TTCT - Những nghiên cứu mới nhất về tác hại của đồ uống có cồn (bia, rượu) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet vẫn khẳng định đồ uống có cồn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật cho con người. Uống bia hơi ở Hà Nội. Ảnh: Reuters Bia rượu và tai nạn giao thông Theo thống kê của WHO, năm 2019 khu vực châu Âu (bao gồm các nước Liên minh châu Âu - EU) là nơi có tỉ lệ uống rượu bia cao nhất thế giới tính theo đầu người. Cũng theo tổ chức này, tần suất tiêu thụ đồ uống có cồn và lái xe khác nhau giữa các quốc gia nhưng bia rượu gần như là một yếu tố rủi ro chính đối với các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Ở các nước có thu nhập cao, khoảng 20% người lái xe bị thương nặng có lượng cồn trong máu vượt quá giới hạn pháp lý. Ở các nước thu nhập thấp, từ 33% - 69% người lái xe bị thương nặng có lượng cồn trong máu quá giới hạn. Nồng độ cồn trong máu cao cũng liên quan đến sự gia tăng về mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông đường bộ, nhất là nguy cơ tử vong: người lái xe dưới ảnh hưởng của rượu có nguy cơ bị tai nạn chết người cao gấp 17 lần so với người lái xe không uống rượu. Ngay cả khi đi bộ, uống rượu vẫn là yếu tố rủi ro chết người. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy: 48% người đi bộ thiệt mạng trong các vụ tai nạn trên đường đã có uống rượu. Ở Nam Phi, rượu liên quan đến 61% tỉ lệ tử vong đối với người đi bộ. Tuy nhiên, dù rượu bia liên quan rõ ràng đến tai nạn gây tử vong, chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi: đồ uống có cồn góp bao nhiêu phần trăm vào tai nạn giao thông? Từ những năm 1990, tỉ lệ các tai nạn chết người ở Úc là khoảng 30%, các số liệu gần hơn đến năm 2015 cho thấy tỉ lệ này còn khoảng 15%-20%, đa số các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra sau khi tài xế đã uống khá hoặc nhiều. Thống kê ở bang Queensland năm 2011, chỉ có 4,4% (2 trường hợp) tai nạn chết người do tài xế uống rượu dưới ngưỡng vi phạm. Đa số các vụ tai nạn chết người xảy ra khi người lái đã uống quá nhiều, vượt xa ngưỡng an toàn. Có thể nghi ngờ những người này chẳng bao giờ quan tâm đến việc lái xe đúng pháp luật, không quan tâm đến những người tham gia giao thông khác. Với họ, dù nồng độ cồn trong máu bằng 0 thì cũng chẳng ảnh hưởng đến hành vi lái xe an toàn của họ. Ngoài ra, yếu tố chủ quan, tin rằng khả năng bị cảnh sát thổi lại khi có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép là thấp - là nguyên nhân nhiều người vẫn cầm lái sau khi đã uống rượu vượt mức cho phép. Lập luận nồng độ cồn bằng 0 chưa chắc giảm số vụ tai nạn giao thông không phải không đáng chú ý. Mệt mỏi, thiếu ngủ, mất nước cũng có khả năng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của chúng ta. Mệt mỏi liên quan đến khoảng 17% các vụ tai nạn xe cộ chết người ở bang New South Wales, Úc. Khi đã uống rượu bia, khả năng làm chủ phương tiện giữa những người lái xe có ít kinh nghiệm và nhiều kinh nghiệm, độ tuổi của họ ảnh hưởng đáng kể đến tỉ lệ tai nạn chết người. WHO từ năm 2004 đã công nhận người dưới 20 liên quan nhiều đáng kể đến các vụ tai nạn chết người so với người lớn tuổi và nguy cơ tai nạn chết người giảm khi độ tuổi và kinh nghiệm của người lái xe tăng lên. Phụ nữ uống bia rượu với mức độ nguy hại có thể gây ngộ độc bào thai. Ảnh: Reuters Cấm rượu vì sức khoẻ WHO khẳng định: uống rượu bia gây ra tác hại tức thì là chấn thương do tai nạn giao thông hoặc ngộ độc. Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như các tổn thương mãn tính về sức khỏe (bệnh ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…). Bia rượu cũng liên quan đến tan vỡ gia đình, giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số... Những năm 1970, các nhà khoa học nhận thấy người Pháp có xu hướng ít bị bệnh tim hơn các dân tộc khác trong khi họ cũng ăn uống bạt mạng. Nghiên cứu chế độ ăn của người Pháp, họ tin rằng có một sự liên hệ rõ ràng giữa tỉ lệ mắc bệnh tim thấp và việc uống rượu vang đỏ. Niềm tin này tồn tại dai dẳng đến ngày nay và rất nhiều người uống một ly rượu vang/bữa ăn cho rằng họ đang nạp thứ vũ khí chống lại bệnh tim mạch. Tuy nhiên, quan niệm trên hiện đã bị xét lại và lên án. Những dữ liệu dẫn đến kết luận này có lỗ hổng vì có thể ngay từ đầu những người có uống rượu vang đã có nền tảng sức khỏe tốt. Trong một nghiên cứu nhằm xác thực lại điều này, thực hiện năm 2006, phân tích 54 nghiên cứu đã đăng trước đó, các tác giả cho rằng không có mối quan hệ tuyến tính giữa việc uống một lượng vừa phải rượu vang đỏ lượng với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sử dụng bia rượu gây ra hơn 5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Rủi ro tử vong do mọi nguyên nhân tăng lên cùng với mức độ tăng lên của việc tiêu thụ đồ uống có cồn. “Chỉ có không uống gì cả mới là cách có thể giảm thiểu tổn thất về sức khỏe”, nhóm nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật, chấn thương và các yếu tố rủi ro toàn cầu năm 2016”, công bố trên tạp chí Lancet năm 2018 kết luận. Từ năm 2010 đến nay, xu hướng toàn cầu cho thấy có một số chuyển biến tích cực về tình trạng nghiện rượu bia và số trường hợp tử vong liên quan đến đồ uống có cồn. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật và thương tích do lạm dụng thức uống này vẫn ở mức không thể chấp nhận được, đặc biệt là ở châu Âu và châu Mỹ. Thống kê mới nhất ước tính có 237 triệu nam và 46 triệu nữ gặp vấn đề về nghiện bia rượu, tỉ lệ cao nhất thuộc về khu vực châu Âu (14,8% ở nam và 3,5% ở nữ) và khu vực châu Mỹ (11,5% nam và 5,1% nữ). Vấn đề về nghiện rượu phổ biến hơn ở những nước có thu nhập cao. Trung bình người uống rượu trên toàn cầu “nạp” 33 gram cồn nguyên chất mỗi ngày, tương đương 2 ly (mỗi ly 150ml) rượu vang, 1 chai bia 750ml hoặc 2 cốc (mỗi loại 40ml) rượu mạnh. Khoảng 27% thiếu niên từ 15-19 tuổi có uống rượu. Tỉ lệ người từ 15-19 tuổi uống rượu bia cao nhất ở châu Âu (44%), tiếp theo là châu Mỹ (38%) và tây Thái Bình Dương (38%). Khảo sát tại các trường học cho thấy ở nhiều quốc gia, việc tập tành uống bia rượu diễn ra trước tuổi 15 ở cả nam và nữ sinh mà không có sự khác biệt đáng kể. 45% lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ là rượu mạnh, sau đó là bia (34%) và rượu vang (12%). Gu của người nghiện rượu hầu như không có thay đổi lớn kể từ năm 2010. Cụ thể, ở châu Âu, lượng tiêu thụ rượu mạnh giảm 3%, trong khi tiêu thụ rượu vang và bia tăng lên. Tín hiệu sáng sủa đôi chút là có 57%, tương đương 3,1 tỉ người, từ 15 tuổi trở lên trên thế giới đã bắt đầu kiêng, bỏ uống rượu bia trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát. Bác sĩ Vladimir Poznyak, điều phối viên của bộ phận quản lý lạm dụng chất gây nghiện của WHO, cho biết: “Các quốc gia có thể làm nhiều hơn nữa để giảm chi phí y tế và xã hội do việc sử dụng rượu bia nguy hại. Các biện pháp đã được chứng minh là hiệu quả là tăng thuế tiêu thụ đồ uống có cồn, cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu và hạn chế để bia rượu có mặt nhan nhản ở khắp nơi”. Khoảng 95% quốc gia trên thế giới áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, nhưng chưa tới 50% có thêm các chiến lược về giá khác như cấm bán dưới giá sàn hoặc giảm giá khi mua số lượng lớn. Đa số các nước đều có một số hạn chế về quảng cáo rượu bia, chủ yếu là cấm quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh, nhưng còn chưa mạnh tay với quảng cáo trên Internet và mạng xã hội. ■ 10 quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới Theo thống kê về lượng tiêu thụ đồ uống có cồn 2019 theo quốc gia, 10 quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới (tính theo số lít cồn nguyên chất uống trên đầu người) là: 1. Belarus (14,4 lít) 2. Lithuania (12,9 lít) 3. Grenada (11,9 lít) 4. Cộng hoà Czech (11,8 lít) 5. Pháp (11,8 lít) 6. Nga (11,5 lít) 7. Ireland (11,4 lít) 8. Luxembourg (11,4 lít) 9. Slovakia (11,4 lít) 10. Đức (11,3 lít) Lượng tiêu thụ rượu bia của VN tăng liên tục từ năm 2005 đến 2016. Năm 2005, lượng tiêu thụ rượu bia của VN là 3 lít/người, đến năm 2016 tăng lên 8,3 lít. Năm 2010, VN có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi uống rượu bia trong 30 ngày trước khảo sát thì sau 5 năm (2015), tỉ lệ này là 80,3% ở nam và 11,6% ở nữ. Tỉ lệ uống rượu, bia ở trẻ vị thành niên và thanh niên cũng tăng gần 10% sau 5 năm. Tỉ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống - lên tới 44%. Theo trang thống kê www.statista.com, doanh thu trên thị trường đồ uống có cồn của VN lên tới 9,9 tỉ USD năm 2019. Thị trường dự kiến sẽ tăng 5,2% hàng năm. Thị phần lớn nhất thuộc về bia với doanh thu 7,7 tỉ USD trong năm 2019. Chia theo dân số, doanh thu tiêu thụ đồ uống có cồn theo đầu người là 102,82 USD trong năm 2019. Tags: WHOBia rượuTai nạnĐối xửLiên đoàn
Chiều cao đàn ông tăng là nhờ… đàn bà THIÊN MINH 27/01/2025 Một nghiên cứu mới cho thấy tầm vóc của con người trong thế kỷ qua có sự gia tăng. Tuy vậy, sự gia tăng này lại không đồng đều giữa nam và nữ.
Đường nối Trần Quốc Hoàn cùng hai công trình lớn ở TP.HCM đã thông xe đón Tết CHÂU TUẤN 27/01/2025 Đường nối Trần Quốc Hoàn, đường Dương Quảng Hàm, cầu Bà Hom đã lần lượt được thông xe, giúp người dân có thêm sự lựa chọn đi lại dịp Tết.
Ô tô tông liên hoàn trước cổng chợ hoa Tết, xe máy bị cuốn vào gầm, 4 người nhập viện HỒNG QUANG 27/01/2025 Chiếc ô tô hiệu Toyota tông liên hoàn vào 2 xe máy rồi lao tiếp vào chiếc ô tô màu đỏ đi cùng chiều phía trước trước cổng chợ hoa Quảng An.
Đôi nam nữ bị đâm chết trong đêm 27 Tết TRÀ PHƯƠNG 27/01/2025 Vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Một đôi nam nữ bị người bạn cũ đâm chết trong đêm 27 Tết.