29/03/2018 20:07 GMT+7

Làm ăn ở Trung Quốc cần thương hiệu 'con ông này, cháu cụ kia'

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Câu nói "nhất hậu duệ, nhì quan hệ" không rõ có từ thời nào nhưng đặc biệt thịnh hành ở Trung Quốc. Khi muốn làm ăn với người Hoa, bất cứ ai cũng phải học thuộc bài học vỡ lòng này...

Làm ăn ở Trung Quốc cần thương hiệu con ông này, cháu cụ kia - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước ngày 17-3 vừa qua trong kỳ họp Quốc hội tại Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông theo đuổi quyết liệt cuộc chiến chống tham nhũng - Ảnh: REUTERS

Các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài lần đầu chân ướt chân ráo đến Trung Quốc thường nhận được một lời khuyên: Nên kết giao với người thân của các quan chức Đảng Cộng sản, nghiên cứu cho kỹ khái niệm guanxi - tức "quan hệ" - thứ chi phối nhiều hoạt động trong xã hội Trung Quốc.

Trong nghiên cứu mang tên "Guanxi, Xinyong và mạng lưới kinh doanh của người Hoa" (Bùi Thế Cường chuyển ngữ), hai học giả Singapore Tong Chee Kiong và Yong Pit Kee mô tả:

Guanxi là những mối liên hệ liên cá nhân mà người Hoa xem là rất căn bản để hỗ trợ cho làm ăn suôn sẻ.

Một người trả lời phỏng vấn nói: "Người Hoa rất linh hoạt. Chúng tôi có thể thay đổi để thích ứng với tình huống. Ngay cả khi đã thỏa thuận thời hạn, nếu anh (người cung cấp) không đảm bảo được thời hạn này, anh vẫn có thể hỏi: Có thể lùi được không? Tàu của tôi chưa sẵn sàng. Và điều này có thể. Ký hợp đồng rồi, anh vẫn có thể đề nghị sửa đổi cái này cái kia… Nếu có quan hệ tốt thì ta có thể thay đổi. Nếu anh yêu cầu, chúng tôi có thể giúp".

Do ích lợi như thế mà người ta nỗ lực rất nhiều để xây dựng guanxi.

Anh quen ai?

Gần gũi với người có vai vế chính trị luôn hữu ích ở bất cứ quốc gia nào, điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc - nơi quyền lực chính trị tập trung trong tay một nhóm thiểu số.

Ở Trung Quốc, "hậu duệ" xếp hàng đầu trong nhiều dạng quan hệ khác nhau, kế tiếp là họ hàng, bà con... Tuy nhiên, những người đủ khả năng giữ vai trò kết nối với giới thượng tầng ở Bắc Kinh cũng có thể là người giúp việc, lái xe, quản gia, người tình (của các quan chức)…

Nhà báo người New Zealand Jamil Anderlini - biên tập viên châu Á của báo Financial Times, kể ông từng ngồi ăn tối với một người đàn ông thành đạt ở Bắc Kinh. Thú vị ở chỗ ông này vốn xuất thân chỉ là tài xế cho một quan chức cao cấp Trung Quốc, nhờ tận dụng tốt mối quan hệ mà vươn lên thành một đại gia bất động sản.

Cùng với việc Trung Quốc dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho chức Chủ tịch nước, giới quan sát nhận định số người đáng thiết lập quan hệ ở Trung Quốc đã giảm đi đáng kể. Thay vào đó, tầm quan trọng của việc kết nối với những người xung quanh ông Tập Cận Bình - dù có thể quen biết xa lắc - đã gia tăng rất nhiều.

Làm ăn ở Trung Quốc cần thương hiệu con ông này, cháu cụ kia - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập đoàn CEFC China Energy Diệp Giản Minh bị chính quyền Trung Quốc điều tra tội ác kinh tế - Ảnh: REUTERS

Theo nhà báo Anderlini, những tháng gần đây, các nhà trung gian phương Tây ở Trung Quốc nhận được nhiều lời đề nghị kết nối với các nhân vật gần với gia đình ông Tập, chẳng hạn huấn luyện viên thể hình của con gái ông.

Tuy nhiên, thực tế là nếu ai không có thực lực mà lại lạm dụng trò "guanxi" có thể phải trả giá đắt. Diệp Giản Minh (Ye Jianming) - ông trùm dầu khí Trung Quốc bị bắt hồi cuối tháng 2-2018 là một ví dụ.

Mang một cái họ phổ biến (nhưng rất tiện), ông này luôn cố tình để mọi người nghĩ bản thân có liên hệ với nguyên soái Diệp Kiếm Anh - nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng cùng thời với ông Mao Trạch Đông. Làm ăn thuận lợi được một thời gian nhưng cuối cùng mọi sự đổ bể và ông này buộc phải thừa nhận không họ hàng gì ráo với vị tướng huyền thoại.

Không lâu sau khi Diệp Giản Minh ngã ngựa, thương vụ 9 tỉ USD của Tập đoàn CEFC China Energy mua lại 14% cổ phần công ty dầu khí Rosneft của Nga bị chính quyền điều tra dù trước đó tin đồn nói nó được phe "Thái tử đảng" của Trung Quốc chống lưng.

Chuyện của Lý Thư Phúc

Làm ăn ở Trung Quốc cần thương hiệu con ông này, cháu cụ kia - Ảnh 3.

Ông trùm ôtô Trung Quốc Lý Thư Phúc có bà vợ trùng tên với em vợ ông Tập Cận Bình - Ảnh: AFP

Trường hợp áp dụng guanxi thú vị nhất phải kể đến ông trùm ôtô Lý Thư Phúc - chủ Tập đoàn sản xuất ôtô quốc tế Geely, đang sở hữu cả hãng xe hơi Thụy Điển Volvo Cars, hãng chế tạo taxi The London Electric Vehicle Company của Anh…

Năm ngoái, tỉ phú họ Lý mua phần lớn cổ phần của nhà sản xuất ô tô Malaysia Proton, hãng xe thể thao Lotus Cars của Anh, ngân hàng Saxo Bank của Đan Mạch và một công ty sản xuất ôtô bay của Mỹ. Và chỉ trong vài tháng gần đây, ông Lý tiếp tục trở thành cổ đông lớn nhất của Volvo Trucks và hãng ôtô Đức Daimler giữ thương hiệu Mercedes-Benz.

Khả năng của Lý Thư Phúc chốt hàng loạt thương vụ nhạy cảm ở nước ngoài vào thời điểm Bắc Kinh xiết chặt dòng tiền đầu tư và cố tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến nhiều người phải gãi đầu suy luận.

Một số nhà quan sát đặt giả thiết ông Lý thực hiện các khoản đầu tư thay mặt cho Nhà nước Trung Quốc, minh chứng qua phát ngôn của ông trong thương vụ mua cổ phần Daimler rằng mục đích là "hỗ trợ tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc".

Ngoài ra còn một giả thiết thứ hai tập trung vào thân phận của vợ ông Lý - bà Peng Lijuan. Bà này trùng tên với em gái của đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viên (tức vợ ông Tập Cận Bình), khiến không ít người cho rằng Lý Thư Phúc cưới em vợ của Chủ tịch nước!

Giả thiết này càng được củng cố bởi thực tế là mọi tìm kiếm trên internet ở Trung Quốc liên quan đến nghi vấn này không cho ra bất cứ kết quả nào, càng không thể tìm thấy tấm hình nào của vợ ông Lý trong hồ sơ công cộng. Theo thông lệ, mọi thông tin cá nhân của giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh, bao gồm thành viên gia đình, thuộc hàng bí mật quốc gia và được lọc xóa rất kỹ.

Mặt khác, cũng có ý kiến nói tên hai người phụ nữ giống nhau hoàn toàn là sự tình cờ, Lý Thư Phúc không thèm cải chính bởi vì nó mang lại cho ông ta một vốn liếng chính trị lớn ở Trung Quốc và hải ngoại.

Làm ăn ở Trung Quốc cần thương hiệu con ông này, cháu cụ kia - Ảnh 4.

Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc bắt tay giao lưu trong cuộc nói chuyện của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 9-11-2017 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ - Ảnh: REUTERS

Nhưng nếu đúng vậy, sự mập mờ này sẽ đẩy Lý Thư Phúc vào thế khó khi giờ đây các thương vụ mua bán bắt đầu bị chính quyền để ý. Nếu sự thật lộ ra là ông này "xạo", quyền lực vô hình sẽ tự động biến mất, còn nếu im lặng và để Chủ tịch nước bị dư luận chỉ trích theo "chủ nghĩa gia đình" cũng không ổn!

Câu chuyện của Lý Thư Phúc có thể nói là bài học cho tất cả "sinh viên" muốn thực hành khái niệm guanxi ở Trung Quốc.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên