Diễn ra trong ngày 10-1, hội thảo do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức.
Trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và sản xuất tiên tiến
PGS. TS Lê Quốc Cường, phó trưởng Ban quản lý Khu công cao TP.HCM, công bố thông tin định vị lại sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Khu công nghệ cao TP.
Trong đó sứ mệnh của Khu công nghệ cao TP.HCM là trở thành trung tâm công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và sản xuất tiên tiến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Là động lực thúc đẩy kinh tế tri thức và chuyển đổi số tại TP.HCM cũng như cả nước. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng lớn. Hỗ trợ chuyển đổi kinh tế và phát triển nguồn lực công nghệ cao nội sinh.
Theo ông Cường, Khu công nghệ cao TP.HCM có tầm nhìn thành khu công nghệ cao quốc gia định hướng theo ngành, hoạt động theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế. Đóng vai trò là trung tâm của các cụm liên kết đổi mới sáng tạo trong khu vực, hạt nhân của TP Thủ Đức, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.
Sáng tạo, liên kết và đột phá là ba cụm từ khóa về giá trị cốt lõi của Khu công nghệ cao.
TS Nguyễn Lê Hùng, phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu.
Từ đó Khu công nghệ cao TP.HCM cần sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập phù hợp với định hướng, ưu tiên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cần ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói
GS.TS Đặng Lương Mô - giáo sư danh dự Đại học Hosei (Nhật Bản), cố vấn giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, chủ tịch danh dự Hội HSIA - nói rõ vai trò của Khu công nghệ cao TP.HCM trong sự phát triển công nghệ bán dẫn - vi mạch của TP là rất lớn.
Theo ông, Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn. Việt Nam cũng là một trong 16 quốc gia đông dân nhất thế giới, có tỉ lệ dân số trẻ, lợi thế nhân lực có khả năng về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
"Chúng ta cần tập trung xây dựng ngay từ bây giờ chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn", GS.TS Đặng Lương Mô nói.
GS.TS Đặng Lương Mô cho rằng cần hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiếm thử sản phẩm bán dẫn để làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Để giải quyết bài toán khó này, ông cho rằng cần huy động một trong hai, hoặc cả hai phương án là hợp tác quốc tế và huy động lực lượng Việt kiều.
Bà Nguyễn Võ Minh Thư, phó trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, tham gia hội thảo với tham luận "Vai trò Khu công nghệ cao trong thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp thành khu công nghiệp công nghệ cao và hình thành các cụm công nghiệp cộng sinh".
Hội thảo còn có sự tham gia của ThS Trần Thanh Bình, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, với tham luận "Các cơ chế đặc thù cho Khu công nghệ cao để Khu công nghệ cao trở thành cực tăng trưởng dựa trên R&D và đổi mới sáng tạo".
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đặt ra một loạt câu hỏi, như vì sao Khu công nghệ cao TP không thu hút doanh nghiệp trong nước tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm? Vì sao Nhà nước không đầu tư mạnh vào Khu công nghệ cao TP.HCM? Vì sao Khu công nghệ cao TP chưa hấp dẫn chuyên gia đầu đàn, nhà khoa học lớn?...
Một số lời giải đáp cũng được ông Trực đưa ra. Đầu tiên chính là Khu công nghệ cao TP.HCM không đủ mạnh (thiếu nhà khoa học đầu đàn, từ đó thiếu đề tài, dự án lớn) và không đủ vốn lớn.
Hai là vì doanh nghiệp trong nước, nước ngoài chưa thấy Nhà nước tập trung xây dựng phát triển Khu công nghệ cao. Nhà nước không sử dụng Khu công nghệ cao TP như một công cụ chủ lực.
Ba là đội ngũ các nhà khoa học của thành phố đông nhưng phân tán, không có những dự án lớn để tập hợp được lực lượng này.
Bốn là chưa có hệ sinh thái hoàn chỉnh được tập trung xây dựng cho công nghệ nào, sản phẩm cuối cùng nào.
Năm là thiếu công nghệ hỗ trợ cho cả nghiên cứu và phát triển, ươm tạo và sản xuất công nghệ cao.
Cuối cùng là kết cấu hạ tầng công nghệ chưa đủ mạnh, chưa hoàn thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận