01/08/2017 11:35 GMT+7

Khi người điềm tĩnh lên mạng bỗng thành trẻ bồng bột

V.V.TUÂN ghi
V.V.TUÂN ghi

TTO - “Người chín chắn không rỉ tai nhau tất cả những gì nghe được ở quán nước. Tương tự, chúng ta có nghĩa vụ không share hay bình luận một cách vô trách nhiệm tất cả những gì nghe có vẻ giật gân mà ta thấy trên Facebook".

TS Đặng Hoàng Giang - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là phân tích của TS Đặng Hoàng Giang - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng. Theo ông Giang, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không có điều kiện để đưa ra quan điểm, và lúc đó ta nên im lặng.

Nhằm góp thêm một góc nhìn về chủ đề đừng tiếp tay cho sự nhảm nhí, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của ông Giang.

"Ai cũng biết là trong cuộc sống hằng ngày, trước những xung đột, bất hòa, có thể trong họ hàng, hàng xóm hay ở công sở, người chín chắn, trưởng thành là người luôn biết cách lắng nghe từ nhiều phía.

Chỉ sau khi đã thu thập và kiểm chứng thông tin từ các bên liên quan tới vụ bất hòa, người ta mới nên đưa ra quan điểm cá nhân về ai đúng ai sai, và có các can thiệp, tác động... nếu cần. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không có điều kiện để đưa ra quan điểm, và lúc đó ta nên im lặng.

Nhiều người, vốn ngoài đời điềm tĩnh và đúng mực, khi lên mạng lại trở thành những đứa trẻ bồng bột, ngay lập tức ủng hộ hay phản đối một cái gì đó trước khi biết rõ ngọn ngành, nhanh chóng về “phe” này hay “phe” kia, like và share ngược lẫn nhau khiến những phán xét một chiều và thiếu cơ sở được nống lên mãi".

TS Đặng Hoàng Giang

Đáng tiếc là trên mạng xã hội, nguyên tắc này bị bỏ qua. Có thể do hiệu ứng đám đông, dưới sức ép của like, mong muốn chứng tỏ mình thời thượng và cập nhật, lo sợ mình bị lỡ tham gia câu chuyện... 

Nhiều người lên mạng với định kiến và khao khát tìm những cơ hội để khẳng định định kiến của mình. Ví dụ, người của chính quyền thì phải nhũng nhiễu, bác sĩ thì phải tắc trách, người ngoại tỉnh thì phải không văn minh, bán hàng thì phải gian manh...

Khi gặp được những câu chuyện nghe có vẻ như tái khẳng định được những định kiến này, họ sẽ nhanh chóng lan truyền chúng mà không có nhu cầu xem xét thận trọng trước đó.

Và như vậy, mạng xã hội có nguy cơ trở thành một quán nước khổng lồ nuôi dưỡng những lời đàm tiếu, những tin vịt; nơi những sự nhảm nhí, những trò đùa ác ý, những vu oan độc địa được khuếch đại lên hàng trăm nghìn lần.

Nhẹ thì một ai đó bị trừng phạt bởi một cơn bão căm ghét một cách oan gia; nặng thì ai đó bị đùa hay phao tin là làm điếm, là kẻ ấu dâm, là kẻ bắt cóc trẻ em. Một không gian để học hỏi, trao đổi, giải trí... sẽ dần trở thành một không gian độc ác mù quáng, ngu xuẩn và lưu manh.

Để dừng lại trào lưu này, chỉ có một cách: cư dân mạng hãy kiểm soát khao khát bình luận, lan truyền “tin tức” một cách bồng bột của mình. Chỉ nên đưa ra ý kiến, quan điểm trước những sự việc mà ta có đủ thông tin nhiều chiều, lấy được từ các nguồn có trọng lượng.

Nếu như thông tin không được kiểm chứng, và nhiều chuyện không thể kiểm chứng được, hãy đơn giản bỏ qua chúng. Hãy im lặng và đi làm việc khác".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gởi qua email: [email protected]. Cảm ơn bạn!
 
V.V.TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên