26/07/2025 21:13 GMT+7

Lãi ngân hàng nơi bầu Thụy làm chủ tịch chững lại, doanh nghiệp liên quan làm ăn ra sao?

Lợi nhuận quý 2 của LPBank quay đầu giảm nhẹ so với cùng kỳ, chững lại sau năm tăng trưởng mạnh 2024. Ngược lại, công ty chứng khoán trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) ghi nhận đà tăng tốc rõ nét khi VN-Index tiến sát đỉnh.

Nguyễn Đức Thụy - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Thụy, chủ tịch LPBank, tại một cuộc đại hội đồng cổ đông - Ảnh: A.H

Lợi nhuận LPBank quay đầu giảm nhẹ

Tại báo cáo quý 2-2025 vừa công bố, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 2 đạt 3.735 tỉ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Do chi phí hoạt động tăng cao, lợi nhuận trước thuế giảm 1,5%, còn 2.988 tỉ đồng.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 7.018 tỉ đồng, giảm 1,3%; lợi nhuận trước thuế 6.164 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng LPBank nửa đầu năm không đến từ sự bứt phá mảng cốt lõi, mà chủ yếu được thúc đẩy từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Dấu hiệu chững lại này xuất hiện sau một thời gian tăng trưởng mạnh từ khi ông Thụy nắm vai trò lãnh đạo ngân hàng.

2024 - năm tài chính gần nhất ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục của LPBank với thu nhập lãi thuần 15.393 tỉ đồng, tăng 37% và lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỉ đồng, tăng 73% so với 2023.

Nguyễn Đức Thụy - Ảnh 2.

Thu nhập lãi thuần (cột vàng) và lợi nhuận trước thuế (cột xanh) LPBank sau 5 năm xuất hiện của ông Nguyễn Đức Thụy (từ 2021-2025)

Ngoài những thay đổi về thương hiệu, nhân sự diễn ra sau khi ông Thụy lên làm chủ tịch, LPBank cũng tiến hành tăng vốn điều lệ rất mạnh lên mức 29.872 tỉ đồng từ mức 12.035 tỉ đồng hồi 2020.

Với mức vốn này, LPBank nằm trong nhóm các ngân hàng tư nhân có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam, cao hơn loạt ngân hàng: VIB (29.791 tỉ đồng), SeABank (28.450 tỉ đồng), TPBank (26.419 tỉ đồng), MSB (26.000 tỉ đồng)…

Kiếm "đậm" từ chứng khoán

Báo cáo quý 2-2025 LPBank thể hiện một số khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác. Trong đó, LPBank nắm 5,5% vốn tại Chứng khoán LPBank (LPBS).

Tiền thân Chứng khoán LPBank là Vietranimex (sau đó đổi thành Chứng khoán Liên Việt) được thành lập từ 2009 với vốn điều lệ ban đầu 125 tỉ đồng.

Cùng thời điểm LPBank tăng vốn (giữa năm ngoái), LPBS được tăng vốn điều lệ lên 3.888 tỉ đồng. Công ty chứng khoán này cũng nổi tiếng với thương vụ đầu tư vào Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức năm trước.

Về kết quả kinh doanh, LPBS vừa ghi nhận kết quả kinh doanh tăng vọt sau nhiều năm "làm ăn làng nhàng" vài chục tỉ đồng hoặc lỗ. Cụ thể, doanh thu hoạt động quý 2-2025 của LPBS đạt 442 tỉ đồng, tăng gấp 16,4 lần so với cùng kỳ 2024.

Phần lớn đóng góp từ mảng lãi các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) với 284 tỉ đồng, cùng kỳ chỉ 387 triệu đồng. Ngoài ra lãi từ các khoản cho vay margin và phải thu cũng tăng từ 23 tỉ đồng lên gần 63 tỉ đồng…

Nguyễn Đức Thụy - Ảnh 3.

Doanh thu hoạt động (cột vàng) và lợi nhuận trước thuế (cột xanh) của LPBS

Sau trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của LPBS ở mức 206 tỉ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, LPBS lãi 246 tỉ đồng, gấp hơn 18 lần.

Có thể thấy đà tăng mạnh của công ty chứng khoán này phần lớn nằm ở quý 2 khi VN-Index bước vào chu kỳ tăng mạnh sau biến động thuế quan. Lợi nhuận có được phần lớn nằm ở mảng tự doanh.

Ngoài LPBS, nhiều bên có liên quan với LPBank dưới thời ông Thụy làm chủ tịch được liệt kê trong báo cáo tài chính của LPBank do phát sinh giao dịch và số dư với ngân hàng, như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm LPBank (LPBank Insurance), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành, Công ty CP Xi măng Xuân Thành, Tổng CTCP Tập đoàn kinh tế Xuân Thành…

Trong đó, LPBank Insurance tiền thân Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành, được đổi tên năm ngoái. LPBank Insurance có tổng doanh thu năm 2024 là 888 tỉ đồng, tăng 9% so với 2023, còn lợi nhuận trước thuế 23,3 tỉ đồng, gấp hơn 6 lần.

Thaiholdings ra sao sau khi ông Thụy rút vốn?

Gần 5 năm trước, ông Nguyễn Đức Thụy chính thức bước vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng khi tham gia hội đồng quản trị LienVietPostBank (nay là LPBank), đánh dấu bước chuyển mình đáng chú ý từ một doanh nhân công nghiệp sang tài chính.

Trước đó, ông Thụy được biết đến trong giới kinh doanh nhiều hơn với vai trò người sáng lập, điều hành hệ sinh thái Xuân Thành (sau đổi tên thành Thaigroup), hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xi măng, xây dựng và bất động sản, đồng thời được biết đến là "ông bầu" bóng đá.

CTCP Thaiholdings (THD) là đơn vị từng nắm tới gần 82% cổ phần Thaigroup, sau đó đã thoái một phần vốn xuống còn 48% vào năm ngoái.

Giữa năm 2022, ông Thụy hoàn tất thoái vốn tại Thaiholdings và hiện tại thường xuất hiện trước truyền thông với vai trò chủ tịch ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu 6 tháng đầu năm nay của Thaiholdings 554 tỉ đồng, tăng 6% cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 62,2 tỉ đồng, tăng hơn 5%.

Thaiholdings vẫn còn nắm 19,52% vốn CTCP Tôn Đản Hà Nội - đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower ở quận Hoàn Kiếm. Đồng thời nắm 17,2% vốn CTCP Du lịch Kim Liên - đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên Hà Nội…

Lãi ngân hàng ông Nguyễn Đức Thụy chững lại, doanh nghiệp khác liên quan ra sao?  - Ảnh 2.Bắt tay bầu Đức, tiềm lực hệ sinh thái liên quan ông Nguyễn Đức Thụy mạnh cỡ nào?

Mã cổ phiếu của HAGL tăng mạnh sau khi bầu Đức và ông Nguyễn Đức Thụy bắt tay hợp tác. Chốt phiên ngày 12-12, thị giá HAG tăng gần 70% kể từ đầu tháng 10-2023 đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên