26/04/2025 07:43 GMT+7

Khối đá tiết lộ loài 'kiến địa ngục' cổ nhất hành tinh

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hóa thạch 'kiến địa ngục' lâu đời nhất từng được tìm thấy trên Trái đất, sống cách đây 113 triệu năm.

kiến - Ảnh 1.

Hóa thạch kiến địa ngục Vulcanidris cratensis được tìm thấy ở Brazil - Ảnh: ANDERSON LEPECO

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch của loài kiến này trong một khối đá vôi ở khu vực hiện là đông bắc Brazil, sống cách đây khoảng 113 triệu năm trong kỷ Phấn trắng (từ 145 triệu đến 66 triệu năm trước), theo trang ScienceAlert ngày 25-4.

Đây là loài mới được phát hiện, có tên khoa học là Vulcanidris cratensis. Nhóm phát hiện hóa thạch kiến này là thành viên của phân họ Haidomyrmecinae đã tuyệt chủng, thường được gọi là “kiến địa ngục” do có hàm dưới giống lưỡi hái tử thần dùng để đâm và ghim con mồi.

“Nhóm chúng tôi đã phát hiện một hóa thạch của loài kiến mới, đại diện cho hồ sơ địa chất sớm nhất của kiến. Khám phá đặc biệt thú vị vì nó thuộc về loài ‘kiến địa ngục’ đã tuyệt chủng, nổi tiếng với khả năng thích nghi kỳ lạ với việc săn mồi”, nhà côn trùng học Anderson Lepeco, làm việc tại Bảo tàng Động vật thuộc Đại học Sao Paulo (Brazil), cho biết.

Kiến là một trong những loài động vật phong phú và đa dạng nhất trên Trái đất ngày nay, với hơn 13.800 loài đã biết trong tổng số ước tính khoảng 22.000 loài kiến. Tuy nhiên, không có loài kiến nào giống với phân họ “kiến địa ngục”.

“Kiến địa ngục” có cấu trúc đầu và hàm kỳ lạ khi hàm của nó có thể lên xuống, chứ không mở ngang giống như các loài kiến hiện đại.

Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số ít loài “kiến địa ngục” trong các hóa thạch hổ phách ở Myanmar, Pháp và Canada, có niên đại khoảng 80 triệu đến 100 triệu năm. Tuy nhiên, hóa thạch của loài kiến Vulcanidris cratensis được bảo quản tốt trong Crato Formation Lagerstatte - một nền hóa thạch giúp bảo quản mẫu vật tốt đến mức độ chi tiết.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng ảnh cắt lớp để nghiên cứu loài kiến mới. Họ phát hiện nó có họ hàng gần nhất với “kiến địa ngục” Aquilomyrmex huangi sống cách đây 99 triệu năm và được tìm thấy trong hổ phách ở Myanmar.

Giới khoa học cho rằng kiến xuất hiện lần đầu vào khoảng thời gian giữa cuối kỷ Jura và đầu kỷ Phấn trắng. Việc phát hiện “kiến địa ngục” tại một khu vực khác trên thế giới, sớm hơn nhiều so với các loài khác và có cấu trúc giải phẫu học rõ ràng, cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cách tiếp cận mới để hiểu hơn về sự tiến hóa của loài côn trùng đa dạng và phổ biến này.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.

Phát hiện hóa thạch 'kiến địa ngục' 113 triệu năm tuổi - Ảnh 3.Hóa thạch kiến khổng lồ

TTO - Các nhà khoa học vừa công bố hóa thạch của loài kiến khổng lồ mà loài này từng xâm chiếm các khu rừng thuộc bang Wyoming, Mỹ cách nay 50 triệu năm, qua đó làm sáng tỏ kiểu khí hậu Bắc cực cổ đại tác động đến sự phân bố của chúng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên