận động đất nào quá lớn đến 6 độ do nền địa chất khá ổn định. Trong khi đóvới đặc thù khí hậu, hằng năm Việt Nam thường hứng chịu gió bão hơn.
Vì vậy khi thiết kế nhà cao tầng tại Việt Nam thì chú trọng nhiều hơn đến rủi ro từ gió bão cũng như tính toán các thông số chịu đựng tác động từ gió bão, bên cạnh thông số chịu đựng động đất. Khi các công trình cao tầng bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế thì đương nhiên sẽ chịu đựng được các chấn động tương ứng từ động đất, gió bão..., ông Dũng nói.
Rất cần có thông tin, cảnh báo
Sau rung chấn động đất ngày 28-3, nhiều người bày tỏ mong muốn có một hệ thống cảnh báo động đất sớm để họ có thể chủ động ứng phó khi cần thiết.
Anh Trần Trọng Quang (36 tuổi, làm việc tại quận 1) chia sẻ: "Tôi thấy ở Nhật Bản, khi có động đất thì điện thoại của mọi người sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo ngay. Nếu chưa đến mức cảnh báo thì ngay sau đó cũng phải thông tin thêm cho người dân đỡ hoang mang. Tiếc là ở mình chưa có hệ thống cảnh báo này, chúng tôi chỉ biết thông tin qua báo đài".
Nhiều người cũng đề xuất các tòa nhà cao tầng nên có quy trình hướng dẫn ứng phó với động đất rõ ràng hơn. Chị Thanh Ngân (nhân viên văn phòng) cho biết: "Khi xảy ra lung lắc vào chiều 28-3, người thì chạy ngay xuống tầng trệt, người tìm chỗ núp, người thì đứng yên chờ xem có nguy hiểm không. Nếu có quy trình hướng dẫn cụ thể, như khi nào cần sơ tán, đi theo lối nào an toàn thì sẽ tốt hơn".

Nhân viên cao ốc văn phòng ở quận 1 (TP.HCM) chạy ra khỏi tòa nhà sau vụ động đất (ảnh chụp lúc 14h chiều 28-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vì sao các tòa nhà ở Hà Nội và TP.HCM rung lắc?
Do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar, tại Hà Nội - cách tâm chấn hơn 1.000km, người dân sống, làm việc ở nhiều tòa nhà cao tầng cũng cảm nhận rõ rung chấn của trận động đất này. Tại TP.HCM, ước lượng cách tâm chấn 1.700km, nhiều người cũng cảm nhận được rung lắc tại các tòa nhà cao tầng.
Lý giải về việc động đất ở Myanmar nhưng TP.HCM hay Hà Nội có rung lắc, ông Nguyễn Xuân Anh, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện các khoa học Trái đất (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho hay đây là trận động đất lớn và về cơ bản các trận động đất lớn sẽ có vùng ảnh hưởng rất rộng, lan truyền đến các thành phố lớn và thông thường các thành phố lớn có nhiều công trình nhà cao tầng nên rất nhạy cảm với các rung lắc.
"Ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào khoảng cách, nền đất và công trình. Với trận động đất ở Myanmar thì khoảng cách xa nên ảnh hưởng tới Việt Nam là yếu" - ông Xuân Anh nói.
Theo ông Xuân Anh, nguyên nhân động đất ở Myanmar là do đứt gãy và tích lũy năng lượng gây ra động đất. "Trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Chính vì vậy, sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh" - ông Xuân Anh giải thích.
Khó dự báo thời điểm xảy ra động đất
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. "Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, nhưng thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được" - ông Xuân Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác, nhưng theo các tài liệu lịch sử cũng như các nghiên cứu cho thấy mối hiểm họa này không phải là hiếm. Theo ghi nhận từ mạng lưới đài trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận trên 400 trận động đất mạnh trên 2,5 độ và rất nhiều trận động đất nhỏ xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
"Cho đến nay trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra khi hiểu đúng, có kỹ năng phòng tránh đúng.
Để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do động đất, trước tiên phải đảm bảo tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp theo là giáo dục các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Người dân cũng phải được trang bị những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh do động đất gây ra" - ông Xuân Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận