​Màn, và những gì chỉ tiểu thuyết mới nói được...

MAI K. 10/01/2015 23:01 GMT+7

TTCT - Sắc sảo và tinh tế, Milan Kundera dẫn dắt người đọc vào mê hồn trận của một thứ lịch sử phức tạp, đa thanh bậc nhất: lịch sử nghệ thuật tiểu thuyết, trong tập tiểu luận Màn (*).

Không quá xa lạ với những chủ đề trăn trở trong suốt một chuỗi Nghệ thuật tiểu thuyết (1986), Những di chúc bị phản bội (1993), Màn có một chỗ đứng riêng trong văn nghiệp của nhà văn Pháp gốc Czech này với sự duyên dáng đặc sắc. Tập tiểu luận là một cuộc truy vấn xuyên qua hàng thế kỷ và nhiều châu lục, qua mọi sự tồn vong của con người và khái niệm - một cuộc giải thiêng cho nghiệp viết lách.

 

Cuốn sách trải dài trong bảy chương với trùng điệp những thành tố được chia nhỏ - trung thành với thứ nhịp điệu mang nặng âm hưởng của nhạc cổ điển và con số 7 huyền thoại gắn với viết lách của Kundera. Bắt đầu bằng những trao đổi về lịch sử và lý thuyết tiểu thuyết, Màn dần dần toát lộ sự mê hoặc của mình bằng cách mở ra tầm nhìn phóng khoáng về văn chương thế giới như một khối thống nhất, rồi thu hẹp ống kính vào những chi tiết ấn tượng: chủ nghĩa tỉnh lẻ, quyền lực của cái phù phiếm, chủ nghĩa hiện đại phản hiện đại.

Dẫn giải những tiểu thuyết gia kinh điển từ Cervantes, Flaubert, Balzac, Tolstoy tới Kafka, Proust hay Faulkner, Milan Kundera không quên nhấn nhá thứ sắc màu Trung Âu bằng những tụng ca dành cho Broch, Gombrowicz và người anh em xuyên đại dương - châu Mỹ Latin. Đi ngược thời gian, với cú thúc ngựa đầu tiên của chàng Don Quixote, một thế giới với đầy những ý niệm được diễn giải trước, hạn chế mọi sự nổi loạn và sáng tạo của con người đã bị quật ngã - bức màn đã bị xé toang - và mỗi một bước đi của nền văn chương thế giới là một lần đường biên ý thức được nới rộng: con người tìm thấy mình đối mặt với sự bao la của chân trời ngôn từ và tưởng tượng còn trải ra mãi đằng xa. Trong cuộc hành trình với gia đình văn chương khổng lồ ấy - Milan Kundera dường như đã tìm được chân tủy của tiểu thuyết.

Kundera không để cuốn sách của mình chấp chới trong một cõi riêng. Màn bước hẳn ra ngoài tháp ngà chữ nghĩa để đi vào cõi sống với những băn khoăn và đáp trả hiện sinh. Viết từ năm 2005, Màn đã hé lộ cho chúng ta vài diễn giải về những vấn đề bất ngờ xuất hiện của năm 2014 nhìn từ góc độ lịch sử tiểu thuyết, về vấn đề dân tộc của châu Âu, về chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quốc tế trong lòng người châu Âu, vì sao sự đa dạng văn hóa là một giá trị to lớn của châu Âu.

Kundera bàn về cái bi, về bức màn bị xé rách của cái bi thống thiết cổ điển tới cái bi cá nhân bị chôn vùi trong cơn lốc lịch sử. Bàn về tiểu thuyết, song ông bắt độc giả phải ngẫm ngợi lại con đường của chính loài người. Duyên dáng nhắc lại về “Ý thức của tính liên tục” như cách một nhà soạn nhạc lặp một môtip chính, Kundera ngầm chỉ ra con đường “vĩnh hằng” duy nhất là con đường của sự sáng tạo tiếp nối không ngừng nghỉ. Cho dù chính ông cũng không dám chắc một tương lai nào cho nghệ thuật tiểu thuyết. “Bởi lịch sử nghệ thuật có thể tàn lụi. Những lời nhố nhăng của nghệ thuật thì vĩnh hằng”.

Tại châu Âu, một bên có những nước lớn và bên kia có những nước nhỏ; có những quốc gia ở trong các phòng mặc cả và những quốc gia đợi cả đêm trong phòng xép... Với các nước nhỏ, sự tồn tại của chúng không phải là điều chắc chắn tự thân, mà luôn là một vấn đề, một sự đánh cược, một nguy cơ, chúng phải ở vào thế phòng thủ trước lịch sử, cái lực mạnh trội hơn chúng, cái lực không thèm đoái hoài đến chúng, thậm chí còn không nhìn thấy chúng (trích Màn, trang 49-50).

Viết về bất kỳ thứ lịch sử nào cũng là một điều quá khó, song Kundera không biến cuốn sách của mình thành một loại giáo trình khô khan chỉ rặt liệt kê dông dài. Ông không quên mình là một người kể chuyện, và bức màn văn chương đã được Kundera vén lên bằng bàn tay ảo thuật của một nhạc trưởng tài ba. Những câu chuyện mở ra những câu chuyện: chuyện cá nhân riêng mang và chuyện thời đại, chuyện thật và chuyện hư cấu. Cách Kundera viết khiến người ta liên tưởng tới một chiếc tủ khổng lồ với vô số ngăn, mà khi mỗi ngăn lần lượt được mở ra, độc giả lại kinh ngạc không chỉ vì nội dung của nó mà còn bởi sự kiếm tìm không dừng lại - nó hé lộ những đường hầm mới kết nối tới những ngăn tủ gần gũi nhất và xa xôi nhất.

Một độc giả tự đặt ra câu hỏi “Tôi nên đọc gì?”, “Tôi nên đọc như thế nào?”, một người viết nghĩ suy “Tôi nên viết ra sao?”, tất cả đều cần phải tìm đến Màn của Kundera, bởi “Sự đọc thì dài, đời thì ngắn”. Cô đọng trong một cuốn sách thanh lịch chỉ hơn 200 trang, chắc chắn Màn biết cách trả lời súc tích và ấn tượng nhất.

 

 

(*): Nguyên tác: La Rideau (2005), Milan Kundera. Bản tiếng Việt do Trần Bạch Lan dịch, NXB Văn Học và Nhã Nam phát hành, 2014.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận