Phóng to |
Hoạ sĩ Mai Văn Hiến |
Ông được sinh ra tận miền Châu Thành - Mỹ Tho vào tháng 9 năm 1923. Đến tuổi trưởng thành, ông lặn lội ra Hà Nội, thi bằng được vào Trường Mỹ thuật Đông Dương bởi, như có lần ông nói, đã trót yêu vẽ từ thời để chỏm.
Và cũng từ Hà Nội, tháng 8 năm 1945, ông đặt mình vào hàng ngũ quân đội non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Công việc đầu tiên của ông đóng góp cho cách mạng là tham gia vẽ tờ giấy bạc đầu tiên của nhà nước mới giành độc lập.
Rồi sau đó, với vai trò hoạ sĩ Báo Vệ Quốc quân, Báo Quân đội Nhân dân, ông đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như chiến dịch Đông Bắc, vùng mỏ, giải phóng Tây Bắc, giải phóng Thượng Lào và cuối cùng là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chặng đường này của ông đã cho ông một "vốn liếng" vô cùng lớn là hàng trăm bức ký hoạ, để sau này ông dựng nên những tác phẩm "để đời" cho nền hội hoạ cách mạng Việt Nam - mà hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - như những bức sơn dầu: Bướm dọc đường, Du kích Đông Bắc, Tiếng hát mùa chiến dịch.
Chặng đường thứ hai của ông kéo dài gần 20 năm, từ 1966 đến 1983 với cương vị uỷ viên thường vụ, thường trực, Trưởng ban Đối ngoại Hội Mỹ thuật Việt Nam là giai đoạn ông gắn bó mật thiết với anh em hoạ sĩ, bất kể tuổi tác, bằng một tình thân hồn nhiên và trách nhiệm.
Cũng thời gian này, dù công việc quản lý bận rộn, nhưng ông tham gia đều đặn minh hoạ cho báo Văn nghệ và cũng đặt một dấu ấn rất riêng biệt trên mặt báo với nét bút thật hóm hỉnh, đúng như phong cách ông ngoài đời: Nụ cười bao giờ cũng mở đầu cho câu chuyện.
Ông là một trong những hoạ sĩ được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu. Biết ông trọng bệnh đã lâu, nhưng chiều nay nghe tin ông về trời vẫn thấy bất ngờ và hẫng hụt. Nhưng rồi lại được yên lòng bởi nghe chị Oanh - con ông - nói trước khi đi ít phút, ông vẫn trêu đùa với người giúp việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận