Haruki Murakami có lẽ là gương mặt văn chương nổi bật nhất của Nhật Bản ở quy mô quốc tế hiện giờ. Nhưng ngoài văn học, ông còn là một nguồn cảm hứng khác: khuyến khích mọi người tập luyện thể thao và rèn luyện thân thể, như chia sẻ của chính những người Nhật đã tham dự cuộc thi 3 môn phối hợp Ironman 70.3 vừa diễn ra ở Đà Nẵng. “Tôi thuộc tạng người dễ tăng cân. Là nhân viên văn phòng, tôi cũng không có nhiều thời gian tập thể dục. Đó là những gì tôi từng nghĩ, trước khi đọc tác phẩm nói về chạy bộ của Haruki Murakami hơn 10 năm trước. Ông ấy thực sự đã thay đổi suy nghĩ của tôi” - Kenda Nagamoto, một trong các VĐV Nhật Bản tham dự cuộc thi tại Đà Nẵng, kể. “Dễ tăng cân là trong rủi có may” Ở tuổi 70, Murakami kể ông vẫn chạy bộ đều đặn cả chục cây số mỗi ngày. Những câu chuyện xoay quanh hành trình chạy bộ của ông trở thành mẫu mực về lối sống lành mạnh cho nhiều người Nhật. Murakami bắt đầu chạy bộ ở tuổi 33, cùng vợ ông. Trước đó, ông thừa nhận đã có một lối sống thiếu lành mạnh, hút thuốc nhiều và dễ tăng cân. Nhưng chỉ trong khoảng 2 năm kể từ khi bắt đầu tập luyện, nhà văn quê ở Kyoto đã trở thành một người chạy marathon thực thụ. Hầu như mỗi năm ông đều tham gia một giải marathon, trong đó có nhiều giải nổi tiếng và yêu cầu khắt khe như Boston hay New York. Không chỉ vậy, đến tuổi trung niên, ông còn tham gia các cuộc thi 3 môn phối hợp, bao gồm bơi, đạp xe và chạy bộ. Năm 2007, ông xuất bản cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ (tựa sách lấy ý tưởng từ cuốn Tôi nói gì khi nói về tình yêu của Raymond Carver). Trong tác phẩm này, Murakami kể về hành trình đến với chạy bộ của ông, chia sẻ những suy nghĩ, nội tâm của một người “có lối sống thiếu lành mạnh” trước ngưỡng thay đổi thói quen sinh hoạt. Cuốn sách ngay lập tức trở thành một tác phẩm được phổ biến rộng rãi trong giới trẻ Nhật Bản. “Khi tôi nghe Murakami thừa nhận mình là một người dễ tăng cân và có lối sống thiếu lành mạnh, tôi thực sự đã cười rất vui. Hóa ra ông ấy cũng giống tôi. Nhưng những gì Murakami chia sẻ tiếp trong sách càng khiến tôi vui hơn - Nagamoto nói - Nghĩ kỹ tôi thấy, mình thuộc tạng người dễ tăng cân có khi lại là chuyện rủi hóa may. Nói cách khác, nếu không muốn tăng cân thì tôi phải tập luyện vất vả mỗi ngày, để ý cái mình ăn, và cắt giảm những thứ khoái khẩu. Cuộc đời có thể chẳng dễ dàng, nhưng chừng nào ta còn không ngừng cố gắng thì sự trao đổi chất của ta sẽ cải thiện đáng kể cùng với các thói quen này, và cuối cùng ta sẽ mạnh khỏe hơn nhiều, chưa kể là mạnh mẽ hơn…”. “Nhưng những người vốn dĩ tự nhiên dù thế nào cũng không bị tăng cân thì không cần tập luyện hay theo dõi chế độ ăn uống của mình mà vẫn được thon thả. Chẳng mấy ai trong số họ khi không lại đi áp dụng những biện pháp phiền toái này khi họ chẳng cần phải thế. Đấy là lý do tại sao trong nhiều trường hợp, thể lực của họ suy sút khi họ già đi. Nếu ta không tập luyện, cơ bắp của ta tự nhiên sẽ yếu đi, cũng như xương của ta vậy” - Murakami viết trong chương 2 của cuốn sách (Thiên Nga dịch). Murakami vẫn chạy bộ đều đặn ở tuổi 70 (Ảnh: Mobiefit) Giống như những người mắc phải hội chứng không biết đau (có thể do rối loạn nhiễm sắc thể, hoặc có vấn đề về dây thần kinh), đó thực ra lại là một bệnh đáng sợ vì cơ thể không còn nhận được hồi chuông cảnh báo về các tình trạng nguy hiểm. Murakami đưa ra góc lý giải tương tự, khiến những độc giả như Nagamoto phấn khởi hơn hẳn. Cách đây 10 năm, Nagamoto cao 1,67m, nặng 72kg. Giờ đây anh là VĐV tham gia Ironman nội dung tiếp sức ở phần thi chạy bộ. Nagamoto chỉ giảm được 4kg so với 10 năm trước, nhưng giờ đây anh rất tự tin với sức khỏe của mình. Khai mở nội tâm để chạy bộ “Murakami không phải một nhà khoa học, một HLV hay một chuyên gia dinh dưỡng, nhưng tôi thích lắng nghe những chia sẻ của ông ấy để làm theo. Vì ông ấy đã chạm vào đúng những gì tôi suy nghĩ. Bạn đã đọc tác phẩm nào của Murakami chưa? Luôn rất hiện thực và dễ hiểu” - Maeda, một người Nhật tham dự Ironman khác, chia sẻ. Hầu hết các độc giả đều tìm thấy chính bản thân mình trong những tác phẩm của Murakami. Tôi nói gì khi nói về chạy bộ là tác phẩm khác biệt của ông, trong đó Murakami “tầm thường hóa” bản thân đến mức tối đa khi kể về hành trình chạy bộ của mình. Ông thú nhận mình sống thiếu lành mạnh, lười tập thể dục, không có khát khao trong những trò thể thao đối kháng, và khi bắt đầu chạy bộ, ông cũng không giỏi. Murakami cũng không lãng mạn hay cao siêu trong chạy bộ. Ông kể rằng khi chạy bộ đơn giản ông không nghĩ gì cả, là “sự chạy bộ trong rỗng không”. Murakami cũng cho rằng chạy bộ là một môn thể thao nhàm chán, và ông đến với nó vì không thể tìm ra môn nào phù hợp hơn với mình. “Tôi là một fan của Murakami. Tôi không quá lười tập thể dục nhưng cũng không quá siêng năng, với chỉ khoảng 1-2 buổi chạy bộ mỗi tuần trước đây. Ông ấy đã thuyết phục tôi tập luyện nhiều hơn bằng những lý lẽ thật đặc biệt” - Maeda kể. Trong chương 4 cuốn sách, Murakami lý giải việc ông phải chạy bộ là để duy trì sức khỏe cho công việc viết văn. “Viết tiểu thuyết, đối với tôi, cơ bản là một kiểu lao động chân tay. Viết tự nó là lao động trí óc, nhưng hoàn tất một cuốn sách thì gần với lao động chân tay hơn. Trong thư từ cá nhân, bí quyết lớn nhất mà nhà văn Raymon Chandler thú nhận là dù không viết gì cả thì ông cũng nhất định phải ngồi xuống bàn làm việc mỗi ngày và tập trung. Tôi hiểu cái chủ định đằng sau việc làm này. Đây là cách Chandler luyện cho mình sức chịu đựng về thể chất mà một nhà văn chuyên nghiệp cần, âm thầm tăng cường sức mạnh ý chí của mình. Kiểu rèn luyện hằng ngày này là không thể thiếu đối với ông”. Những chia sẻ giản dị của Murakami đã khai mở nội tâm cho nhiều người Nhật như những người mà tôi gặp tại giải Ironman Đà Nẵng vừa rồi. Điểm chung của phần đông những người lười tập thể dục là sự thiếu động lực, cơ thể nặng nề, chế độ sinh hoạt không điều độ cũng như ít đam mê với thể thao. Murakami cũng từng là hội tụ của những yếu tố “thiếu lành mạnh” ấy, và rồi ông khắc phục được tất cả trong hành trình chạy bộ bằng những góc lý giải của riêng mình. Có lý do gì để Maeda hay Nagamoto tiếp tục thoái thác việc tập luyện thể thao mà thần tượng của họ đã chọn?■ Cần HLV chuyên nghiệp Khi bắt đầu chạy bộ, Murakami chỉ tập luyện cùng vợ. Ông chạy bộ một cách dễ dàng, đạt được thành tích 3 giờ 31 phút vào năm 42 tuổi. 5 năm sau, ông hoàn thành cuộc thi ultramarathon (cự ly 100km) đầu tiên. Nhưng dần dà, Murakami khẳng định chạy bộ ngày càng trở nên nhàm chán và có thể gây thất vọng. Ông đã quyết định “nâng cấp”, bắt đầu tập luyện 3 môn phối hợp. Trong 3 môn, bơi lội được Murakami nhận định là môn khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật chuẩn xác cao nhất và ông phải mời HLV kèm riêng. Từ khi tập luyện và thi đấu 3 môn phối hợp, niềm vui chạy bộ mới trở lại với Murakami. Tags: Chạy bộIron ManMurakami
Trực tiếp: Tình hình giao thông cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 24/01/2025 Mời quý bạn đọc xem tình hình giao thông tại cửa ngõ phía đông TP.HCM ngày 24-1 (25 tháng Chạp). Nhiều gia đình bắt đầu về quê các tỉnh miền Trung, miền Bắc ăn Tết 2025, lượng xe di chuyển trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết.
Vì sao tuyển Việt Nam không còn mặn mà với sân Mỹ Đình? NGUYÊN KHÔI 24/01/2025 Thật khó tưởng tượng sân vận động quốc gia lại không phải là lựa chọn số 1 của đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó lại đang đúng với sân Mỹ Đình (Hà Nội).
Giải mã nguyên nhân kẹt xe ở trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây CHÂU TUẤN 24/01/2025 Mỗi ngày có tới 700 xe 'quên nạp tiền' để qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khiến tình trạng kẹt xe phức tạp hơn.
TikToker Nam 'Birthday' nhận sai: 'Tôi đã say rượu. Xin khoan hồng cho tôi' HỒNG QUANG 24/01/2025 Bùi Phương Nam cho rằng do đã say rượu, mất kiểm soát, không làm chủ được bản thân nên có hành động sai trái.