
Tăng hỗ trợ để doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh trên nền tảng online là giải pháp để mang hàng hóa đến gần với người tiêu dùng - Ảnh: N.TRÍ
Ngày 22-4, tại TPHCM, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức "Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng", nhằm đánh giá thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Thị trường trong nước là "phao cứu sinh"
Tại hội nghị, nhiều hiệp hội ngành hàng cùng các bộ, ngành liên quan cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, việc phát triển thị trường nội địa trở thành một chiến lược trọng tâm nhằm ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Trần Hữu Linh - cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - nhấn mạnh vai trò then chốt của thị trường nội địa trong việc duy trì đà tăng trưởng.
"Thị trường trong nước không chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm mà còn là "phao cứu sinh" cho doanh nghiệp trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đặc biệt tại một số thị trường lớn đang áp dụng chính sách bảo hộ".
Theo ông Phan Văn Chinh - phó cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, thị trường nội địa là sự kết hợp giữa nguồn cung sản xuất, nhu cầu tiêu dùng và hệ thống phân phối. Việc phát triển hệ sinh thái phân phối từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hay nền tảng số là yếu tố thiết yếu để mở rộng tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng.
Theo nhiều chuyên gia, GDP năm 2024 tăng trưởng 7,9%, cùng với mức tăng 6,93% trong quý 1-2025 - mức cao nhất từ 2020 đến nay - tạo nền tảng thuận lợi cho nhu cầu chi tiêu. Nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế VAT, điều chỉnh lương tối thiểu, thúc đẩy đầu tư công… đã góp phần cải thiện thu nhập người dân, từ đó hỗ trợ tiêu dùng.
Tuy nhiên, sức mua vẫn chưa đạt kỳ vọng, tâm lý tiêu dùng còn thận trọng trong bối cảnh giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng và nguy cơ lạm phát hiện hữu.
Đồng quan điểm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng dù thời gian qua Nhà nước có nhiều giải pháp nhưng nhìn chung tâm lý tiêu dùng hiện vẫn còn thận trọng, sức mua dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa đạt mức tăng trưởng rõ rệt.
"Giá cả một số mặt hàng thiết yếu tiếp tục có xu hướng tăng, tạo thêm áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn, trong khi tăng trưởng kinh tế thực tế chưa tạo được cú hích đủ mạnh để kích thích tiêu dùng".
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh do hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn, trong khi thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu nhất quán.
Cần nhiều giải pháp để gỡ khó
Tại hội nghị, nhiều giải pháp đã được đại diện các bộ, ngành, chuyên gia chỉ ra và giao trách nhiệm. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế và giảm tiền thuê đất được đánh giá là những biện pháp cấp thiết.
Đồng thời, cần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho thuế thu nhập cá nhân, giúp tăng thu nhập khả dụng và thúc đẩy tiêu dùng.

Tại hội nghị, các chuyên gia, sở ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng - Ảnh: N.TRÍ
Về lâu dài, động lực tăng trưởng phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cải cách hành chính, nhất là lĩnh vực thuế, cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng phối hợp với sở ngành ở địa phương, các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng để mang hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn, cần có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phân phối hàng hóa; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai bán hàng trên sàn thương mại điện tử, online.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình bình ổn thị trường kết hợp với các chương trình kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm để vừa góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa kích cầu tiêu dùng.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản sang thị trường mới thay thế thị trường xuất khẩu đang gặp khó; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng trồng quy mô lớn.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý 1 năm 2025 đạt 1.708.252 tỉ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5 và 18,3%);
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận