
Nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Để tạo lập chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại các đô thị, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.
Các chuyên gia đánh giá đây là giải pháp phù hợp với bối cảnh phát triển nhà ở tại các đô thị hiện nay. Trước mắt, Quỹ nhà ở quốc gia nên tập trung phát triển nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để đáp ứng nhu cầu nhà ở của số đông người dân.

Đồ họa: TUẤN ANH
Nguy cơ nơi thừa, chỗ thiếu
Bộ Xây dựng cho biết hiện các địa phương trên cả nước đang bố trí khoảng 1.300 vị trí đất, quy mô hơn 9.700ha đất xây dựng nhà ở xã hội.
Điều đáng nói là nhu cầu về nhà ở tập trung ở hai đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM trong khi quỹ đất hai địa phương này bố trí xây dựng nhà ở xã hội rất khiêm tốn. Doanh nghiệp tại hai thành phố lớn vẫn "đỏ mắt" tìm đất xây dựng nhà ở xã hội.
Trong khi các tỉnh thành khác có nhu cầu nhà ở xã hội không cao lại đang bố trí quỹ đất lớn làm nhà ở xã hội. Chẳng hạn Đồng Nai có 1.064ha, Quảng Ninh 666ha, Hải Phòng 336ha, Bình Dương 408ha...
Và trong số 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng theo đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 thì Hà Nội được giao làm 56.200 căn, TP.HCM được giao làm 69.700 căn.
Số căn hộ nhà ở xã hội sẽ xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM rất khiêm tốn so với con số giao chỉ tiêu cùng kỳ của Bắc Giang với 74.900 căn, Hưng Yên 42.500 căn, Bắc Ninh 72.200 căn, Bình Dương 86.900 căn, Long An 71.200 căn...
Vì thế, các chuyên gia cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp nếu không được tính toán kỹ trong thời gian tới sẽ dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu, không giải được bài toán mất cân đối cung cầu nhà ở hiện nay, không kéo giảm được giá nhà.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM là nơi tập trung đông dân cư, mật độ dân cư cao, chiếm phần lớn nhu cầu nhà ở trên cả nước chỉ đón nhận thêm vài chục ngàn căn nhà, trong khi các tỉnh còn lại như Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An, Đồng Nai... nhu cầu nhà ở xã hội không thật sự lớn thì lại phát triển một lượng lớn nhà ở xã hội, có thể dẫn tới tình trạng cung vượt cầu.
Như vậy, tình trạng mất cân đối cung cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục kéo dài, tình trạng khan hiếm nguồn cung tiếp tục diễn ra, khó "hạ nhiệt" được giá nhà.
Để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, cần tạo lập quỹ đất và nguồn vốn đủ lớn để xây dựng đồng loạt, đáp ứng nhu cầu của số đông người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Để phát triển nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, cần tạo lập quỹ đất và nguồn vốn đủ lớn. Trong ảnh: nhà ở xã hội tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Hút vốn từ nhiều kênh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc lập Quỹ nhà ở quốc gia với một hội đồng quản lý quỹ lúc này rất cần thiết. Luật Nhà ở đã đề cập đến hàng loạt nguồn vốn phát triển nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội nhưng lại thiếu cơ chế riêng cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.
Theo ông Châu, cần coi Quỹ nhà ở quốc gia là thiết chế để quản lý các nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, vai trò chủ tịch hội đồng quản lý quỹ nên giao cho lãnh đạo Bộ Xây dựng để quản lý, vận hành quỹ.
Về cơ chế cho vay mua nhà thì Quỹ nhà ở quốc gia nên hướng tới hỗ trợ người trẻ mua nhà với thời hạn vay đủ dài từ 15 - 20 năm, lãi suất ở mức hợp lý. Không nên "bẫy" người mua nhà như một số ngân hàng thương mại tung các gói vay mua nhà thời gian qua, chỉ áp lãi suất ưu đãi 4,5 - 5% trong năm đầu rồi sau đó thả nổi theo thị trường.
Cần ổn định lãi vay theo chu kỳ 5 năm và có kế hoạch điều chỉnh lãi vay cho những chu kỳ tiếp theo để người mua nhà nắm được.
Cùng quan điểm này, TS Võ Trí Thành, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng Nhà nước cần đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập, điều phối và vận hành Quỹ nhà ở quốc gia, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Nếu được triển khai một cách bài bản, mô hình Quỹ nhà ở quốc gia có thể trở thành một giải pháp quan trọng giúp hàng triệu người dân tiếp cận nhà ở với giá hợp lý, đồng thời góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững - ông Thành cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Văn Đính - chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - nêu vấn đề thị trường bất động sản phát triển lệch pha, thiếu hụt nghiêm trọng nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Nên việc lập Quỹ nhà ở quốc gia lúc này là một giải pháp đột phá, giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, người lao động thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân an cư.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định Quỹ nhà ở quốc gia cần huy động nguồn lực từ nhiều kênh, không chỉ nguồn lực từ Nhà nước mà cần có sự chung tay của người lao động thông qua việc đóng góp một phần nhỏ từ tiền lương vào Quỹ nhà ở quốc gia.
Đây là một giải pháp mang tính xã hội hóa cao, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng cần có trách nhiệm trong việc tạo lập Quỹ nhà ở quốc gia. Việc trích một phần lợi nhuận từ các dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê sẽ góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp.
Ngoài ra nên tạo lập cơ chế khuyến khích quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn vào Quỹ nhà ở quốc gia thông qua các cam kết lợi nhuận ổn định khi đầu tư vào quỹ, nghiên cứu các hình thức hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia phát triển nhà ở.

Người dân sống ven kênh rạch ở TP.HCM muốn được chuyển đến sống nơi tốt hơn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Sử dụng đất công xây nhà ở xã hội
Cũng theo ông Đính, để đảm bảo hiệu quả lâu dài, cần có thiết kế Quỹ nhà ở quốc gia phù hợp với đặc thù thị trường và nguồn lực tài chính trong nước. Trước hết, Nhà nước cần có quy hoạch quỹ đất rõ ràng để phát triển quỹ nhà ở này.
Việc sử dụng hiệu quả quỹ đất công, kết hợp với các chính sách ưu đãi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân.
Bàn về vấn đề này, ông Đinh Minh Tuấn - giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn - cho hay ba yếu tố bảo đảm thành công trong lập Quỹ nhà ở quốc gia thời gian tới gồm cơ chế tạo lập, cách thức hoạt động quỹ, quỹ đất để phát triển nhà ở và vai trò Nhà nước đối với quỹ này.
Với quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp, theo ông Tuấn, nhiều quốc gia như Trung Quốc hay Singapore sử dụng đất công để xây nhà nên việc dành quỹ đất xây nhà khá dễ dàng, nhưng chúng ta đang thiếu cơ chế sử dụng đất công để xây nhà ở xã hội.
Ông Tuấn nói: "Chúng ta có quỹ đất công rộng nhưng nhu cầu nhà ở chỉ tập trung ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM. Ngay tại hai đô thị này thì nhu cầu nhà ở tập trung ở khu vực trung tâm, có mật độ dân số hơn 30.000 người/km2. Còn tại các khu vực như Long An mật độ dân cư khoảng 500 người/km2, TP Bà Rịa chỉ 300 người/km2 thì nhu cầu nhà ở không cao.
Nhu cầu nhà ở từng khu vực khác nhau nên việc tăng cung nhà ở thời gian tới cần đáp ứng đúng nhu cầu thực của người dân. Chúng ta không thể lấy nguồn cung nhà ở khu vực này để đắp cho khu vực kia. Vì thế, việc lập Quỹ nhà ở quốc gia trong thời gian tới nên tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở tại những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, dân nhập cư đông như Hà Nội và TP.HCM.
Việc thu xếp quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cũng cần tính toán, quy hoạch ở những vị trí phù hợp, thuận tiện cho người mua nhà sinh sống và làm việc".
Cần huy động vốn từ người mua nhà
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, việc lập Quỹ nhà ở quốc gia là để tăng cung nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn. Nhà ở giá rẻ ở đây gồm hai loại là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Với giá nhà ở thời điểm này thì giá 1 căn hộ nhà ở giá rẻ khoảng 3 tỉ đồng trở xuống.
Nguồn vốn cho nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở bao gồm: ngân sách nhà nước, công trái, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn viện trợ nước ngoài, các tổ chức khác hỗ trợ và nguồn do người mua nhà ở xã hội đóng góp.
Nhưng đến nay chúng ta chưa thực hiện được việc huy động vốn từ người mua nhà ở xã hội đóng góp, trong khi nhiều nước thực hiện rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Sinh (thứ trưởng Bộ Xây dựng):
Trình mức lợi nhuận cho chủ dự án nhà ở xã hội lên 13%
Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội với nhiều nhóm chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Dự thảo nghị quyết sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, trong đó có đề xuất lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, lợi nhuận cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ tăng từ 10% hiện nay lên mức 13%.
Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 168.027 căn

Có được ngôi nhà là giấc mơ lớn của người nghèo đô thị hiện nay - Ảnh: Q.Đ.
Báo cáo của các địa phương gửi về Ban Chỉ đạo trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ghi nhận trong tuần từ 22 đến 28-3 cả nước đã hoàn thành và xây mới lại 11.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Bình quân mỗi địa phương hoàn thành, xây mới giúp người dân khoảng 25 căn nhà/ngày.
Trong tuần, TP Đà Nẵng tổ chức lễ gắn biển công trình chung cư xã hội dành cho người có công với cách mạng trên đường Vũ Mộng Nguyên (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), bố trí 209 căn hộ có diện tích từ 65 - 77m2/căn cho người có công với cách mạng trên địa bàn.
Tại tỉnh Bình Dương có 9 huyện, thành phố tổ chức khởi công xây dựng nhà cho hộ gia đình nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Tỉnh này phấn đấu đến ngày 30-4 sẽ hoàn thành xây dựng, sửa chữa ít nhất 50% số nhà tạm, nhà dột trên toàn tỉnh; đến trước ngày 30-6 toàn tỉnh sẽ thực hiện xong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tỉnh Tuyên Quang cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo. Phấn đấu đến 30-8 toàn bộ số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ được xây dựng, sửa chữa hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hoàn thành 100% chương trình trước ngày 30-9.
Trước đó, trong phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh từ nay đến cuối năm phải hoàn thành hơn 101.000 căn nhà trong thời gian rất gấp, bình quân cả nước phải xóa 459 căn nhà tạm, nhà dột nát/ngày; mỗi địa phương phải xóa 8 căn nhà tạm, nhà dột nát/ngày.
Tính đến hết ngày 28-3-2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 168.027 căn, trong đó khánh thành 81.607 căn và khởi công mới 86.420 căn.
Trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 15.491 căn, hỗ trợ nhà ở thuộc hai chương trình mục tiêu quốc gia 60.473 căn nhà, hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 92.063 căn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận