20/11/2003 06:13 GMT+7

Người xóa "xóc chéo" mùa lũ

MAI BỬU MINH
MAI BỬU MINH

TT - Nghe nhiều về ông, nhưng đến hôm nay tôi mới có dịp về ấp Long Châu 1, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) để gặp ông. Người ta thường gọi ông là ông Ba Phước (Trần Văn Minh) - người đã bỏ nhiều công của và ngày tháng để lo chỗ an nghỉ cuối đời cho những người dân nghèo vùng lũ...

Rm6d17RP.jpgPhóng to
Nghĩa địa Từ Thiện do ông Ba Phước (Trần Văn Minh) thành lập
TT - Nghe nhiều về ông, nhưng đến hôm nay tôi mới có dịp về ấp Long Châu 1, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang) để gặp ông. Người ta thường gọi ông là ông Ba Phước (Trần Văn Minh) - người đã bỏ nhiều công của và ngày tháng để lo chỗ an nghỉ cuối đời cho những người dân nghèo vùng lũ...

Cái mất, cái còn

Ông Ba Phước vóc người nhỏ nhắn, tóc bạc, da ngăm ngăm, mặt hiện rõ nét từng trải của một ông già 70 tuổi đã có cả cuộc đời cần cù lao động miệt mài. Ông đứng bên tôi nói với giọng tự hào:

- Chú xem đó, cả cơ sở sản xuất nước mắm Phước Hương một năm làm ra gần 2.000 tấn nước mắm, cả chục hầm nuôi cá, hiện có trên 600.000 con cá tra... Tất cả tài sản của tui giờ đây trên 3 tỉ bạc rồi sẽ chẳng còn là của tui nữa, nhưng cái nghĩa địa đó mới là của tui...

Tôi nhìn theo hướng cánh tay của ông Ba Phước chỉ, từ căn nhà đúc nằm ven con kênh xáng Vịnh Tre vòng qua mấy dãy nhà kho ủ nước mắm, mấy hầm nuôi cá tra đang lố nhố mấy chục công nhân làm việc mà thầm khâm phục người nông dân chỉ tốt nghiệp tiểu học trường làng, từ bàn tay trắng đã tạo lập nên cơ nghiệp...

kxZEYLg1.jpgPhóng to
Đọc quyết định thành lập ban quản lý nghĩa địa gồm 15 thành viên. Ông Ba Phước làm trưởng ban
Ba Phước đang là chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp tư nhân sản xuất nước mắm Phước Hương, nhưng lại bảo cơ nghiệp đó sẽ chẳng là của mình, bởi theo cách nói của ông, cơ nghiệp ông tạo lập nên đã được chia cho con cháu, chúng đã và đang trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh.

Mai này chuyện tồn tại và phát triển hay không ông không biết chắc được. Thế nhưng cái nghĩa địa rộng trên 7.000m2 ở ấp Long Châu 1, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) mang tên Từ Thiện mà ông đã tốn biết bao công sức xây dựng chắc chắn sẽ tồn tại và phát triển.

Ba Phước tâm sự:

- Chú biết đó, đất xứ này thấp, mùa nước nổi dâng lên có chỗ ngập trên 2,5m, với nhiều gia đình nghèo chỗ cao ráo để cất nhà ở còn không có nói chi đến chỗ an táng người thân nếu không may chết vào mùa nước nổi.

Chú mà thấy cảnh chôn người chết mùa nước nổi mới xót xa. Lúc đó người ta phải ra công ghép ván, cắm cứng xuống nước, ém kín rồi bơm nước ra để đào đất. Khi đặt quan tài xuống mà dưới huyệt có nước, quan tài cứ nổi lên bập bềnh chẳng chịu nằm im, phải đè xuống và đổ nhanh đất lấp lại.

Không có đất gần, người ta phải mang người chết lên vùng Bảy Núi để chôn cất xa xôi, tốn kém, chỉ nhà giàu mới lo nổi... Mùa nước nổi, có gia đình nghèo khổ quá phải để quan tài trên giàn gỗ giữa đồng nước mênh mông, chờ nước rút mới chôn. Cách an táng này người ta thường gọi bằng từ “xóc chéo”, thấy thương tâm lắm chú...

Ông Ba Phước còn kể cho tôi nghe nguồn gốc hình thành nghĩa địa này. Tại nơi đây, trước kia khoảng đất chỉ rộng 1.634m2 của ông Nguyễn Văn Tâm, là gò đất hơi cao, cho phép bà con trong vùng chôn cất người thân khi qua đời, gọi là nhị tì...

Lâu dần gò đất này toàn chôn cất người nghèo khó, không có bia mộ, thậm chí chôn chồng lên nhau và trâu bò giẫm nát cũng không ai lo, ông mới nảy ra ý định đóng góp sức mình làm thành nghĩa địa Từ Thiện.

Năm 1999, ông Ba Phước đến gặp bà Trần Thị Phụng, vợ ông Nguyễn Văn Tâm (đã mất), để bàn bạc, thuyết phục bà Phụng hiến phần đất này cho Hội Người cao tuổi của xã mà ông là phó chủ tịch, rồi ông bỏ tiền mua thêm 2.855m2 đất bên cạnh để mở rộng khu nhị tì này làm thành nghĩa địa Từ Thiện.

Ông còn vận động để người bạn thân là Trần Văn Trọng đang sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM góp tiền mua thêm 2.600m2 hiến cho địa phương để khu nghĩa địa này rộng 7.089m2.

Tiếp đến, ông Ba Phước cho thuê xe cơ giới đến đào đắp, nâng cao mặt bằng khu nghĩa địa để khi lũ về, bà con trong vùng không may qua đời có chỗ chôn cất. Ông cho xây cổng, làm hàng rào và nhà nghỉ mát với tổng kinh phí gần 45 triệu đồng, trong đó phần của ông góp thêm trên 27 triệu, còn lại của 140 người dân trong vùng tự nguyện đóng góp.

Không còn cảnh chôn vùi dưới nước

Thấy tôi nhìn khu nghĩa địa được làm hàng rào không cho trâu bò vào phá, lại có trồng thêm hoa kiểng bao quanh và ven lối đi. Ông Hồ Văn Tiểu, xã Ô Long Vỹ, giới thiệu với tôi vài nét về khu nghĩa địa này:

- Chú thấy đó, xung quanh nghĩa địa các lối đi đã được bà con trong xóm tới trồng hoa kiểng, thắp nhang trước mộ người chết nên người thân của họ mỗi khi có dịp viếng mộ cũng thấy an lòng. Trong khu nghĩa địa có căn nhà mát để người đến thăm mộ, đắp mộ có chỗ trú mưa, trú nắng. Bên trong có bảng liệt kê danh sách những người đóng góp, có sơ đồ những ngôi mộ được chôn theo vị trí đã được qui định theo giới tính, lứa tuổi...

Chú Năm Châu, thành viên ban quản lý nghĩa địa này, chỉ tôi thấy một trại hòm bên cạnh căn nhà mát. Bên trong trại có để năm quan tài đã sơn màu nâu và nhiều bia đá chưa khắc tên. Chú bảo:

- Trại hòm đó để chứa hòm thí, lúc nào hòm cũng chất đầy, người cho gỗ, kẻ ra công đóng... Có người cho tiền mua sẵn bia đá để đó, ai cần thì cho... Chú ơi, dân nghèo xứ này không phải lo khi chết đi để khổ cho con cháu chuyện chôn cất nữa.

Anh Đoàn Văn Hiếu, bí thư kiêm chủ tịch xã Thạnh Mỹ Tây, rất tâm đắc với công trình nghĩa địa Từ Thiện này của địa phương kể:

- Công việc bề bộn, lo cho người sống chỗ ở, cái ăn, cái mặc, học hành, chữa bệnh, đi lại... đã là gánh nặng, cho nên nếu như không có những con người như chú Ba Phước, Năm Châu, Ba Liêm, Ba Tiểu... thì khó lo tròn cho người chết, khó có cái nghĩa địa này, anh à.

Chị Ngọc Ánh, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của xã, còn cho tôi biết thêm chính nhờ khu nghĩa địa Từ Thiện mà qua mấy mùa nước lũ năm 2000, 2001, 2002... cho đến nay, đã có 136 người dân qua đời trong khu vực được đưa vào đây an táng. Không còn cảnh phải chôn vùi dưới nước hay chở lên vùng Bảy Núi chôn cất, nhất là không bao giờ còn cảnh “xóc chéo” giữa đồng nước nổi nữa...

Riêng với ông Ba Phước, không phải chỉ đóng góp xây dựng nghĩa địa này mà ông còn thường xuyên góp công góp của vào các chương trình của địa phương như làm cầu, đường giao thông nông thôn, cất nhà tình thương cho dân nghèo...

MAI BỬU MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên