(Tiểu thuyết Không gia đình, tác giả Hector Malot. Đoạt giải thưởng của Viện hàn lâm Văn học Pháp. Đã được chuyển thể thành phim)
Không thể vẹn toànNgóng cha nơi pháp đìnhNhững người khốn khổ
Thạch Tô Ny trước căn nhà của mình - Ảnh: M.Tâm
T.M.N. rủ Thạch Tô Ny đi trộm xe. Cả hai đi bộ dọc các tuyến đường thì phát hiện chiếc xe đạp điện dựng trong sân một căn nhà không khóa cửa. Tô Ny lẻn vô trộm còn N. canh cửa. Chủ nhà phát hiện tri hô, Tô Ny bị bắt. N. chạy thoát. Án sơ thẩm tuyên Tô Ny 6 tháng tù về tội trộm cắp. Sau đó bị cáo đã kháng cáo và TAND TP Cần Thơ mở phiên phúc thẩm.
Sẽ tìm hiểu giúp đỡ
Chị Trần Thị Thủy (bí thư Đoàn P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết chỗ Ny ở mấy năm trước là điểm nóng về tệ nạn xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng đã triệt phá tụ điểm bán ma túy, đá gà nhưng khu vực này vẫn còn phức tạp. Chị Thủy nói chị có nghe qua tên Ny do cùng với các ban ngành đoàn thể khác đến tặng quà cho những hộ nghèo khó nhưng hoàn cảnh của Ny thì chị không nắm rõ. Chị sẽ tìm hiểu và xin ý kiến của lãnh đạo phường để phối hợp với các đoàn thể tìm cách giúp đỡ sau khi Ny mãn hạn tù về như cho đi học nghề. Đồng thời rủ Ny tham gia hoạt động tình nguyện xã hội. Qua quá trình sinh hoạt chung đó nếu nhận thấy Ny có thật sự thay đổi theo chiều hướng tốt sẽ giới thiệu Ny những việc làm thuê như giữ xe ở các quán nước hay nhân viên giao nước đá, nước suối... cho một số doanh nghiệp tư nhân ở địa bàn P.Xuân Khánh.
1
Bị cáo 18 tuổi, mặc áo sơmi đen và quần jean màu xanh sậm, đôi mắt thấm đẫm nỗi lo sợ, hoảng loạn và phảng phất nét u buồn. Phía sau lưng bị cáo, những dãy ghế dành cho người dự khán trống rỗng, không một bóng người thân khiến dáng đứng trước vành móng ngựa của bị cáo toát lên vẻ nặng nề, u uẩn, cô đơn đến tận cùng. Khi chủ tọa đọc bản án sơ thẩm đến phần lý lịch: cha không rõ, dường như vai bị cáo run lên, mặt tái càng thêm tái...Bị cáo trình bày lý do kháng cáo xin được hưởng án treo để lo kiếm tiền dành khi mẹ ra tù có chút vốn bán cà phê vỉa hè, bởi nhà có ba anh em nhưng một người bị giết chết, một người đang ở tù, giờ chỉ còn duy nhất bị cáo lo cho mẹ, và quan trọng là bị cáo không muốn mẹ biết mình phạm tội trộm cắp sẽ phải ngồi tù. Chủ tọa hỏi: “Vậy chứ mẹ bị cáo ở tù về tội gì? Bao giờ ra tù? Nếu bị cáo sợ mẹ biết thì trộm cắp làm gì?”. Bị cáo đáp: “Dạ, buôn bán ma túy. Nghe nói chừng vài tháng nữa mẹ bị cáo sẽ ra tù”. Rồi bị cáo lấy tay áo chùi nước mắt, bào chữa rằng bởi lần đó, bị cáo đang thất nghiệp, cộng thêm nhớ mẹ muốn đi thăm nhưng không có tiền. Vì vậy bị cáo mới đi ăn trộm. Mong tòa cho bị cáo được tại ngoại.
Chủ tọa nhận xét: “Bị cáo cùng đồng bọn bàn bạc phân công nhau, phạm tội như vậy là có tổ chức. Đúng ra mức án phải nặng hơn. Án sơ thẩm xử như vậy là nhẹ cho bị cáo rồi”. Kiểm sát viên cũng cho rằng mức án như vậy là nhẹ so với hành vi gây án. Vả lại bị cáo không có tình tiết nào mới để giảm án cả. Trước đây, bị cáo nhiều lần ngồi phía sau xe máy cho đồng bọn chở đi giật đồ. Sở dĩ thời điểm đó, cơ quan chức năng không truy cứu trách nhiệm hình sự bị cáo là vì bị cáo chưa đủ tuổi thành niên. Giọng kiểm sát viên rắn lại: “Khi bị cáo còn nhỏ, lỗi bị cáo phần lớn là do cha mẹ không làm tròn trách nhiệm nên đẩy bị cáo vào con đường trộm cắp. Nhưng khi trưởng thành, bị cáo phải có ý thức về những việc mình làm. Đằng này vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục lười lao động, không lo làm ăn mà lại đi ăn trộm...”. Nghe vậy, mặt bị cáo rúm lại, cặp môi mấp máy một hồi mới bật ra thành tiếng nấc rằng thật ra bị cáo rất sợ ở tù, cả nhà bị cáo ai cũng ở tù cả, bị cáo mong mình được tại ngoại.
Hội đồng xét xử bác kháng cáo. Trước khi kết thúc phiên xử, chủ tọa khuyên bị cáo nên sắp xếp thời gian thi hành án sớm, bởi thời gian sáu tháng rất ngắn, ráng trong tù cải tạo tốt thì được về trước thời hạn.
Mưa mù mịt. Bị cáo lầm lũi bước những bước cô độc, bóng chìm trong màn mưa, bộ quần áo sậm đen càng u ám giữa màu trời xám ngắt...
2 Sau ngày xử, tôi tìm đến nhà Thạch Tô Ny - căn nhà nhỏ nằm hút sâu trong con hẻm nhỏ phía sau chợ, màu tường vàng ố. Xóm giềng nói Ny đi làm thuê cho người ta tới tối hoặc có khi cuối tuần mới về. Theo lời bà Năm, mẹ Ny hai đời chồng. Người chồng trước bỏ đi biền biệt tăm tích. Rồi đến người chồng sau cũng bỏ đi khi Ny vừa sinh ra. Người mẹ một nách ba con mưu sinh bằng gánh bắp nấu, xấp vé số. Nghèo nàn, căng thẳng từng ngày vật lộn miếng cơm nên chuyện học hành của con cái bà bỏ lơ. Trong ba anh em chỉ có Ny được học đến lớp 2. Chị Kiều tiếp lời: “Lúc nhỏ mấy anh em của thằng Ny cũng phải đi lượm ve chai, nhưng dù gì có mẹ cũng đỡ. Sau khi mẹ nó ở tù, thằng anh trai lớn bỏ nhà đi bụi, vô tù ra khám nhiều lần về tội trộm cắp. Thằng anh thứ ba đi làm phụ hồ, nhưng thường tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh nhau bị người ta đâm chết. Nhà chỉ còn thằng Ny sống thui thủi một mình. Thấy cũng tội!”.
Những ngày sau tôi lại đến tìm nhưng Ny đều không có nhà, mãi đến chủ nhật (22-6) tôi mới gặp được Ny. Trong căn nhà 18m2, lỗ chỗ từng mảng tường bị tróc ra hay bị thủng hẳn, Ny nhớ lại ngày mẹ bị bắt khi em mới 12 tuổi. Ny đi lượm ve chai kiếm sống, bắt gặp nhiều ánh mắt hoài nghi, khinh miệt bởi nghĩ Ny làm bộ để ăn trộm. Thành ra Ny theo đàn anh đi giật đồ. Bị bắt nhưng do tuổi còn nhỏ nên Ny được thả. Không biết sao mẹ biết việc này, khi Ny vô trại thăm bà khóc nói với con rằng sở dĩ bà làm chuyện phạm pháp bởi vì lúc đó nhà dột nát, muốn sập nên bà mua bán ma túy để có tiền sửa nhà và phải trả giá bằng sáu năm rưỡi lao lý, bỏ anh em Ny vất vưởng ngoài đời. Giờ nếu Ny đi vào con đường trộm cắp làm sao bà sống nổi. Rồi bà dặn con ráng sống lương thiện, đợi mẹ ra tù, hai mẹ con mở quán cà phê vỉa hè bảo bọc nhau sống.
Ny bảo rằng hổm rày đi làm thuê tận Bến Tre. Trong thời gian đó, Ny đã suy nghĩ kỹ rồi, tòa nói đúng, Ny lớn rồi phải chịu trách nhiệm việc mình làm. Giờ Ny ráng làm kiếm được một mớ tiền, để đi thụ án sớm. Rồi khi ra tù, mẹ bán cà phê còn Ny đi làm hồ, đoạn tuyệt chuyện trộm cắp. “Chỉ cần hai mẹ con em ở bên nhau như vậy là đủ rồi”... Không biết mẹ con Ny có vượt qua không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận