Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất như vậy trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC đã nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ ngành phương án vay lại 15.000 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ để đầu tư mở rộng 22km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ 4 lên 8 và 10 làn xe.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, hiện nay chưa có quy định về việc vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Để có thể vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ cũng cần trình Quốc hội đồng ý chủ trương để Chính phủ thực hiện và phụ thuộc vào việc phát hành trái phiếu của Chính phủ.
Thứ hai là Luật Đầu tư hiện chưa có quy định cụ thể việc vay lại nguồn từ trái phiếu Chính phủ, chưa có dự án đường bộ nào thực hiện việc này theo Luật Đầu tư.
Với các cơ chế trên, thời gian hoàn thành dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành cùng dự án sân bay Long Thành (chậm nhất ngày 31-12-2026).
Do vậy, VEC kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép sử dụng 15.030 tỉ đồng vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nguồn vốn đầu tư công được đề xuất từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 và các nguồn vốn khác của ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo dự án hoàn thành, khai thác trước ngày 31-12-2026 (dự kiến khởi công tháng 7-2025) VEC cũng đề xuất trong khi chờ hoàn thành các thủ tục phân bổ vốn đầu tư công cho dự án, VEC sẽ ứng trước kinh phí khoảng 700 tỉ đồng để thực hiện ngay bước chuẩn bị đầu tư dự án, lập thiết kế bản vẽ thi công, một phần chi phí giải phóng mặt bằng (sau khi dự án được bố trí vốn đầu tư công thì hoàn trả cho VEC).
Về ưu điểm của phương án dùng vốn đầu tư công, VEC cho rằng dự án sẽ được triển khai ngay do không phải xử lý thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Cùng với đề xuất trên, để có thể triển khai thực hiện ngay và khởi công dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong tháng 7-2025, VEC kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng:
Giao VEC là chủ đầu tư và cơ quan chủ quản thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, do VEC đã có kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án sử dụng vốn đầu tư công như: cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cho phép VEC áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu tư vấn và các gói thầu xây lắp để đáp ứng tiến độ dự án.
Phân bổ vốn đầu tư công cho VEC (sau khi dự án được bố trí vốn thì hoàn trả cho VEC những chi phí đã ứng chi cho các công việc của dự án). Sau khi hoàn thành tài sản của dự án là tuyến đường cao tốc, dự án sẽ được tính thành vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đối với phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư và tăng vốn điều lệ cho VEC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận