
Các huấn luyện viên gắn bó với chú chó đến cuối đời
9h sáng tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Những chú chó nghiệp vụ đã hoàn thành buổi tập luyện thực địa bên ngoài, đang thong thả trở về đơn vị cùng cán bộ huấn luyện của chúng.
Những ngày cuối đời của chú chó ở đội chăm sóc y tế
Không cán bộ, chiến sĩ nào muốn nhắc về chú chó mình gắn bó lâu năm đã già, đã mất. Quy trình xét "nghỉ hưu" còn gọi với tên buồn là thải loại những chú chó tuổi già, sức yếu.
Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ có hẳn một tổ đánh giá, kiểm tra sức khỏe, khả năng chiến đấu của chúng rồi mới đưa ra quyết định "về hưu".
Khi có quyết định nghỉ, chú chó sẽ được đưa về đội chăm sóc y tế để sống những ngày cuối đời ở đây.
"Vì chó nghiệp vụ là tài sản của Nhà nước, cho nên khi già chúng vẫn được chăm sóc y tế, chế độ ăn uống như lúc còn khỏe. Khi mất, chú chó sẽ được hỏa thiêu tại lò thiêu xây riêng cho chúng trong trung tâm" - thiếu tá Từ Hùng, đội phó đội huấn luyện và sử dụng, cho biết.
Trong đội sử dụng hiện nay đang có 35 chú chó đều ở giai đoạn đủ khả năng chiến đấu, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Đây là số lượng chó mà trung tâm luôn phải duy trì để đảm bảo luôn có những chú chó khỏe mạnh nhất thay nhau "ra trận".

Các chú chó đều trải qua quá trình tập luyện kiên trì, chuyên nghiệp để hỗ trợ chống tội phạm hoặc cứu hộ - Ảnh: NVCC
"Đợt này không có chú nào bị thải loại, có một hai chú đang xét chờ quyết định, có đợt thì hai, ba chú về liền. Cũng tùy, có khi chó bị thương, bị bệnh nặng cũng phải nghỉ sớm. Bình thường chó già chỉ có thể sống thêm được vài tháng cho tới khoảng một năm thì mất" - thượng úy Tạ Khắc Dũng, đội trưởng đội chăm sóc y tế, cho biết.
Theo lời kể của thượng úy Dũng, những tháng cuối đời của chó nghiệp vụ ở đây khá bình yên. Chúng được chăm sóc, ăn uống bình thường, chỉ khác không phải ra ngoài làm nhiệm vụ hay nghe hiệu lệnh ra sân tập luyện như trước.
Có điều, chú chó vẫn trung thành với cán bộ huấn luyện, luôn xem như chủ nhân của mình. Chỉ cần thấy chủ nhân gặp nguy hiểm, chú chó vẫn tìm mọi cách bảo vệ.
Cán bộ huấn luyện cũng không quên được chú chó đã gắn bó tri kỷ, từng trải bao thăng trầm trong quá trình tập luyện và làm nhiệm vụ.
"Khi nào chú chó ốm, chỉ có cán bộ huấn luyện tới dỗ dành thì mới chịu ăn cơm. Khi cán bộ đó có chuyện vui, buồn đều xuống tìm chú chó cùng nhau đi dạo. Cả hai có thể cảm nhận được tâm trạng của nhau, hiểu ý và sở thích của nhau" - thượng úy Dũng tâm sự.
Thượng úy Dũng cũng từng chia tay một chú chó tên Ka khi còn làm ở đội huấn luyện, sử dụng.
"Ka thích ăn trứng vịt lộn, thích chơi trò ném bóng. Khi mất, tôi đã tới đưa tiễn, chứng kiến cảnh chó được đưa vào lò hỏa thiêu, thật buồn. Nhưng chó cũng như kiếp người, sinh lão bệnh tử, mình phải chấp nhận" - thượng úy Dũng chùng giọng.

Thượng úy Tạ Khắc Dũng và chú chó Ka (đã “nghỉ hưu”) ướt sũng trong mưa đợt cứu hộ sạt lở đất ở Hòa Bình - Ảnh: NVCC
Chú chó mang quân hàm gì?
"Không có quân hàm gì cả, trong quy định huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ ở nước ta không có" - thượng úy Nguyễn Văn Linh xoa đầu chú chó của mình, mỉm cười trả lời câu hỏi.
"Nhiều người dân khi gặp cũng hỏi quân hàm chú chó nhưng hiện Việt Nam chưa có quy định này. Chỉ một số nước phong quân hàm, trao huy chương cho những chú chó có thành tích xuất sắc" - thượng úy Linh giải thích.
Chúng tôi được tiếp xúc gần với hai chú chó nghiệp vụ tên Blue và Jorki. Jorki 5 tuổi do thượng úy Linh huấn luyện, Blue 7 tuổi do trung úy Lê Anh Thương huấn luyện. Cả hai giống becgie Đức, có đặc tính mạnh mẽ, dữ dằn khi làm nhiệm vụ nhưng lại hiền khô, nũng nịu như đứa trẻ trong giờ giải lao.
Ở đội sử dụng chó nghiệp vụ của trung tâm, mỗi cán bộ chỉ nhận một chú chó để huấn luyện và cùng làm nhiệm vụ cho tới khi chú chó già. Cuộc đời một chú chó nghiệp vụ chỉ kéo dài 7 - 10 năm, mỗi cán bộ huấn luyện chỉ có thể đồng hành cùng 2 - 3 chú chó thì cũng đến tuổi nghỉ hưu.
Jorki là chú chó thứ hai mà thượng úy Linh nhận huấn luyện, trước đó là chú chó Bee nhưng đã qua đời vì già yếu.
"Cả Bee và Jorky đều tham gia các chuyên án lớn về ma túy. Thành tích thì Bee lập được nhiều công hơn một chút. Có lần đối tượng ma túy ngụy trang rất tinh vi, sau nhiều tiếng đồng hồ lực lượng cảnh sát cũng không thể tìm ra dấu tích bọc ma túy. Cuối cùng Bee phát hiện vị trí cất giấu thì nghi phạm mới hết chối cãi" - thượng úy Linh nhớ lại.
"Blue thuộc chuyên khoa ma túy - trung úy Thương nói thêm - Có lần đối tượng buôn ma túy lẩn trốn, cố thủ trên xe buýt đông người, Blue đã hỗ trợ khống chế đối tượng để chúng tôi bắt giữ mà không gây hậu quả nào cho hành khách". Trung úy Thương kể chó nghiệp vụ luôn xông vào các tình huống nguy hiểm đầu tiên.

Những ngày huấn luyện khắc nghiệt của chó nghiệp vụ ở trung tâm - Ảnh: NVCC
Cảnh khuyển xứng đáng được phong hàm, nhận "lương hưu"
Các cán bộ, chiến sĩ ở trung tâm đang huấn luyện chó nghiệp vụ theo năm chuyên khoa gồm: chuyên khoa giám biệt, phát hiện mùi cơ thể; chuyên khoa phát hiện ma túy; chuyên khoa phát hiện thuốc nổ; chuyên khoa tìm kiếm cứu nạn; chuyên khoa tấn công và bảo vệ.
Mỗi chú chó có khả năng lĩnh vực nào sẽ được đưa về chuyên khoa đó huấn luyện phát huy khả năng. Như Blue có khả năng đánh hơi về ma túy, Mark thế mạnh phát hiện thuốc nổ, Jorki giỏi đánh hơi mùi cơ thể… Qua sáu tháng huấn luyện, chú chó đủ khả năng ra ngoài thực hiện nhiệm vụ.
Ở phòng truyền thống trung tâm, chúng tôi có thể nhìn thấy những bức ảnh kỷ niệm các chiến sĩ cảnh sát và chú chó nghiệp vụ phối hợp phá các chuyên án lớn.
Từ vụ án nghệ sĩ Thanh Nga năm 1978 thông qua đánh hơi tìm dấu vết, chó nghiệp vụ tên Chi Na đã lần ra dấu vết tội phạm tới phối hợp cứu hộ sạt lở núi kinh hoàng ở Hòa Bình năm 2017 khiến 18 người dân bị vùi lấp.
Đại tá Phạm Đình Đoàn, giám đốc trung tâm, tự hào khoe: "Cán bộ chiến sĩ và chó nghiệp vụ bên cạnh phối hợp phá các chuyên án lớn còn tham gia bảo vệ an toàn cho các kỳ đại hội của Đảng, Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC, ASEM 5, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tham gia bảo vệ tổng thống các nước tới thăm và làm việc tại Việt Nam.

Jorki biểu diễn đánh hơi phát hiện ma tuý, trấn áp đối tượng ở Hồ Gươm, Hà Nội - Ảnh: NVCC
Đặc biệt, vừa qua trung tâm đã cử cán bộ và hai chó nghiệp vụ Bin và King sang Myanmar tham gia cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân vụ động đất".
Xoa đầu vỗ về chú chó Jorki của mình, thượng úy Linh bày tỏ: "Chó nghiệp vụ là một cơ thể sống, gắn bó mật thiết với cán bộ huấn luyện.
Mỗi ngày chúng tôi tập luyện rất khắc nghiệt, vượt qua các tình huống giả định cả trong và ngoài trung tâm. Khi tham gia phá án, chó nghiệp vụ luôn xông vào hiện trường đầu tiên để đánh hơi, xác định vị trí ma túy, thuốc nổ, đối đầu với tội phạm.
Và nếu chúng tôi gặp nguy hiểm thì chúng bất chấp tính mạng để bảo vệ. Tôi thấy những chú chó nghiệp vụ xứng đáng được nhận danh hiệu, huân, huy chương dù chúng có lẽ cũng không biết đã lập được chiến công lớn thế nào".
Hơn 60 năm thành lập, trung tâm đã có 59 khóa đào tạo, 31 khóa tập huấn trên 5.500 học viên và trang bị hơn 5.200 chó nghiệp vụ cho các đơn vị nghiệp vụ, công an các tỉnh, TP.
Ngoài ra còn đào tạo cho các lực lượng ngoài ngành như kiểm lâm, quân khí quân đội, điển hình là 16 khóa cho lực lượng hải quan với gần 300 cán bộ và 300 chó nghiệp vụ phát hiện các chất ma túy.
"Những lần đội được khen thưởng, biểu dương thành tích, các chú chó cũng được nhắc tới" - thượng úy Linh vừa nói vừa xoa đầu Jorki, hỏi: "Đói bụng rồi phải không, sắp tới giờ ăn trưa rồi". Chú chó ngoan ngoãn vẫy đuôi lia lịa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận