29/11/2004 20:34 GMT+7

Lũ sẽ phá hủy nhiều di tích Hội An

Theo VNN
Theo VNN

Mưa lũ khiến 556 di tích trong quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An đã bị ngập sâu trong nước lũ từ 0,5 - 2m và có nguy cơ sập đổ.

MlO3S0Tx.jpgPhóng to
Du khách nước ngoài và "tour du lịch bằng xuồng" bất đắc dĩ ở Hội An
Mưa lũ khiến 556 di tích trong quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An đã bị ngập sâu trong nước lũ từ 0,5 - 2m và có nguy cơ sập đổ.

Mưa lũ tấn công di tích

Nghiêm trọng nhất là toàn bộ khu phố cổ Hội An đã chìm sâu trong lũ từ 1,5 - 2m, nước ngập cả mặt đường Chùa Cầu. Do lũ lên quá nhanh nên công tác chèn chống, gia cố nhà rất khó khăn. Đến thời điểm này, các tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Thú, Nguyễn Thị Minh Khai tập trung rất nhiều di tích vẫn ngập cục bộ. Và khi nước rút với tốc độ như hiện nay sẽ rất dễ xảy ra tình trạng "giật", gây ngã đổ tường nhà trong khu phố cổ.

Hiện 24 di tích kiến trúc thuộc sở hữu Nhà nước đang trùng tu đã phải tạm dừng để tổ chức chống đỡ; 100 di tích của tư nhân đã xuống cấp được Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An tổ chức chèn chống nhưng đang trong tình trạng hư hoại rất nghiêm trọng. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã Hội An, các ngành chức năng và người dân địa phương cũng đang nỗ lực chống đỡ cho trên 200 di tích khác nằm trong vùng ngập lũ này. Đáng mừng là chưa có di tích nào bị sập hay ngã đổ. Tuy nhiên theo đánh giá ban đầu, do phần lớn di tích đã có gần 500 năm tuổi nên ảnh hưởng từ trận lụt này sẽ tác động xấu hơn nữa đến di tích. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ đô thị cổ Hội An trong thời gian tới sẽ tốn kém rất nhiều công sức, tiền của.

Tuyến giao thông đường thuỷ từ Cẩm Kim sang Hội An đang bị tắc, thợ Kim Bồng không thể sang sông khiến nhiều công trình trùng tu kiến trúc phải tạm dừng. Các nghệ nhân phải vừa làm vừa chống đỡ nên tiến độ trùng tu các công trình (chủ yếu thuộc sở hữu Nhà nước) rất chậm. Ngoại trừ các kiến trúc đã được tháo dỡ, những công trình đang trùng tu, gia cố phải tiến hành che chắn, chèn chống. Vào các di tích thuộc sở hữu tư nhân mới thấy hết nỗi lo của người dân Hội An mỗi khi mùa mưa lũ về.

Ngôi nhà của ông Thái Đôn Lập nằm trong kiệt Trần Phú thông với Bạch Đằng đang được giăng 25m2 bạt nhựa để hứng nước mưa, trong khi đó, 4 trong số 8 cây cột nhà đã bị mối đục rỗng chân. Nhà thờ tộc Nguyễn Tường ở đường Nguyễn Thị Minh cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Đây là di tích loại đặc biệt, nằm trong danh mục di tích cần trùng tu khẩn cấp của Hội An ngay năm nay nhưng chưa được thi công vì tư nhân không có đủ kinh phí...

Tìm đâu ra 50 tỉ đồng?

Tháng 6/2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khả thi tu bổ khẩn cấp 82 di tích có nguy cơ sụp đổ tại khu Di sản Văn hoá thế giới Hội An với tổng kinh phí gần 48 tỉ đồng. Hiện 14 trong tổng số 30 công trình thuộc sở hữu Nhà nước đang được trùng tu. Nhưng hầu như 50 di tích thuộc sở hữu tư nhân nằm trong danh mục này vẫn chưa được triển khai, trong đó có 16 di tích loại đặc biệt và 11 di tích loại 1.

Đối với các loại di tích đặc biệt như nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Nhà nước sẽ hỗ trợ 75% kinh phí, song con số 25% còn lại vẫn nằm ngoài khả năng của tư nhân. Chính vì thế, các công trình này vẫn chưa được trùng tu kịp thời và đây là những di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tình trạng sạt tường, sụp một phần mái hay bong vỡ vôi vữa thường xuyên xảy ra khi mưa gió kéo dài.

Sự cố 4 ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân ở đường Bạch Đằng và Nguyễn Thái Học bị sập trong mùa mưa năm ngoái đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ sụp đổ các di tích cổ. Vì thế, ngoài việc khảo sát lập dự án trùng tu khẩn cấp, hàng năm chính quyền Hội An đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng để chống đỡ các cột và hệ mái bị hư hỏng nặng.

Theo dự tính của thị xã Hội An, trong 5 năm tới, cần ít nhất 50 tỉ đồng để giải quyết việc nâng cấp, bảo tồn di tích ở Hội An. Đây thực sự là một khoản kinh phí rất lớn và khó có thể có được. Nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức trong thời gian qua đã giúp cho một bộ phận nhân dân Hội An yên tâm sinh sống. Thế nhưng, hàng trăm di tích còn lại vẫn đang đối diện với nguy cơ do mưa lũ diễn biến phức tạp. Tình trạng ngập nước, mái dột nát, sập tường, sập mái như ở đường Bạch Đằng năm ngoái và trong các ngôi nhà cổ hiện nay đang đặt ra cho các nhà quản lý di sản ở Hội An quá nhiều vấn đề bức thiết.

Tất cả những nguyên nhân đó khiến hàng trăm di tích cổ phải nằm chờ đến lượt mình được chỉnh tu và chỉ mong được thực hiện trước khi sụp đổ.

Theo VNN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên