12/05/2015 08:35 GMT+7

Khi nghệ nhân sử thi được cộng đồng “trả lương”

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Ngày 10-5, chuyến xe mang theo những thùng mì gói, gạo cùng tiền quyên góp đã về tới các ngôi làng để trao tới tay các nghệ nhân sử thi Ba Na lớn tuổi.

Nghệ nhân hơmon Đinh A Nhưr ở xã Chư Glong nhận “lương” từ quỹ chung tay của các bạn trẻ yêu mến sử thi Ba Na ở Gia Lai Ảnh: B.D.
Nghệ nhân hơmon Đinh A Nhưr ở xã Chư Glong nhận “lương” từ quỹ chung tay của các bạn trẻ yêu mến sử thi Ba Na ở Gia Lai - Ảnh: B.D.
Khi Nhà nước chưa thực hiện được sự vinh danh thì chúng tôi sẽ làm trước. Bởi nếu không có sự vinh danh xứng đáng - ngay hôm nay, có thể một ngày kia khi đi xuống làng chúng ta không còn được gặp các nghệ nhân
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ

Nghe có đoàn về thăm và “trả lương” cho mình, nhiều nghệ nhân 80, 90 tuổi đã đóng khố, mặc trang phục truyền thống và ngậm tẩu thuốc đợi chờ ở nhà rông từ sáng sớm.

“Mình biết hát sử thi từ khi còn đi bộ đội, đến nay mấy chục năm rồi nhưng chưa được trả lương lần nào cả. Toàn hát miễn phí ban đêm ở nhà rông phục vụ bà con thôi, ban ngày thì phải đi làm rẫy nuôi mấy đứa con” - Đinh A Nhưr,  nghệ nhân ở làng Klăh (xã Chư Glong, Kon Chro, Gia Lai), nói.

Câu chuyện cộng đồng quyên góp để “trả lương” cho nghệ nhân được bắt đầu từ đêm 24-4. Chứng kiến hình ảnh những nghệ nhân già yếu, chất phác bước những bước chân run run lên sân khấu trong đêm vinh danh sử thi Ba Na (Tuổi Trẻ ngày 26-4), nhiều người yêu mến sử thi Ba Na ở Gia Lai đã không cầm được nước mắt.

Từ trang Facebook cá nhân, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ trăn trở: “Ngày sử thi được vinh danh nhưng có những nghệ nhân đã không thể chờ đợi đến khoảnh khắc ấy. Họ đã qua đời trong lặng lẽ. Nếu không làm một điều gì đó thì ngày mai đây thôi sẽ có thêm những nghệ nhân ra đi trong cách tương tự như thế”.

Trăn trở của ông Tuệ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ. Nhiều người khởi xướng: “Chúng ta sẽ trực tiếp đóng góp, người ít người nhiều để thăm hỏi giúp đỡ các nghệ nhân”.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm ý kiến đã đồng lòng bày tỏ sự đồng cảm. Một đợt quyên góp cả vật chất lẫn tinh thần được cộng đồng yêu mến sử thi Ba Na (còn gọi là hơmon) chung tay. Ông Nguyễn Quang Tuệ cho biết tính đến ngày 10-5, chương trình chung tay bảo tồn sử thi Ba Na đã nhận được hơn 40 triệu đồng.

Ngày 10-5, khi trực tiếp về thăm các nghệ nhân ở những ngôi làng nghèo, chị Nguyễn Thị Hoan - một người yêu mến hơmon - xúc động: “Mỗi lần về làng là một cảm xúc rất khác, thật sự xúc động khi thấy những nghệ nhân ốm yếu nằm bên nhà gỗ nhưng mắt vẫn sáng, giọng vẫn đầy đam mê. Họ là những di sản sống mà chúng ta còn rất ít cơ hội để được gặp. Chi nhánh Viettel Gia Lai đã quyết định nhận phụng dưỡng năm nghệ nhân trong vòng một năm. Hằng tháng người của chúng tôi cũng sẽ trực tiếp tới làng giúp chuyển “lương” của cộng đồng quyên góp tới tay các nghệ nhân”.

Còn chị Lê Thúy Hằng - chủ một quán karaoke ở trung tâm TP Pleiku - chia sẻ: “Khi xem những thước phim về cảnh nghệ nhân ốm yếu nằm hát trên giường bệnh, mình không cầm được nước mắt. Mình vận động công ty và gia đình nhận phụng dưỡng suốt đời ba nghệ nhân, chăm sóc thăm hỏi khi các cụ ốm đau như một sự tri ân”.

Ông Nguyễn Quang Tuệ cho biết không chỉ các doanh nghiệp, cộng đồng tại Gia Lai mà có những người dù chưa một lần biết mặt, ở tận các tỉnh xa cũng chung tay cùng chương trình. Có những cán bộ, giáo viên nghèo khi biết câu chuyện các nghệ nhân đã tự nguyện trích lương nhận phụng dưỡng các nghệ nhân theo từng năm.

“Sự chia sẻ đó vượt trên những vật chất, tiền bạc. Chỉ cần biết vẫn có những người yêu mến, thấu hiểu sự nghèo khó, nỗi buồn của nghệ nhân hơmon, những người làm nghiên cứu như chúng tôi cũng cảm thấy bớt day dứt hơn”.

Ông Tuệ cho biết thêm ngoài Gia Lai, sắp tới chương trình sẽ lan tỏa qua tỉnh Kon Tum, trực tiếp phối hợp với Sở VH-TT&DL Kon Tum để “trả lương”, thăm hỏi các nghệ nhân diễn xướng sử thi Ba Na ở tỉnh này.

Ông Phan Xuân Vũ - giám đốc Sở VH-TT DL tỉnh Gia Lai - cho biết UBND tỉnh và ngành văn hóa đã có đề xuất chính sách hỗ trợ, chi trả chế độ cho các nghệ nhân sử thi.

“Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ chính thức, việc cộng đồng yêu mến sử thi Ba Na Tây nguyên tổ chức chung tay chia sẻ với nghệ nhân là hoạt động đáng được ghi nhận, cá nhân tôi rất ủng hộ bởi chúng tôi hiểu hơn ai hết nghệ nhân chính là các “kho báu sống” của một di sản cấp quốc gia” - ông Vũ nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên