17/11/2015 09:11 GMT+7

Không hão huyền tin vào “thần dược”

ĐỨC THANH - MAI HOA (ducthanh@tuoitre.com.vn)
ĐỨC THANH - MAI HOA ([email protected])

TT - Một doanh nhân bỏ ra 20 triệu đồng mua hai củ “sâm Ngọc Linh”, nhưng qua kiểm nghiệm mới biết đó chỉ là củ tam 
thất hoang.

Nhân viên của một cửa hàng ở P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM giới thiệu về khả năng trị bệnh ung thư của loại sâm Ngọc Linh đang được bán tại cửa hàng - Ảnh: Đức Thanh

Khi tiếp xúc với giới buôn “thần dược”, chúng tôi được biết một số loại dược liệu quý vốn gần như tuyệt chủng trong tự nhiên vẫn đang được rao bán khắp nơi. Giá cả thì vô chừng, từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng/kg. Họ cũng khẳng định đa số trong đó là đồ dỏm, được phù phép lên đời từ những loại có hình dáng tương tự...

Người dân không nên mua dược liệu, thuốc theo quảng cáo, mà nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc người có chuyên môn, tránh những nguy hiểm khi sử dụng phải dược liệu kém chất lượng

Bà TRẦN THỊ HỒNG PHƯƠNG (phó cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền)

Đủ giá lòe người mua

Ông Nguyễn Văn Đạt, một người khá có tiếng trong giới buôn thần dược ở TP.HCM, tiết lộ sâm Ngọc Linh bị khai thác nhiều tới nỗi gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Do đó, những nơi rao bán loại sâm này nhiều khả năng chỉ là những loại củ có hình dáng tương tự.

Một cơ sở buôn bán thuốc nam ở Q.12, TP.HCM báo giá 90 -100 triệu đồng với loại “sâm Ngọc Linh” chừng 3 - 4 củ/kg, loại nhỏ hơn thì được báo giá khoảng 50 - 60 triệu đồng/kg.

Hàng hiếm, giá cao nên người bán tìm cách hô biến những củ tam thất hoang, củ gáy... thành sâm Ngọc Linh.

Thậm chí, để làm ra vẻ hàng rất hiếm, ông K., chủ cơ sở này, còn đưa cho khách xem hình “một củ sâm Ngọc Linh do bà chị họ ở Kon Tum mới đào được sáng nay”, hứa hẹn sẽ tự đưa đi kiểm định và giao hàng trong hai ba ngày tới. Nhưng khi khách vừa về thì ông Kh. gọi điện báo củ sâm đó đã có người mua với giá cao hơn, nếu muốn mua thì phải trả thêm tiền, không thì tiếp tục đợi.

Một loại cây khác cũng được đồn đại là có thể chữa nhiều bệnh ung thư là cây xáo tam phân, đã bị khai thác tới cạn kiệt trong tự nhiên ở vùng đất Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Một số chủ cửa hàng ở Q.Gò Vấp, Q.12 đang bán một loại xáo tam phân “khai thác tự nhiên ở Campuchia”. Nhưng ông Đạt nói loại này dễ bị làm giả bằng cây thần xạ hương hoặc một loại cây khác có hình dạng, màu sắc tương tự, giá cả có khi tới 2,8 triệu đồng/kg.

Thế nhưng ông Chiến, quê Gia Lai, một đầu nậu xáo tam phân, chỉ bán với giá 1,2 - 1,7 triệu đồng/kg. Ngoài ra, ông giới thiệu cho chúng tôi một loại cây khác là lan kim tuyến, còn gọi là cỏ kim cương. Ông Chiến nói trong thời điểm cực thịnh, loại cây này được phong là “thần dược” chuyên trị bệnh ung thư phổi và giá của nó lúc đó lên đến 100 triệu đồng/kg.

T., giám đốc một công ty chuyên bán dược liệu ở Q.12, đưa ra một bọc nấm lim, kích cỡ to nhỏ không đều nhau. T. nói nấm loại nhỏ, cùi nấm dày mới là nấm tự nhiên, bán giá 3 triệu đồng/kg. Còn nấm lim loại to, cùi nấm mỏng và xòe to được bày bán nhiều trong các cửa hàng là nấm trồng, T. chỉ bán giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg.

Tác dụng không rõ

Theo lời Trâm Anh - nhân viên tư vấn bán hàng của công ty dược liệu TN, loại được chọn nhiều nhất để biếu nhau là những loại có tác dụng bổ dương, hoặc những bình rượu ngâm củ sâm quý để chưng trong phòng khách khoe sự giàu có và sang trọng.

Bởi vậy, nhiều người bán có thể thao thao về khả năng “lâm trận” do hàng loạt loại thảo dược mang lại. Chẳng hạn loại nấm Ngọc Cẩu. Bằng nhiều chiêu trò đồn thổi, loại nấm này được cho rằng có thể biến một người đàn ông từ bất lực thành người hùng trong chuyện phòng the. Nhờ đó tạo thành những cơn sốt, nâng giá lên cao.

Chúng tôi gặp Hoàng, một sinh viên năm thứ tư tại một cửa hàng dược liệu trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Hoàng mang theo 3 triệu đồng để mua 1 kg “nấm lim xanh xịn” gửi về quê Nghệ An cho bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bố Hoàng mắc bệnh, nằm điều trị ngoài Hà Nội.

Ông tình cờ đọc được mẩu quảng cáo trên báo về nấm lim xanh có tác dụng chữa bệnh ung thư. Ông gọi điện vào số của người trong bài quảng cáo “đã khỏi bệnh sau 3 tháng dùng nấm” để hỏi và được khẳng định một lần nữa.

Tuy nhiên, sau khi dùng nấm cùng với một số loại lá cây khác được hai tuần, ông buộc phải ngưng truyền hóa chất vì men gan tăng cao. Bác sĩ điều trị cho rằng chính việc uống các loại thảo dược không theo chỉ định của bác sĩ đã dẫn đến tình trạng trên.

Ông Trà Văn Hải, bí thư xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nơi từng xuất hiện tình trạng “sôi sùng sục” đi đào xáo tam phân để bán), cho biết tình hình người dân đi đào tìm rễ cây xáo tam phân ở địa bàn xã Ninh Vân không còn, do cây xáo tam phân gần như cạn kiệt, rất hiếm khi người dân tìm thấy. Vì vậy giá của rễ cây khoảng 3 triệu đồng/kg, tuy nhiên cũng có loại hàng được trà trộn thêm, còn thân cây giá khoảng 500.000 - 700.000 đồng/kg. Số này thường là hàng tồn, dự trữ từ trước kia.

“Ngay tại nguồn có giá cao như trên thì những loại xáo tam phân đang rao bán trên thị trường có giá hơn 1 triệu đồng/kg chắc chắn là hàng giả”, ông Hải nói. Nói về công dụng của cây xáo tam phân, ông Hải cho biết ở xã Ninh Vân nhiều người dân bị bệnh ung thư dùng loại cây này để trị bệnh nhưng chưa thấy người nào khỏi.

Trong khi đó, lương y Đinh Công Bảy, Hội Dược liệu TP.HCM, cho biết các loại cây, nấm dược liệu được nêu trong bài và được người bán quảng cáo có khả năng trị bách bệnh như ung thư, xơ gan, gút... chỉ là lời đồn đại của người bán, họ thổi phồng công dụng để có thể bán được hàng.

Nhiều loại dược liệu chỉ tốt theo “tin đồn”

Trao đổi ngày 16-11, phó cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền (Bộ Y tế) Trần Thị Hồng Phương cho biết hiện mới có sâm Ngọc Linh đã công bố nghiên cứu hiệu quả dược liệu, còn các loại dược liệu dù rất nổi tiếng như nấm lim xanh, xáo tam phân, xích linh chi... đến nay chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về tác dụng được công bố, mà chỉ có những nghiên cứu nhỏ hoặc có tin đồn là tốt.

Theo bà Phương, hiện sâm Ngọc Linh đã nằm trong danh mục cần bảo tồn, vùng trồng được bảo vệ nghiêm ngặt nên khó có thể có sâm Ngọc Linh bán trên thị trường. Vì thế người tiêu dùng cần cảnh giác và không nên mua các dược liệu trôi nổi về làm thuốc, do có thể xảy ra các khả năng: dược liệu được mua không đúng loài cần mua, dược liệu đã bị tách chiết hết hoạt chất chỉ còn là rác dược liệu, bị dị ứng với thành phần trong dược liệu...

Những người mua dược liệu với mục đích chữa bệnh, theo bà Phương, càng cần cảnh giác do Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian qua nhận rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng hoặc ngộ độc, chậm trễ chữa trị do sử dụng dược liệu chất lượng kém làm thuốc chữa bệnh.

Bà Phương cũng cho biết Cục Quản lý y dược học cổ truyền vừa hoàn tất đợt kiểm tra chất lượng dược liệu, cho thấy hiện khá phổ biến tình trạng tách chiết hoạt chất trong dược liệu, kể cả các thuốc nhập khẩu và thuốc nam.

LAN ANH

ĐỨC THANH - MAI HOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên