21/01/2025 20:47 GMT+7

Lãnh đạo C05: Cả đoàn xe chở heo lậu qua biên giới phía Nam

Nhiều người Việt Nam qua các trại heo ở Thái Lan mua heo thải, heo dịch bệnh… gom ở biên giới giáp các tỉnh phía Nam, rồi đưa xe tải qua chở về tiêu thụ.

Lãnh đạo C05: Cả đoàn xe chở heo lậu qua biên giới phía Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh phải coi việc chống nhập lậu, buôn bán trái phép động vật và sản phẩm động vật là nhiệm vụ quan trọng - Ảnh: C.TUỆ

Đại tá Lê Thơm, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an), chia sẻ như vậy tại cuộc họp về phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 21-1.

Mỗi con trâu, bò lùa qua biên giới giá 800.000 đồng

Theo đại tá Thơm, năm qua tình trạng này trên cả nước vẫn phức tạp, không giảm, dù lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Mặt hàng nhập lậu chủ yếu trâu, bò, heo, gà, vịt, cá, trứng giống, tôm giống, kể cả sản phẩm động vật nguy cấp quý hiếm như hổ, sừng tê giác, tê tê.

Đại tá Thơm cho biết tuyến miền Trung - Tây Nguyên nổi lên việc nhập lậu cá tầm với thủ đoạn: tàu cao tốc Trung Quốc chạy về tới Lào, sau đó tuồn qua khu vực biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia vào Kon Tum, Gia Lai, sau đó chở thẳng xuống TP.HCM. 

Thời gian qua ở Gia Lai, Kon Tum đã bắt rất nhiều vụ buôn bán cá tầm nhập lậu.

Tuyến phía Nam là trâu bò dắt qua biên giới, mỗi con lùa qua biên giới giá 800.000 đồng/con, sau đó gom đưa ra miền Trung tiêu thụ vì giá trâu bò Campuchia rất rẻ.

Nhiều người Việt Nam cũng qua các trại heo ở Thái Lan mua heo thải, heo dịch, heo không giấy tờ… gom ở biên giới giáp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Đồng Tháp, rồi đưa xe tải qua chở về Việt Nam tiêu thụ.

"Người buôn lậu là các chủ doanh nghiệp, đầu nậu không đăng ký kinh doanh, người làm thuê, cửu vạn... thậm chí có một số cán bộ bảo kê, tiếp tay. Xe tải chở hàng nhập lậu qua biên giới thoải mái, không ai biết.

Hậu quả làm cho ngành chăn nuôi trong nước ta không thể cạnh tranh được về giá, dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan gây thiệt hại vô cùng lớn, gây dịch bệnh lây lan sang người. Thịt nhiễm bệnh tật nhập lậu về làm chả, làm nem bán cho các khu công nghiệp, công nhân, sinh viên ăn" - đại tá Thơm nói.

Lãnh đạo C05: Cả đoàn xe chở heo lậu qua biên giới phía Nam - Ảnh 3.

Đại tá Lê Thơm chia sẻ tại cuộc họp - Ảnh: C.TUỆ

Heo bẩn đưa về chợ Hóc Môn tiêu thụ

Theo đại tá Thơm, năm 2024 lực lượng cảnh sát môi trường trên toàn quốc đã đấu tranh xử lý 338 vụ với 188 người vi phạm trong lĩnh vực gia súc, gia cầm, lây lan dịch bệnh và phạt tiền hơn 8 tỉ đồng, khởi tố 11 vụ với 18 bị can.

Điển hình như ngày 24-12-2024, qua trinh sát và nắm tình hình, C05 đã phát hiện đường dây vận chuyển heo từ Thái Lan, đưa qua Campuchia rồi tuồn vào Việt Nam tiêu thụ.

"Đoàn xe từ Việt Nam sang Campuchia chở heo về, khi vừa qua biên giới thì chúng tôi bắt giữ chủ đoàn xe, lái xe, phụ xe, người canh đường, 3 chủ hàng Campuchia.

Khi bắt, công an xã, công an huyện, Công an tỉnh Tây Ninh không hề biết gì, chỉ khi đưa các đối tượng về mới biết. Tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận hành vi nhập lậu heo từ Thái Lan về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ án với 7 đối tượng, thu giữ trước mắt 3,1 tỉ đồng" - đại tá Thơm thông tin.

Gần nhất ngày 11-1, sau thời gian khoảng 2 tháng thu thập thông tin, tài liệu, C05 bắt quả tang tại cơ sở giết mổ Nguyễn Hữu Ân ở ấp Ngãi Đức 1, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

"Tại đây chúng tôi phát hiện 900 con heo bị dịch bệnh được đưa vào cơ sở này để giết mổ. Qua kiểm tra phân tích 21 mẫu thì có tới 19 mẫu nhiễm dịch tả heo châu Phi, tai xanh. Qua đấu tranh, chủ cơ sở khai nhận đã đưa một số thịt heo ra một số quầy hàng ở chợ Hóc Môn tiêu thụ.

Sau đó, cơ quan công an phối hợp cùng các cơ quan của tỉnh Long An đã tiêu hủy khoảng 9 tấn thịt heo. Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án" - đại tá Thơm nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định việc phòng chống buôn lậu động vật và sản phẩm động vật là bài toán quan trọng để duy trì chăn nuôi trong nước.

Theo ông Tiến, sau hơn 2 năm đẩy mạnh, công tác phòng chống buôn lậu đã đi vào chiều sâu, nhận dạng đúng, rõ đối tượng, rõ địa bàn, cửa khẩu, đường mòn lối mở. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn cần duy trì và xoáy sâu vào các địa bàn, các đối tượng thì mới hiệu quả lâu dài.

Ông Tiến cũng đề nghị các sở, ban ngành và UBND các tỉnh phải tham gia chỉ đạo quyết liệt bởi nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh thì rất khó, giống như chống IUU, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

"Không thể để tình trạng mang giống không nguồn gốc chở khắp nơi để bán" - ông Tiến nhấn mạnh.

Đại diện C05: Cả đoàn xe chở heo lậu, trâu bò lùa qua biên giới phía Nam - Ảnh 4.Chuyện heo nhập lậu: Khi con heo chui lọt lỗ kim

Không giống như các hàng hóa khác có thể giấu giếm, ngụy trang, heo nhập lậu chở bằng xe tải, mỗi chuyến hàng trăm con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên