![Làm gì để bán vé số dạo quy củ và chuyên nghiệp hơn? - Ảnh 1. Làm gì để bán vé số dạo quy củ và chuyên nghiệp hơn? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/veso2-read-only-1739027849296953956999.jpg)
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau quy hoạch khu bán vé số tập trung - Ảnh: THANH HUYỀN
Có hai con nhỏ, không thể đi xa bán vé số, chị Nương đặt cái bàn gỗ bày vé số bán trên vỉa hè đường Mạc Đĩnh Chi, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).
Những ngày đầu, chưa có nhiều người biết điểm bán vé số này, chị Nương chỉ lấy khoảng 100 tờ/ngày. Nhiều bữa cũng "ôm" 5-7 tờ vé ế. Theo thời gian, khách quen ghé mua ngày một nhiều, hiện bình quân chị Nương nhận bán khoảng 250 tờ/ngày.
Bán vé số tại chỗ vẫn sống khỏe
"Mình bán trên một góc nhỏ vỉa hè, không vi phạm luật giao thông. Ai muốn mua thì ghé ủng hộ. Lâu dần mọi người cũng quen, một số người đi chợ vẫn chừa tiền về ghé qua mua vé số tôi bán", chị Nương nói.
Tại TP Sóc Trăng, anh Hải cũng là một trong những người thành công trong việc bán vé số cố định. Trước đây anh Hải chụp hình, quay phim đám cưới. Thức khuya dậy sớm, đi xa vất vả nên anh Hải chuyển sang bán vé số.
Không có mặt bằng, anh Hải mượn vỉa hè của một gia đình tốt bụng ở phường 8, TP Sóc Trăng để đặt bàn bán vé số. Khu vực này đông người qua lại nên anh Hải bán vé số lúc nào cũng "đắt như tôm tươi".
Tuy nhiên không phải tất cả những người bán vé số đều có điều kiện bán tại chỗ. Hầu hết họ phải bán dạo, đi vào từng hẻm nhỏ, vào tận nhà mời khách hoặc tới mấy nơi đông người mới dễ bán.
Ông Nguyễn Thanh Sang (56 tuổi, ngụ An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ nhiều người bán vé số dạo muốn được mời khách mua vé số trong các quán ăn lớn, trạm dừng chân thì phải phụ giúp chủ quán bưng bê, lau bàn lau ghế.
Mỗi ngày ông Sang bán được 200 vé, bán không hết thì "ôm" chứ cũng không được trả. "Ai mà không muốn ngồi một chỗ cố định để bán, nhưng như thế thì bán không tới 100 vé/ngày, bắt buộc phải đạp xe dọc đường rồi tấp vào các quán cà phê để mời khách mua", ông Sang nói.
Chị Nguyễn Thúy Hằng (bán vé số dạo tại TP Cà Mau) cho biết trước đây từng ngồi tại chỗ để bán nhưng không có nhiều khách. Giờ mỗi ngày chị phải đi bộ hơn 20km mới bán hết 150 tờ vé số.
Theo chủ một đại lý vé số tại Hậu Giang, người bán vé số dạo đeo bám, mời mọc đã gây ra sự khó chịu cho người khác nhưng đối với người thích mua vé số thì họ thấy vui.
Vì những người bán vé số dạo là người mang niềm vui đến cho người chơi vé số, thậm chí là may mắn nếu trúng số.
Ông Văn Đình Trung Hiếu, chủ tịch nghiệp đoàn vé số Đức Thịnh (TP Cần Thơ), cho biết: "Nghiệp đoàn vé số Đức Thịnh có lập nhóm Zalo, khi nhận phản ảnh than phiền của khách hàng sẽ nhắc nhở người bán dạo để việc bán vé số văn minh, lịch sự hơn".
Ông C.N., chủ một đại lý vé số tại tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện có công ty xổ số hỗ trợ tủ bán vé số cho người bán dạo có nhu cầu. "Từ nhu cầu của người bán vé số dạo, đại lý khảo sát địa điểm xem khả năng có bán được không thì mới đề xuất công ty xổ số hỗ trợ tủ bán vé số", ông C.N. nói.
Mua bảo hiểm xã hội cho người bán vé số dạo, được không?
Chủ đại lý vé số C.N. cho biết đại lý của ông trước đây có mua bảo hiểm tai nạn cho những người lấy vé số từ đại lý.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau, công ty có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người khó khăn bán vé số như xây cất nhà, hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm.
"Việc mua bảo hiểm cho người bán vé số dạo cũng là một đề xuất hay, tuy nhiên đó là vấn đề khó và cần thời gian. Bởi vì vé số phát hành chung cả khu vực, cả nước nên cần có chính sách đồng bộ hơn", vị này chia sẻ.
Còn ông Lê Phước Thái, giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang, cho rằng đây là chính sách đặc thù nên phải thông qua HĐND. Hiện đơn vị đang đề xuất xây dựng chính sách mua bảo hiểm y tế cho người bán vé số dạo nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để trình cơ quan thẩm quyền.
Đại diện Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế chia sẻ hiện có khoảng 1.800 người bán vé số dạo trên địa bàn toàn tỉnh.
Công ty đã khởi công xây dựng nhiều nhà tình nghĩa cho người bán vé số dạo có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm công ty cũng phối hợp với nhiều đơn vị trao hàng chục suất học bổng cho con em những người bán vé số dạo vươn lên vượt khó.
Các đại lý cũng tạo điều kiện để những người bán vé số dạo trả vé ế và bà cũng chưa gặp trường hợp đại lý ép người bán, không cho trả vé ế.
* Ông TRẦN DŨNG HÀ (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
Trích lợi nhuận để mua bảo hiểm y tế
Các công ty xổ số đang hoạt động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động đang làm việc cho công ty ở nhiều vị trí như quản lý, nhân viên các phòng, ban nhưng cũng chỉ có thể tới được các đại lý chứ không tới được những người bán vé số dạo.
Những người bán vé số có thể hiểu nôm na như cộng tác viên bán hàng, họ chỉ làm việc với các đại lý nên các công ty xổ số thậm chí không biết họ là ai. Họ không có hợp đồng lao động thì các công ty cũng không có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho họ.
Đồng thời việc ràng buộc hợp đồng cũng rất phức tạp bởi vì người bán vé số rất đa dạng, có thể là người già đã hết tuổi lao động hoặc trẻ em chưa đủ tuổi lao động để giao kết hợp đồng theo quy định pháp luật.
Công ty xổ số cũng không quản lý họ về mặt thời giờ làm việc. Họ có thể làm việc vài giờ một ngày, làm việc vài tháng rồi nghỉ về quê 1-2 tháng và quay lại làm việc.
Vì thế, việc chăm lo thiết thực nhất là nên có quy định về việc trích lợi nhuận của các công ty xổ số (có thể dựa trên số liệu từ cơ quan thuế), phân bổ về các UBND phường, xã có người bán vé số cư trú để mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ chăm lo đời sống cho gia đình, con cái họ...
Cần chính sách hỗ trợ toàn diện
Việc tăng cường bảo đảm công bằng cho người bán vé số dạo, đa phần là những người yếu thế, là điều đầu tiên cần thực hiện.
Các công ty xổ số nên xem xét việc ký hợp đồng lao động và cung cấp các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người bán. Điều này không chỉ giúp đảm bảo đời sống của họ mà còn tăng tính ổn định trong chuỗi phân phối của hoạt động kinh doanh xổ số.
Việc tăng tỉ lệ hoa hồng để tăng thu nhập cho người bán vé số cũng cần được tính đến. Đồng thời, các đại lý cũng cần cho phép người bán trả lại vé thừa trong ngày, tạo ra môi trường linh hoạt và giảm thiểu rủi ro cho người bán.
Khuyến khích các điểm bán cố định tại các quầy, ki ốt trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe... cũng là một giải pháp khác giúp đảm bảo môi trường làm việc an toàn và hạn chế rủi ro cho người bán.
Tăng cường trách nhiệm xã hội của các công ty xổ số cũng là yếu tố không thể thiếu. Các công ty có thể đóng góp vào quỹ xã hội để hỗ trợ những người bán vé số dạo, xem đây là một phần trách nhiệm doanh nghiệp của họ.
Ngoài những giải pháp nêu trên, các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho người yếu thế là cần thiết.
Những chương trình này không chỉ mang lại hy vọng thoát nghèo mà còn giúp những người này có thêm nhiều lựa chọn việc làm, giảm phụ thuộc vào nghề bán vé số. Nhà nước cần xem xét việc phân bổ một phần nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư vào các chương trình này.
Mua vé số ở cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, quán trà sữa
![Làm gì để bán vé số dạo quy củ và chuyên nghiệp hơn? - Ảnh 2. Làm gì để bán vé số dạo quy củ và chuyên nghiệp hơn? - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/8/nhat-linh-ve-so-dao-read-only-17390278492851145772026.jpg)
Người bán vé số dạo mời khách mua vé số truyền thống ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Trường Tộ, quận Thuận Hóa, TP Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Tại các nước, việc phân phối và bày bán vé số cho người mua tuân theo quy trình bài bản, có tổ chức.
Theo Hiệp hội Xổ số tiểu bang và tỉnh Bắc Mỹ (NASPL), bên cạnh bán online, vé số được bán trực tiếp tại khoảng 223.000 địa điểm được cấp phép trên khắp nước Mỹ, như cửa hàng tiện lợi, trạm xăng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Những nơi này đều có bảng hiệu ghi "xổ số" hoặc "Powerball" kích thước lớn, chữ rõ để khách hàng dễ nhìn thấy và tự mua vé số. Nếu không thấy, khách có thể hỏi mua trực tiếp từ nhân viên thu ngân tại cửa hàng.
Ở Trung Quốc, chỉ những cửa hàng được cấp phép mới được bán vé số. Phổ biến nhất ở Trung Quốc là vé số cào.
Bởi lẽ giới trẻ từ 18-34 tuổi đang chiếm tới 85% số lượng người mua vé số ở nước này. Họ thích cào và biết kết quả tức thời, trả thưởng ngay tại chỗ, hơn là đợi quay số mở thưởng.
Wang Le, 23 tuổi, người có thói quen cào một tờ vé số trước khi rời khỏi chỗ làm mỗi ngày, chia sẻ với tờ Beijing Youth Daily: "Cảm giác như đang ăn mừng kết thúc một ngày làm việc vậy".
Để đáp ứng tệp khách hàng này, ngoài các đại lý vé số, các cửa hàng tiện lợi được cấp phép và thậm chí một số quán cà phê, quán trà sữa nổi tiếng cũng là những địa điểm bày bán vé số cào phổ biến ở Trung Quốc.
Ở Thái cũng có đại lý vé số và người bán vé số dạo. Tuy nhiên, vé số bán lẻ đến tay người mua luôn cao hơn giá gốc do cầu vượt cung.
Giá phát hành của mỗi tấm vé là 80 baht (60.000 đồng) nhưng người mua thường phải trả 100 -120 baht nếu mua vé dạo. Với những tấm vé có số đẹp, cái giá có thể nhân đôi, lên đến 160 baht.
Để giải quyết tình trạng vé số giá cao, Cơ quan phát hành vé số Chính phủ Thái Lan bắt đầu mở cổng bán vé số trực tuyến từ tháng 6-2022 và bán với số lượng hạn chế nhưng đúng giá 80 baht/vé.
Ban đầu, nhiều người bán dạo chưa thích nghi, lo sợ vé số trực tuyến đe dọa sinh kế. Nhưng những vòng mở bán tiếp theo, do cầu cao hơn cung, người bán vé số dạo vẫn bán 100 - 120 baht/vé và vẫn có người mua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận