09/02/2025 10:27 GMT+7

Làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện có giảm kẹt xe?

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online ủng hộ đề xuất tổ chức một chiều đường Cộng Hòa và Phan Thúc Duyện nối dài (quận Tân Bình, TP.HCM) để giảm kẹt xe.

Làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện có giảm kẹt xe? - Ảnh 1.

Xe cộ ken đặc ở đường Hoàng Văn Thụ nối đường Cộng Hòa - Ảnh: CHÂU TUẤN

Từ nhiều năm nay, đường Cộng Hòa luôn là một trong những tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, người dân đi lại qua tuyến đường này rất vất vả.

Tổ chức đường một chiều vào, một chiều ra

Trước đề xuất tổ chức một chiều đường Cộng Hòa và Phan Thúc Duyện nối dài, bạn đọc cho rằng đây cũng là ý hay giảm áp lực giao thông tại đây, nên nghiên cứu áp dụng sớm.

Cụ thể là ngay khu vực mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa nên làm đường Cộng Hòa một chiều hướng An Sương vào trung tâm, đường Phan Thúc Duyện nối dài một chiều từ trung tâm ra An Sương. 

Với cách tổ chức giao thông một chiều vào và một chiều ra như vậy giúp giảm bớt xung đột giao thông, hạn chế tình trạng ùn tắc tuyến đường Cộng Hòa và ngã ba mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa.

Bạn đọc Vĩnh Thứ nhận định đây là phương án rất hay mà đơn giản, mong được cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu thực hiện ngay, thuận tiện cho người dân hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Hoàng Hiếu cho biết đang sống ở gần đường Cộng Hòa, cho rằng trong khi bề rộng mặt đường hạn chế nhưng lượng xe rất lớn nên đường tắc mỗi ngày. 

Nhất là khung giờ cao điểm, xe cộ ken đặc trên đường, ô tô phải chen chúc gần 30 phút để đi đoạn đường ngắn từ vòng xoay Lăng Cha Cả qua khỏi giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám. Không chỉ vậy, tình trạng kẹt xe còn lan rộng khu vực Lăng Cha Cả, xung quanh công viên Hoàng Văn Thụ...

Phân thích thêm, bạn đọc Đ.Đ.Đ. nói hai bên đường Cộng Hòa rất nhiều chung cư và trường học nên lượng người qua lại rất lớn. 

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng rà soát, bỏ phân cách rồi làm đường một chiều vào, một chiều ra đảm bảo hợp lý, khai thác hiệu quả được hạ tầng giao thông hiện có.

Ngoài ra bạn đọc Led góp ý cần tính trước khi đưa đường Phan Thúc Duyện vào lưu thông, đừng để kẹt xe mới nghiên cứu là quá chậm. 

Đường Phan Thúc Duyện nối dài, qua nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, tới đường Cộng Hòa và đi thẳng ra khu vực ngã ba Bà Quẹo đang được khẩn trương hoàn thành, đảm bảo phục vụ lưu thông khi nhà ga T3 đi vào khai thác cuối tháng 4-2025.

"Cần lắm nắn lại và chuyển tất cả các con đường có mật độ xe lớn thành đường một chiều, và đóng các ngã rẽ trái nhỏ hẹp đông xe, việc ùn tắc sẽ giảm mạnh", bạn đọc Quang Thắng viết.

Làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện có giảm kẹt xe? - Ảnh 3.

Dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài hơn 4km. Trong đó có hai hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao khu vực đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Đồng bộ nhóm giải pháp

Một số bạn đọc khác góp ý cơ quan chức năng có thể tiếp nhận đề xuất, đánh giá kỹ dựa vào tình hình thực tế giao thông cả khu vực này. Trong đó chú trọng mô phỏng lượng xe cộ đi lại qua tuyến Phan Thúc Duyện sau khi hoàn thành sử dụng toàn dự án.

Bạn đọc Thanh lưu ý phải tính toán kỹ bởi khi tổ chức đường một chiều thì người đi xe máy muốn đến điểm đến bên trái đường Cộng Hòa phải băng qua nhiều làn ô tô rất nguy hiểm. 

Có thể nghiên cứu xử lý ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa và đóng ngã ba Út Tịch - Cộng Hòa trước. 

Ngoài ra dọc tuyến đường Cộng Hòa cho chỉnh pha đèn tín hiệu giao thông phù hợp là ổn.

Muốn đạt hiệu quả cao, các đơn vị cần đánh giá tổng thể, khảo sát ý kiến người dân sống ở khu vực này. Bởi vì dân buôn bán bên trái đường bị ảnh hưởng lớn khi tổ chức giao thông một chiều.

Nhìn một hướng khác, theo bạn đọc Tùng, làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện nối dài như trên thì buổi sáng đường Phan Thúc Duyện vắng (và sẽ đông đúc vào buổi chiều) là hơi lãng phí. 

Thay vào đó, phương án dùng con lươn điều chỉnh mở rộng làn đường vào các giờ cao điểm sáng và chiều cũng nên được cân nhắc.

Như vậy cũng tránh quá tải dồn vào khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, công viên Hoàng Văn Thụ...

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia giao thông cho rằng việc tổ chức giao thông một chiều cần đánh giá, nghiên cứu kỹ, kết hợp chạy mô phỏng và dự trù các kịch bản giao thông có thể xảy ra. 

Khi toàn bộ dự án đường Phan Thúc Duyện đi vào hoạt động thì cả khu vực phải được phân luồng tổng thể để xe cộ lưu thông thuận lợi. Về lâu dài, để giải quyết ùn tắc khu vực này cần đồng bộ nhiều giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất. 

Trong đó chú trọng tổ chức lại giao thông trong khu vực, phân làn theo vòng xoay lớn đường Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa. Song song đó hạn chế quay đầu xe trên đường Cộng Hòa, ưu tiên quay đầu xe dưới chân cầu vượt Lăng Cha Cả...

Ở các nút giao, lực lượng chức năng tăng cường điều tiết giao thông giờ cao điểm, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm gây cản trở giao thông.

Đặc biệt là nhóm dự án hạ tầng giao thông khu vực này cần được ưu tiên thực hiện, kết hợp làm đường trên cao từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - giao với đường Điện Biên Phủ.

Giải pháp giảm kẹt xe ở khu vực

Trong khi đó, bạn đọc Quang Phú (sống tại quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng nếu làm đường một chiều cho Cộng Hòa và Phan Thúc Duyện là không hợp lý. Lý do là đường Cộng Hòa một chiều thì được, nhưng đường Phan Thúc Duyện quá nhỏ nên không thể làm đường một chiều ngược lại với đường Cộng Hòa. Nếu đường Phan Thúc Duyện trở thành một chiều sẽ không gánh nổi lượng xe cộ quá đông cùng một lúc hướng vào nhà ga T3, đi vào đường Hoàng Hoa Thám và ra Trường Chinh.

Bạn đọc Quang Phú nêu giải pháp chống kẹt xe cho khu vực là cần làm thêm các cầu vượt đi bộ trên đường Cộng Hòa (hiện không có cầu vượt đi bộ nào trong cả con đường dài), tăng thêm các làn trên cao và làn đi ngầm (hầm chui) ở vòng xoay Lăng Cha Cả. Đồng thời làm nút giao thông khác mức tại ngã ba Bà Quẹo, nơi có đường Phan Thúc Duyện sẽ đổ ra khu vực này.

Làm một chiều đường Cộng Hòa, Phan Thúc Duyện và nhiều tuyến đường khác để giảm kẹt xe?  - Ảnh 3.Chuyển đường Ung Văn Khiêm thành một chiều để giảm kẹt xe không lối thoát ở Bình Thạnh?

Chuyển đường Ung Văn Khiêm thành đường một chiều theo hướng từ Nguyễn Hữu Cảnh đi quốc lộ 13 có thể giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực cầu vượt Hàng Xanh đang ngày càng trầm trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên