25/08/2015 10:51 GMT+7

Lớp học dưới tán rừng U Minh

QUỐC VIỆT (nguyenquocviet@tuoitre.com.vn)
QUỐC VIỆT ([email protected])

TT - Những người thầy gọi học trò mình là cô bác và học trò cứ quen miệng xưng thầy là con. Phòng học, bàn ghế được đóng tạm bợ bằng những cây tràm, cây đước, cây mắm mọc đầy ở rừng U Minh.

Bảng chữ cái trên đường giúp dân xóa mù chữ Ảnh tư liệu
Bảng chữ cái trên đường giúp dân xóa mù chữ - Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Đêm dài tăm tối

>> Kỳ 2: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu

“Hồi đó tui mới trạc 15 tuổi đầu, học hành cũng còn lỡ dở, nhưng nghe có phong trào bình dân học vụ giúp người thất học thoát mù chữ liền giơ tay xung phong.

Mấy anh kháng chiến trên tỉnh cũng về tận trường tìm người đi dạy, thấy học sinh còn nhỏ quá nhưng cũng phải nhận hết vì miệt Cà Mau này đâu có nhiều người biết chữ”, đến giờ ông Huỳnh Văn Tuôi ở ấp Kinh 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau vẫn nhớ mãi những ngày làm thầy tự nguyện.

Những người thầy nhỏ tuổi

Hồi đầu thế kỷ, làng ông Tuôi ở có tên là Huỳnh Lạp, đến khoảng năm 1940 thì đổi thành Tân Ân. Cả vùng chỉ có một trường học duy nhất bên bờ sông Rạch Gốc với vài người thầy, nhưng vẫn loe hoe học sinh vì dân miệt này quá nghèo khổ.

Họ hầu hết đều là người tứ xứ phiêu bạt đến, quanh năm cả vợ chồng, cha con lặn lội trong rừng kiếm miếng ăn, đâu có điều kiện đi học. Nhà ông Tuôi cũng rất khổ, nhưng cha ông có gốc Nho học nên vẫn cố gắng xoay xở cho con đến trường.

Khi biết con tình nguyện đi làm thầy giúp người nghèo khỏi mù chữ, cha ông thắp nhang lên bàn thờ rồi biểu ông lại để dặn dò: “Con đi dạy học phải nhớ lễ phép với bậc cô bác của mình. Dù làm thầy người ta nhưng con còn nhỏ tuổi, đừng làm gì trái đạo để bà con phải buồn phiền”.

Trước ngày đến lớp, ông Tuôi và các bạn phải trải qua một buổi thi sát hạch đủ khả năng dạy học.

Nói là kiểm tra nhưng thực chất rất đơn giản, họ chỉ phải viết một bài văn ngắn tả lá cờ đỏ sao vàng và làm một phép toán lẻ 10: 3. Cuối cùng, ông Tuôi được chọn và cử đi dạy học ở xóm Cả Đuốc, huyện Đầm Dơi.

Buổi sáng, ông tập trung đi cùng với 40 người khác. Mẹ ông chỉ xoay xở cho con được bộ đồ lành lặn duy nhất trên người. Về sau, ông chỉ dám mặc nó khi đến lớp, còn ở nhà bận mỗi chiếc quần đùi vá đụp.

Mọi người chia nhau đi các nơi. Nhóm qua U Minh, nhóm sang Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn... Sau một ngày chèo xuồng, ông Tuôi và mấy người bạn Huỳnh Thị Truyền, Tiết Văn Trạch, Huỳnh Vui Tươi, Huỳnh Long Oanh đến xóm Cả Đuốc.

Bà Truyền được bố trí ăn ở tại một nhà khác. Còn ông Tuôi và các bạn nam cùng ở nhà ông Nguyễn Minh Nhường, một gia đình nhiều đời câu cá sấu ở địa phương.

Ông Năm Nhường khét tiếng khó tính ở xóm nhưng lại rất thương đám thầy nhỏ tuổi như con cháu mình. Cả nhà ông từ đời cha đến chục người con đều mù chữ. Họ rất tò mò với cuốn sách dạy vần của nhóm thầy đem đến, nhưng còn không biết cầm lật thế nào cho đúng.

Hồi ấy cả vùng kháng chiến này đều nghèo xơ xác. Gia đình ông Năm Nhường cũng chẳng khấm khá hơn ai với căn nhà như cái chòi vách đất, lợp mái dừa nước. Cả nhà có cái giường cây duy nhất, họ nhường lại cho các thầy.

Nhưng nhóm ông Tuôi lễ phép cảm ơn, xin được ngủ trong nốp đan bằng lá cây (như cái bao để ngủ) mang theo, còn giường xin nhường lại cho ông bà lớn tuổi.

Các thầy bình dân học vụ Tuôi, Oanh và Tươi (từ trái sang) sau năm 1945 ở Cà Mau - Ảnh: Quốc Việt
Các thầy bình dân học vụ Tuôi, Oanh và Tươi (từ trái sang) sau năm 1945 ở Cà Mau - Ảnh: Quốc Việt

Lớp học giữa rừng

Nghỉ ngơi một ngày, hôm sau họ theo ông chủ tịch xã kháng chiến Nguyễn Minh Kình đến chuẩn bị trường lớp. Tiếng là trường học nhưng đó chỉ là mấy chài chòi lợp lá dừa nước trên nền đất, còn tường bỏ trống để lấy ánh sáng vì lúc ấy làm gì có đèn.

Ông Huỳnh Vui Tươi vẫn nhớ như in: “Khi tụi tui đến nơi thấy nhiều cô bác là học trò đã có mặt ở đó rồi. Nhà làm lớp học đã dựng xong nhưng còn thiếu bàn ghế.

Cô bác lấy cây mắm mọc đầy ở vùng này cắm xuống đất làm cọc, rồi xẻ cây lớn hơn làm mặt bàn ghế. Một người có tay nghề thợ mộc ưu tiên đóng bàn ghế cho thầy giáo, nó cũng được làm bằng cây mắm nhưng đẹp nhất lớp”.

Các thầy giáo nhỏ tuổi còn bất ngờ với tấm bảng đen đã được treo trang trọng từ trước. Đó là công của ông chủ tịch xã Ba Kình đã cố gắng nhờ người trên chợ Cà Mau mua giúp, nó là vật rất hiếm ở miệt cuối đất nước này lúc bấy giờ.

Dưới các tán rừng tràm U Minh, các lớp bình dân học vụ khác cũng được gấp rút thực hiện. Chỉ có điều vật dụng làm trường lớp ở đây bằng cây tràm bạt ngàn thay cho cây mắm, cây đước như ở phía gần biển.

Đến giờ vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngộ, tuổi ngoài 80, ở khóm 2, thị trấn U Minh, vẫn nhớ sự háo hức khi nghe tin có trường lớp dành cho những người nghèo khổ như mình sau năm 1945.

Họ hồi hộp chạy nhanh đến lớp xem mặt thầy cô giáo và phụ dựng trường lớp. Người vô rừng chặt cây, người róc vỏ cây tràm để làm cột kèo, còn cánh phụ nữ đi cắt lá dừa nước để lợp mái. Rừng U Minh quanh năm hiu quạnh tự nhiên tưng bừng hẳn lên.

Bà Trịnh Thị Anh, vợ ông Ngộ, kể hồi chưa phát động phong trào xóa mù chữ này, người biết chữ được một thì người dốt nhiều cả trăm nên cũng không mấy ai thấy mắc cỡ. Tuy nhiên, khi bắt đầu có phong trào bình dân học vụ thì điều đó thay đổi hẳn.

“Ở đầu các chợ, các cửa sông, bìa rừng U Minh hồi đó người ta dựng lên các bảng như A, B, C ... Ai không đánh vần được thì không được qua. Một số nơi nhẹ nhàng hơn thì dựng hai cổng.

Một cổng có chữ. Một cổng chỉ là tấm bảng sơn đen gọi là cổng mù, ai không biết chữ thì đi qua cổng đó”, bà Anh kể đến lúc đó mọi người mới thấu được sự thiệt thòi của mù chữ là thế nào. Nhiều người bị quê ở chợ, nên không đợi phải nhắc tên đã tự nguyện xin đi học.

Ngày đầu tiên đến lớp, các thầy cô và học trò làm quen với nhau. Cô bác lớn tuổi định chào trước, nhưng các thầy cô xin phần chào trước vì nhỏ tuổi hơn nhiều.

Bà Truyền, cô giáo duy nhất lúc ấy mới có 16 tuổi đến xóm Cả Đuốc này, khoanh tay lễ phép: “Xin cô bác cứ coi tụi con như con cháu trong nhà là được rồi, như vậy tụi con mới dám ăn nói”.

Những người bên dưới không chịu, cứ xin gọi thầy “bởi đạo ông bà xưa dạy rằng một chữ cũng là thầy”.

Ông Tuôi phải đứng lên phát biểu thêm: “Vậy xin cô bác cứ gọi tụi con thân mật là Sáu Tuôi, Hai Truyền, Năm Tươi thôi, để tụi con không mắc cỡ mới dạy tốt được”. Cả lớp học cười ồ lên.

Nhiều năm đã trôi qua, các thầy cô của lớp bình dân học vụ năm xưa vẫn còn nhớ nhiều gương mặt học trò lớn tuổi của mình.

Hầu hết họ đều là những người rất nghèo, quanh năm lặn lội ở cửa biển bắt con ba khía hay bẫy thú, làm lò than đổi gạo ăn qua ngày dưới tán rừng U Minh. Bây giờ một số ít còn sống, còn nhớ được chút chuyện thì cũng đã tuổi ngoài 90.

“Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy khổ sở khủng khiếp, nhưng bận đó ai cũng giống ai nên lại thấy rất bình thường. Thầy cô đến lớp chỉ có bộ đồ lành lặn duy nhất trên người đã là may mắn.

Nhiều học trò còn quấn manh vải vá chằng vá đụp cả mấy chục miếng. Có những cặp vợ chồng không thể nào đến lớp đủ mặt cùng lúc được, hỏi ra mới biết nhà họ chỉ có bộ đồ vải duy nhất.

Chồng đến lớp thì vợ phải quanh quẩn ở nhà quấn khố bằng lá cây. Tụi tui hiểu chuyện, chỉ biết khuyên thôi chú ráng học cho thông để về dạy lại cho cô”- ông Huỳnh Long Oanh, người thầy xóa mù chữ ở xóm Cả Đước, Đầm Dơi, tâm sự chuyện xưa.

__________

Kỳ tới: Buổi học đầu tiên

QUỐC VIỆT ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên