Giải sáng tạo châu Á của FEER:
Phóng to |
Allen Yeoh (phía trước) - lãnh đạo nhóm - cùng các thành viên Huiqing Liu, Limsoon Wong và Jinyan Li (từ trái sang) |
Giải vàng: những người anh hùng trong lĩnh vực trị liệu ung thư ở trẻ em
Họ là một nhóm người trẻ tuổi: Allen Yeoh, lãnh đạo nhóm, gốc Malaysia, bác sĩ nhi và giáo sư trợ giảng tại Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS). Một thành viên nhóm nghiên cứu của Yeoh là Limsoon Wong cũng là một người Malaysia. Đây là một sự kết hợp tưởng như lạ lùng vì Wong lại là một tiến sĩ về khoa học điện toán, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Infocomm Singapore với hai thành viên nữa là Huiqing Liu và Jinyan Li cũng thuộc Infocomm.
Mục đích của Yeoh và Wong là lập một hệ thống phân tích gen bằng máy tính để có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị tốt hơn bệnh ung thư bạch cầu nguyên bào lymphô, loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em và đến 80% trường hợp xảy ra ở những nước đang phát triển. Hiện nay, muốn nhận dạng những nhóm loại ung thư khác nhau, người ta phải tiến hành một tiến trình phức tạp và đắt tiền nhưng lại không chính xác (nên chỉ có ở những nước giàu).
Còn ở Thế giới thứ ba, trẻ em thường được áp dụng một cách điều trị chuẩn, chung cho mọi trường hợp, khiến những người bệnh nhẹ bị điều trị quá “nặng đô” và những trẻ bệnh nặng chỉ được chữa trị đại khái dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Vậy là Yeoh huy động tổng lực từ Bệnh viện nhi St. Jude, NUS và Viện Infocomm. Bệnh viện St. Jude cung cấp các mẫu tế bào ung thư và 1 triệu USD cho việc nghiên cứu. Với các phương pháp suy luận và loại trừ của toán học, cuối cùng họ xác định được một cách chẩn đoán bằng chip máy tính vừa đơn giản, dễ làm, rẻ tiền nhưng hiệu quả phân định những bệnh nhân nặng có 80% tái phát và những bệnh nhân nhẹ với chỉ 3% tái bệnh tương đương cách làm của những nước giàu.
Với phương pháp mới, những bệnh nhân của Thế giới thứ ba không còn lo những tác dụng phụ như giảm trí thông minh và thay đổi lượng hoocmôn khi bị hóa trị liệu quá liều.
Giải bạc: vì những cộng đồng thiếu nước
Năm 1976, chàng trai Hong Kong 19 tuổi Leung Wai On theo tàu Hòa Bình Xanh với ý nguyện mở tầm mắt ra với thế giới. Sau một thời gian lênh đênh trên tàu, chung quanh là mênh mông biển xanh, cậu như thấy rõ một mục tiêu trong đời: con người phải có quyền được sống trong bầu không khí thoáng đãng, uống những ngụm nước trong lành...
Bây giờ Leung đã là chủ tịch Công ty Waste & Environmental chế tạo máy tái sinh nhựa và xử lý chất thải. Máy WetSep của Leung được sử dụng ở 40% các công trình xây dựng lớn ở Hong Kong, giúp ích rất nhiều cho các con sông và biển khơi qua việc lọc sạch nước thải. Năm nay Leung cải tiến sản phẩm, cho nó hoạt động bằng năng lượng mặt trời để có thể phục vụ ở vùng sâu vùng xa - nơi nước uống là cả một vấn đề với các cộng đồng dân cư.
Kích thước của WetSep mẫu mới vừa gọn vừa hiệu quả hơn: nó chỉ to bằng một chiếc xe bảy chỗ (bằng 2/3 máy lọc thông thường). Công thức hoạt động cũng chẳng cầu kỳ: đầu tiên nước được lọc bởi các chất liệu phân hủy như bột bắp và khoai, sau đó được đưa vào một thiết bị ly tâm để tách cặn và chất lỏng; cuối cùng là chặng lọc với nhiều lớp cacbon. Với năng lượng mặt trời tích vào một loại pin đặc biệt (sau mười giờ nạp năng lượng, máy vận hành trong ba ngày liên tục), máy WetSep mới còn đun nước lên tới 850C nhằm diệt một số vi khuẩn và làm cho nước có thể uống được.
Công việc còn lại của Leung là đưa máy đến tay người tiêu dùng. Hiện nay ông đang bàn với tổ chức phi chính phủ Wateraid của Anh việc đưa máy đến những cộng đồng nghèo trên thế giới.
Giải đồng: tận dụng ánh sáng thiên nhiên
Một nhóm kiến trúc sư và nhà khoa học Malaysia và Úc nghĩ rằng có thể dẫn ánh sáng tự nhiên bên ngoài vào làm sáng rỡ những gian phòng trong tòa nhà cao ốc, thay vì phải tiêu hao điện năng, sản sinh ra một lượng khí CO2 độc hại đáng kể. Ý tưởng dẫn ánh sáng tự nhiên vào nhà cao tầng bằng đường ống thật ra đã có từ những năm 1960 nhưng chi phí cho việc này quá cao.
Ba nhà khoa học Úc Veronica Garcia Hansen, Ian Edmonds và Richard Hyde nghĩ ra cách dùng laser cắt những vạch song song trên một bề mặt acrylic trong suốt - một loại nguyên vật liệu có tính khúc xạ có thể “nhốt” ánh sáng vào các đường ống thiết kế bên trong tòa nhà. Công trình này đã được cấp bằng sáng chế ở Mỹ, Anh, Úc và New Zealand.
Phát minh của bộ ba nhà khoa học Úc có thể giúp người tiêu dùng giảm 10-50% tiền điện, tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng mặt trời bên ngoài; tuy nhiên trên đường vòng vèo qua các ngả ống, ánh sáng đã bị hao hụt đi 30% nên kém phần rực rỡ.
Ken Yeang, một kiến trúc sư nổi tiếng của Malaysia, đã góp phần khắc phục nhược điểm này. Ông cho đặt năm ống ánh sáng ở mỗi trần nhà. Trong điều kiện tốt nhất, tức lúc bầu trời trong xanh, ánh sáng từ bộ năm ống này có thể thắp sáng một diện tích 1.200m2, tương đương 120 ống đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, các ống của Yeang còn khá bề thế: 20m x 2m x 0,8m.
Dù chưa biết sự đón nhận của công chúng sẽ ra sao, nhưng con đường tìm ánh sáng thiên nhiên cho những tòa nhà cao tầng của những người Úc và Malaysia này đã được khích lệ với giải đồng.
Phóng to |
Phillips giới thiệu phát minh của mình |
Rob Phillips, nhà khoa học người Úc, nảy sinh ý tưởng về chiếc máy kiểm tra tim bằng sóng siêu âm từ một buổi ăn thịt nướng với cha vợ, một chuyên viên gây mê, nghe vị chuyên gia này phàn nàn về sự phức tạp của các máy đo lưu lượng máu qua tim. Sau vài năm lao động cật lực, Phillips đã lấy được bằng sáng chế cho thiết bị kiểm tra tim bằng sóng siêu âm của mình. Hiện loại máy mới đang được quảng cáo ở châu Âu, châu Á, Úc và dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận trước cuối năm nay.
Người hợp tác với Phillips còn hướng đến việc đưa loại máy được định giá khoảng 25.000 USD này lên thị trường chứng khoán trong tương lai vì đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của máy trong các phòng cấp cứu, phòng gây mê, khoa nhi...
USCOM, tên gọi của loại máy kiểm tra công suất của “chiếc máy bơm” (quả tim) bằng sóng âm, hoạt động bằng cách phóng một chùm sóng siêu âm về phía động mạch chủ của phổi từ một chiếc máy to bằng cỡ hột nút đặt trên ngực, sau đó nghe kết quả dội ngược để đo lưu lượng của máu.
Lợi ích của USCOM là không phải đặt ống vào bên trong cơ thể người, cách dùng cũng đơn giản và đo lưu lượng máu chính xác hơn. Nhà phát minh người Úc còn hi vọng USCOM sẽ giúp chẩn đoán sớm được những vấn đề của quả tim để có thể kê chính xác liều thuốc cho người bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận