![]() |
Thanh long ra hoa, kết trái từ “vũ khí sinh học” VSL1 |
Đổi đời từ cây thanh long
Mười Mẫn (tên thật là Ngô Mẫn) đã 57 “xuân xanh”, người cao, đen và gầy khô như cái huyện Bắc Bình vốn cằn cỗi thuộc loại nhất nhì tỉnh Bình Thuận.
Cách đây hơn 10 năm, Mười Mẫn chỉ là một nông dân tầm tầm bậc trung ở xã Hồng Thái, không đói cũng chẳng no, đến mùa đi làm lúa, hết mùa thì nhậu và... đánh bài. Giờ Mười Mẫn đã thành ông chủ, đủ sức làm “Hai lúa” để vô TP.HCM và tới quán ăn Hai Lúa ở quận 1 “quậy” tưng bừng.
Mười Mẫn khởi đầu sự nghiệp từ cây thanh long. Không có đất, Mười Mẫn chạy vạy để có tiền thuê 5 mẫu đất sỏi đá khô cằn. Mười Mẫn thuê đất tới 10 năm, giá cả không bao nhiêu, nhưng để có vốn đầu tư cho cây thanh long phải đem nhà thế chấp ngân hàng huyện vay 40 triệu đồng. Vẫn không thấm thía vào đâu, đành phải liều mạng “huy động” vốn trong dân với lãi suất 10%/tháng.
![]() |
Mười Mẫn và ông Linh - những người đang đi tìm cây thanh long "thế hệ thứ ba" |
Ông Kiều Diên - phó chủ tịch huyện Bắc Bình - nhớ lại vào thời điểm ấy chính quyền địa phương rất lo lắng trước hiện tượng Mười Mẫn.
Nhiều người cả quyết là Mười Mẫn đang lừa đảo, có thể ôm tiền bỏ chạy như chơi, cần phải bắt ngay. Ông Kiều Diên nói: “Lúc ấy nếu tôi gật đầu là Mười Mẫn đi tù. Nhưng tôi nghĩ ông ta có trong tay tới 4.000 gốc thanh long, biết đâu sẽ làm nên chuyện”.
Mười Mẫn gặp may, năm đó thanh long bội thu. Ông kể: “Trúng như trúng vé số! Mình đi vay với lãi suất cao nên mỗi gốc thanh long phải đầu tư hết 20.000đ, nhưng 1kg thanh long bán với giá hơn 50.000đ mà thương lái vẫn năn nỉ để mua”. Mười Mẫn thoát nạn, tiền vay ngân hàng ba năm đáo hạn mà chỉ tám tháng là trả sạch trơn, tiền vay nóng của bà con lối xóm cũng được thanh lý đàng hoàng, coi như lãi ròng tiền vốn bỏ ra cho 5 mẫu thanh long, còn có thêm chút đỉnh để chuẩn bị vụ mùa tới.
Theo chân Mười Mẫn, Bắc Bình rộ lên nghề trồng thanh long từ đấy. Nhưng đó là cây thanh long “thế hệ thứ nhất”, được trồng theo cung cách truyền thống, không có sự can thiệp của kỹ thuật, mỗi năm chỉ thu hoạch trong vụ mùa từ tháng ba đến tháng chín, hết vụ là đành chịu.
Mười Mẫn tâm sự: “Trồng thanh long theo kiểu ông bà thiệt là sướng. Cứ mua cọc gỗ đóng xuống, cắm dây thanh long vào rồi bỏ phân bò, tưới chút đỉnh... và chờ đến mùa ra trái. Thời tiết thuận kiếm ăn khá, đất trời trái khoáy thì thu ít. Vậy thôi!”. Cái thời vàng son ấy mau chóng qua đi, càng trồng nhiều thanh long giá càng xuống, có năm chỉ còn vài trăm đồng 1kg trong khi đầu tư cho mỗi bụi thanh long đã tăng gấp ba lần trước đây. Thanh long đỏ ngát trời nhưng bán ra chẳng đáng là bao...
Vẫn theo lời Mười Mẫn, đang lúc cây thanh long khốn khó thì xuất hiện chuyện Hai Long - một thanh niên ở huyện Hàm Thuận Nam - dùng đèn điện để tạo nên vườn cây thanh long trĩu trái mà không cần chờ đúng thời vụ. Mười Mẫn chụp ngay cách làm của Hai Long. Năm ấy Mười Mẫn thắng cực to. Thanh long nghịch mùa bán được giá kinh khủng - 95.000đ/kg mà thương lái khát hàng hơn khát nước. Vậy là phất lên cho tới nay.
Cây thanh long chạy đèn là cây thanh long “thế hệ thứ hai”, cho trái bốn mùa. Nhưng chạy đèn thì vốn lớn, thêm chi phí, giá thành cao. Mười Mẫn nhẩm tính: “Với giá cả hiện nay thanh long trong vụ và không phải chạy đèn bán 1.000đ/kg cũng không lỗ, nhưng thanh long chạy đèn mà bán 3.000đ/kg thì chẳng lời lãi gì”. Chạy đèn cho thanh long phải liên tục khoảng 20 ngày, có lúc gặp trời mưa buộc phải tắt điện vì bóng đèn không chịu nổi, bị ngắt quãng coi như trắng tay, cây thanh long “ngủ” luôn, mọi cái đều làm lại từ đầu.
“Vũ khí sinh học”
Chuyện bắt đầu từ ông Nguyễn Ngọc Bảo Linh, vốn là anh cán bộ trung cấp nông nghiệp, chán ngấy với cái nghề công chức “sáng vác ô đi, tối vác ô về” nên xin nghỉ việc ra lập trại giống. Qua ngót mươi năm lặn lội, trại giống của ông khá lên, nay đã thành Công ty TNHH Giống cây ăn trái Đồng Nai. Chẳng rõ từ đâu mà ông Linh có trong tay một hỗn hợp dinh dưỡng thúc đẩy thanh long ra hoa kết trái nghịch vụ.
Sau thời gian thử nghiệm trên diện nhỏ, giữa năm 2001 ông Linh ra Phan Thiết để làm thử nghiệm cùng nông dân. Thoạt đầu mọi cái có vẻ suôn sẻ, không ít người tìm ông Linh để mua thuốc. Nhưng tiếp theo hóa ra không đơn giản, nhiều nông dân chấm thuốc mà cây vẫn không có trái hoặc có thì rất èo uột, cho rằng bị lừa nên họ đi tố cáo. Lập tức chính quyền ra tay, ông Linh bị phạt 1,2 triệu đồng vì bán thuốc chưa được cơ quan chức năng kiểm định và cho phép.
Không nản chí, ông Linh đi tìm hiểu và rút ra bài học kinh nghiệm rằng muốn bán sản phẩm là phải dạy người nông dân biết sử dụng sản phẩm của mình. Qua những lời giới thiệu, ông Linh tìm đến Mười Mẫn.
Sau những đợt thử nghiệm cùng Mười Mẫn tại vườn thanh long, họ đã tìm ra nguyên nhân thất bại: nhiều người chưa biết bón phân thúc trước khi chấm thuốc, chưa biết chọn mắt và dây khỏe mạnh để chấm thuốc, chưa chọn đúng thời điểm chấm thuốc thích hợp, có người chấm quá nhiều mắt trên một dây, ngay thuốc cũng có vấn đề chưa hoàn hảo...
Vậy là họ cùng nhau soạn thảo tài liệu về qui trình sử dụng thuốc, riêng ông Linh thì “nâng cấp” thuốc cho hoàn thiện hơn, đồng thời trình cơ quan chức năng cho phép sử dụng dưới nhãn hiệu VSL1. Bằng kinh nghiệm của lão nông, Mười Mẫn còn vượt lên ông Linh bởi bí quyết chấm thuốc sao cho thanh long có trái mà không bị tròn tai, đạt hình dáng như trái tự nhiên trong chính vụ.
Đến trung tuần tháng mười một vừa qua, Mười Mẫn đã chắc nịch với cây thanh long chấm thuốc, ông nói về “vũ khí sinh học” VSL1 và về trang trại thanh long với những lời đầy hứa hẹn. VSL1 đã cho ra trái thanh long nghịch mùa mà không thay đổi chất lượng, giá thành giảm hơn một nửa so với chạy đèn, nhưng cả Mười Mẫn lẫn ông Linh vẫn chưa chịu vượt qua vòng khảo nghiệm, chưa tung VSL1 ra thị trường mặc dù đã được cho phép bán từ đầu năm 2003.
Ngay phó chủ tịch UBND huyện Kiều Diên cũng khuyên họ cần nghiên cứu tiếp cho chắc ăn, đừng để sa sẩy như lần trước là hỏng cả một công trình. Dẫu sao Mười Mẫn vẫn cứ chuẩn bị cho sự nghiệp của ngày mai, ông đang huấn luyện đội quân thành thạo về kỹ thuật sử dụng VSL1, rồi sẽ có lúc ông tung đội quân ấy đi... đánh mướn khắp vùng.
Thật tình vẫn còn không ít dè dặt về VSL1 nhưng thấp thoáng đâu đó đang xuất hiện cây thanh long “thế hệ thứ ba”. Biết đâu Mười Mẫn và ông Linh, chữ nghĩa “không đầy lá mít”, lại chẳng trở thành Hai Long - nghe đâu vừa mới trình xong luận án tiến sĩ về chạy đèn cho cây thanh long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận