
Ông Trần Văn Tươi chia sẻ kinh nghiệm của Long An trong vấn đề thu hút các nhà đầu tư - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trong khuôn khổ sự kiện công bố Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, chiều 27-3 tại TP.HCM đã diễn ra diễn đàn chính sách "Thúc đẩy đầu tư phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long".
Tại hội nghị, ban tổ chức đề nghị đại diện tỉnh Long An chia sẻ kinh nghiệm để tỉnh này đang dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc nhóm thu hút đầu tư mạnh nhất cả nước.
Trong năm 2024, quy mô kinh tế tỉnh Long An hơn 188.000 tỉ đồng, đứng thứ 13 cả nước. Tỉnh cũng vừa thu hút dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) 14,3 tỉ USD, nâng tổng số dự án FDI đến nay là 1.512 dự án đến từ các nhà đầu tư của 40 quốc gia trên thế giới.
Tính riêng trong quý 1-2025, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được 20 dự án FDI thì Long An đã chiếm tới 17 dự án. Về dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), Long An hiện có 2.269 dự án với tổng vốn đầu tư 507.000 tỉ đồng, tương đương 20 tỉ USD.
Ông Trần Văn Tươi, phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An, cho biết một số giải pháp mà tỉnh đã thực hiện.
Thứ nhất là khai thác hiệu quả tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý khi Long An vừa là cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, vừa là địa phương kết nối với TP.HCM và Đông Nam Bộ.
Muốn làm tốt điều này thì phải làm tốt hoạch định chiến lược, trong đó quy hoạch tỉnh đã nói rõ ba vùng kinh tế xã hội, sáu vùng kinh tế động lực, hai hành lang kinh tế (vành đai 3, vành đai 4 và trục quốc lộ 50B).
Thứ hai là làm tốt công tác quy hoạch. Khi nhà đầu tư đọc được quy hoạch tốt thì họ mới về đầu tư. Thứ ba là huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng (đường vành đai 3, vành đai 4 và các trục động lực), trong đó có cả logistics và phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch và hạ tầng số.
Thứ tư là tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Trường nghề Long An đã liên kết với các trường ở TP.HCM để đào tạo, vì tỉnh muốn lấp đầy 16.000ha quy hoạch (hiện đã lấp đầy 5.000ha) công nghiệp thì buộc phải đào tạo nguồn nhân lực phục vụ.
Thứ năm là đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt đẩy mạnh liên kết hợp tác với TP.HCM giải quyết điểm nghẽn giao thông giữa hai địa phương cũng là giải quyết cho cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ sáu là cải thiện chỉ số, đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). "Từ hạng 10 năm 2023 chúng tôi quyết tâm lên hạng nhì về PCI. Và khi PCI đạt hạng nhì thì rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và bỏ vốn đầu tư. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì quan trọng nhất là tính năng động của lãnh đạo", ông Tươi chia sẻ.
Thứ bảy là triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, ngoài ra tỉnh cũng thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc mà doanh nghiệp phản ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận