Một trong những thửa đất tại ấp 2, xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM đã xin giấy phép xây dựng sau đó tách thành những căn nhà nhỏ để bán cho người dân - Ảnh: HỮU THUẬN |
Bà H. ở số nhà B5//8, mua nhà này năm 2014 với giá 580 triệu đồng, rộng chưa tới 23m2. Căn nhà đó với bà là cả gia tài, nhưng với pháp luật thì tấm giấy tay mua bán nhàu nhĩ không thể chứng minh bà là chủ căn nhà.
Chuyện bên trong căn nhà này cũng là chuyện chung của cả xóm nhà xây sai phép ở Đa Phước và nhiều căn nhà sai phép, không phép ở thành phố này.
Có một mái nhà che mưa nắng là khát khao của hàng trăm ngàn người lao động có thu nhập thấp ở thành phố. Nhưng khát khao đó cũng khiến nhiều người nhắm mắt đưa chân, đổi cả gia tài ky cóp để vào ở những căn nhà xây sai phép chỉ với tờ giấy tay lận lưng.
“Chia sẻ với người dân mua nhà không phép, sai phép nhưng phải bằng biện pháp khác, chứ không thể để cho nhà không phép, sai phép tồn tại” - ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP, khẳng định. Với một xã hội thượng tôn pháp luật, ông Hoan nói đó là điều phải làm.
Dĩ nhiên trong vụ việc ở Đa Phước, cách xử lý theo chánh văn phòng UBND TP không chỉ là tháo dỡ nhà sai phép, là xử phạt đầu nậu, xử lý cán bộ làm sai, mà chính quyền sẽ có biện pháp buộc đầu nậu phải trả lại tiền đã nhận, bảo đảm quyền lợi cho dân.
Nhưng điều phải làm không phải chỉ là đi xử lý hậu quả, cần hơn là kiểm soát được việc thực thi công vụ của cán bộ, để một căn nhà không bị chia năm xẻ bảy bán cho hàng trăm người dân, để chỉ đạo của lãnh đạo TP sau nhiều năm không phải quay ngược lại từ đầu như ở Đa Phước.
Điều phải làm cũng không phải chỉ là xóa sạch đầu nậu, chủ đầu tư bất chấp pháp luật, lừa dối dân nghèo, mà quan trọng hơn như báo cáo của Sở Xây dựng: Toàn TP còn gần 476.000 hộ gia đình chưa có chỗ ở, họ là những người nhập cư, là người thu nhập thấp, cán bộ công chức, người dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị nhưng không đủ điều kiện tái định cư, mua được nhà mới...
Để những người trong hoàn cảnh đó có được mái nhà là điều phải làm nhất. Một chính sách pháp luật chặt chẽ về đất đai, xây dựng song hành với những chính sách xã hội cưu mang được những người nghèo khó nhất mới là điều người dân cần nhất.
Cân phân giữa lý và tình vẫn thường là nỗi trăn trở trong cách ứng xử của người Việt Nam. Và suy cho cùng, những chính sách pháp luật với lý lẽ chặt chẽ, nghiêm khắc được thực hiện nhất quán mới chính là cái tình bao dung nhất.
Bởi chỉ có như vậy mới ngăn ngừa được hành vi của kẻ xấu, nâng đỡ được khát khao của những người nghèo khó. Thay vì phải dằng dai giữa lý và tình, phải chiếu cố, du di cho từng trường hợp để rồi không thể thực hiện nghiêm được pháp luật, mà câu chuyện ở Đa Phước là một ví dụ điển hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận