29/03/2018 09:15 GMT+7

'Khi dân thì gian, cán bộ thì dối trên lừa dưới', bao giờ thoát nghèo?

ĐẠI LÂM
ĐẠI LÂM

TTO - Liên quan đến vụ việc 'tỉnh cấp bò giống, xã chia người nhà cán bộ làm thịt', bạn đọc Đại Lâm kể lại 2 câu chuyện thoát nghèo ở địa phương mình và đề xuất Nhà nước nên xem lại tính hiệu quả của chính sách này.

Khi dân thì gian, cán bộ thì dối trên lừa dưới, bao giờ thoát nghèo? - Ảnh 1.

Một trong số 5 con bò giống được cấp về xã Triệu Độ còn sống sót và hiện khá khỏe mạnh - Ảnh: QUỐC NAM

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu phản hồi của bạn đọc Đại Lâm.

"Mấy ngày gần đây, vụ việc ở xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị, tỉnh cấp bò giống, xã chia cho người nhà cán bộ làm thịt làm cho dư luận vô cùng bức xúc và phải kêu lên rằng sao mà họ (các cán bộ) ăn không chừa thứ gì? Liêm sỉ của họ để đâu mà có thể nuốt trôi những con bò hỗ trợ cho các hộ nghèo như vậy? 

Đây không phải là lần đầu tiên bò, dê, gà thay vì đến với hộ nghèo, cận nghèo thì lại "đi lạc" vào nhà cán bộ hoặc đi nhầm vào nồi của cán bộ.

Chua xót và mỉa mai làm sao khi những người có bổn phận chăm lo cho dân nghèo lại có thể cướp miếng ăn của người nghèo mà không có chút mảy may xấu hổ hay chùn tay như vậy. Hành vi vi phạm pháp luật này không lý do nào có thể biện minh được.

Tuy nhiên, chính sách xóa đói giảm nghèo với mục đích tốt đẹp của Nhà nước không phải chỉ bị cán bộ trục lợi mà còn bị một bộ phận người dân lợi dụng, ỷ lại. 

" Nếu cách thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo không có sự điều chỉnh mà cứ giữ nguyên như bao năm nay thì e rằng chúng ta sẽ khó mà hết hộ nghèo, cận nghèo được."

Đại Lâm

Đa số hộ nghèo khi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và các cá nhân, tổ chức đều cố gắng vươn lên, lao động chăm chỉ để thoát nghèo. 

Nhưng bên cạnh đó cũng có người dù không nghèo nhưng vẫn muốn được là hộ nghèo, thậm chí tranh giành để được nghèo, có người lại cứ muốn nghèo mãi không chịu thoát nghèo. 

Tôi xin kể lại 2 câu chuyện mà bản thân mình đã được chứng kiến:

1- Giành nhau để được làm hộ nghèo

Cách đây mấy năm, trong một buổi họp tổ dân phố của tôi, sau những công việc liên quan đến chính sách đất đai, mức thu các loại phí, ông tổ trưởng chuyển sang chủ đề bình xét hộ nghèo. Theo chỉ tiêu được trên phân, tổ dân phố của chúng tôi có 5 suất hộ nghèo. 

Có 3 hộ ai cũng thấy rõ là nghèo vì nhà neo đơn, bệnh tật, công việc lúc có lúc không. Còn 2 suất nữa nhưng ai cũng muốn là hộ mình. Khi người này giới thiệu nên để nhà ông A là hộ nghèo thì có người phản đối ngay: nghèo mà nhà có xe máy, sáng nào cũng ra quán ăn sáng à? Tôi giới thiệu hộ ông B.

Ngay lập tức lại có người phản đối: hộ ông B có nhà xây kiên cố sao lại nghèo được? Có người tự ứng cử mình là hộ nghèo với lý do để con cái đi học được miễn học phí, mong bà con đồng ý giúp cho. 

Cứ vậy, hễ có nhà nào được đề cử vào danh sách hộ nghèo là lại có người đưa bằng chứng tố cáo họ không nghèo để phản đối. Mọi người tranh nhau được làm hộ nghèo nên cuộc họp kéo dài hơn dự kiến. 

Là một người nhỏ tuổi hơn đa số các đại diện đi họp, lại là người không am hiểu lắm về tình hình kinh tế của hơn 100 hộ trong tổ dân phố của mình nên tôi không dám có ý kiến mà chỉ ngồi im nghe. 

Nhưng nghe mãi những tranh cãi chưa có dấu hiệu kết thúc của mọi người, cuối cùng tôi đành giả bộ nghe điện thoại chạy ra ngoài rồi trốn về luôn. Sau đó, trong các cuộc họp tổ dân phố mà có phần liên quan đến xét hộ nghèo là tôi… bỏ trốn.    

2- Đợi ông Nhà nước cấp giống

Mẹ tôi thường hay thuê một người đàn ông bị mờ một mắt làm cỏ, hái cà phê vì thấy tội nhà ông nghèo và ông tuy mắt mờ nhưng lại cẩn thận. Ông là người Kinh có vợ là người dân tộc thiểu số và 3 đứa con nhưng không có đất sản xuất nên thuộc diện khó khăn. 

Khi Nhà nước có chủ trương cấp đất sản xuất cho các hộ người dân tộc thiểu số, nhà ông được cấp mấy sào đất cách nhà khoảng mấy chục cây số, bắp giống. Trên đất có một ngôi nhà nhỏ để ở. 

Sau vụ thu hoạch bắp đầu tiên, ông ghé vào nhà mẹ tôi chơi, kể chuyện ở nơi được cấp đất sản xuất buồn lắm, điện không có, người thì thưa nên chẳng có ai nói chuyện. Mẹ tôi hỏi vậy khi nào lại xuống đó làm tiếp. 

Ông nói khi nào ông Nhà nước cấp giống tiếp thì xuống trồng còn không thì thôi, lại về nhà đây ở, ai thuê gì thì làm nấy. Tôi nghe câu chuyện của ông với mẹ mà không hiểu ông đang làm việc cho mình hay cho "ông Nhà nước"? Nếu với cách làm này thì bao giờ ông có thể thoát nghèo?

Chính sách xóa đói giảm nghèo mà Nhà nước Việt Nam thực hiện bao lâu nay đã hỗ trợ cho rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Việc cấp phát cây, con giống, xây nhà đại đoàn kết, phát thẻ bảo hiểm y tế… cho người nghèo đã giúp họ bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. 

Nhưng phải nhìn nhận đúng thực tế rằng chính sách nhân văn này đã làm cho một số người dân nảy sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát nghèo. 

Một số cán bộ lại để dê, gà, bò "đi lạc có chủ ý" vào nhà mình, nhà người thân của mình hoặc thậm chí còn đưa vợ mình nhập khẩu vào một hộ nghèo nào đó để trục lợi. 

Nếu cách thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo không có sự điều chỉnh mà cứ giữ nguyên như bao năm nay thì e rằng chúng ta sẽ khó mà hết hộ nghèo, cận nghèo được.

Để không còn xảy ra những trường hợp tương tự ở như ở xã Triệu Độ (Quảng Trị), theo bạn cần phải làm gì? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

'Ăn không chừa thứ gì!', liêm sỉ nằm ở đâu?

TTO - Theo bạn đọc Lê Thạch, dù cán bộ xã Triệu Độ (Quảng Trị) có đến 1001 lý do để biện minh cho việc xẻ thịt bò giống, lại càng khiến dư luận cười vào mặt và tự hỏi: "liêm sỉ nằm ở đâu?". Dưới đây là ý kiến này gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

ĐẠI LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên