14/05/2025 16:32 GMT+7

Lực lượng công an dẫn đầu về số lượng góp ý sửa Hiến pháp qua VNeID

Thiếu tá Trần Duy Hiển - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết đã có gần 745.000 người dân tham gia góp ý sửa Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, trong đó ngành công an dẫn đầu với hơn 16.000 cán bộ tham gia.

Lực lượng công an dẫn đầu về số lượng góp ý sửa Hiến pháp qua VNeID - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 14-5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến với dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trình bày ý kiến tại hội nghị, thiếu tá Trần Duy Hiển - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an) cho biết tính đến ngày 13-5-2025, sau 7 ngày triển khai lấy ý kiến nhân dân về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID, Bộ Công an đã ghi nhận kết quả tích cực từ nhiều tầng lớp nhân dân tham gia góp ý.

Thiếu tá Hiển cho biết đã có hơn 4,3 triệu ý kiến tham gia, với gần 745.000 người dân tham gia góp ý qua ứng dụng VNeID.

Trong đó hơn 4,3 triệu ý kiến tán thành (99,94 %), hơn 2.000 ý kiến không tán thành (chiếm 0,06%). "Trong đó có những người dân tham gia nhiều lượt ý kiến", ông Hiển nói.

Đáng chú ý có gần 745.000 người dân tham gia góp ý. Trong đó về độ tuổi có gần 25.000 người dân dưới 18 tuổi (chiếm 3%), hơn 186.000 người dân từ 18-34 tuổi (chiếm 25%), hơn 222.000 người dân từ 35-44 tuổi (chiếm 30%), hơn 204.000 người dân từ 45-60 tuổi (chiếm 27%), hơn 108.000 người dân trên 60 tuổi (chiếm 15%).

Lực lượng công an dẫn đầu về số lượng góp ý sửa Hiến pháp qua VNeID - Ảnh 2.

Thiếu tá Trần Duy Hiển - phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Ảnh: DANH TRỌNG

Về giới tính, nam chiếm 52%, nữ chiếm 48%.

Về dân tộc có hơn 665.000 người dân tộc Kinh (chiếm 90,08%), hơn 19.000 người dân tộc Thái (chiểm 2,64%), hơn 11.000 người dân tộc Tày (chiếm 1,52%), hơn 7.000 người dân tộc Mường (chiếm 0,96%), hơn 7.000 người dân tộc Mông (chiếm 0,95%)

Về tôn giáo, thống kê cho thấy có hơn 633.000 công dân không tôn giáo (chiểm 85,77%), hơn 50.000 công dân có tôn giáo là Công giáo (chiếm 6,78%), hơn 38.000 công dân có tôn giáo là Phật giáo (chiếm 5,25%) tham gia ý kiến.

Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin nghề nghiệp tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VNeID nhiều nhất là ngành công an với hơn 16.000 cán bộ (chiếm 14,82%). Lý giải về việc này, ông Hiển cho biết thời gian qua Bộ Công an "đã tuyên truyền rất mạnh trong lực lượng".

Tiếp đến là ngành giáo viên có hơn 8.000 người (chiếm 7,68%), hơn 5.000 công chức (chiếm 4,94%), hơn 3.000 công nhân (chiếm 2,93%), gần 3.000 học sinh (chiếm 2,28%).

Theo thiếu tá Hiển, các địa phương có tỉ lệ người dân tham gia góp ý cao so với số lượng công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 trên địa bàn gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 155.000 người dân góp ý, chiếm 20,47%. Hải Dương với hơn 97.000 người dân góp ý, chiếm 7,52%. Điện Biên với hơn 31.000 người dân góp ý, chiếm 6,96%. Hà Nam với hơn 37.000 người dân góp ý, chiếm 5,52%. Nam Định có hơn 48.000 người dân góp ý, chiếm 4,03%.

Ngược lại, các địa phương có tỉ lệ người dân tham gia góp ý thấp gồm Thanh Hóa, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, TP.HCM...

Trước đó, Bộ Công an tích hợp tính năng lấy ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thông qua ứng dụng VNeID.

Để thực hiện, người dân đăng nhập ứng dụng VNeID hoặc website https://vneid.gov.vn bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 đang hoạt động. Sau đó, truy cập vào "Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID".

Các ý kiến góp ý trên VNeID sẽ được Bộ Công an tổng hợp và gửi Bộ Tư pháp nhằm xây dựng báo cáo chung của Chính phủ.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vừa được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Dự thảo sửa đổi 8 điều gồm điều 9, 10 (thuộc chương 1 về chế độ chính trị), điều 84 (thuộc chương V về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc chương 9 về chính quyền địa phương).

Liên quan đến chính quyền địa phương, dự thảo bỏ quy định về đơn vị hành chính cấp huyện, và sửa đổi thành: các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, việc sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực từ 1-7. Từ ngày có hiệu lực sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Ngành công an tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp nhiều nhất qua ứng dụng VNeID - Ảnh 3.Các bước góp ý sửa Hiến pháp trên VNeID

Bộ Công an đã có công văn số 1364 về việc tham gia ý kiến giải pháp tiếp nhận góp ý của nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ về tiện ích sử dụng VNeID.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên