06/02/2025 07:35 GMT+7

Kế hoạch tiếp quản Gaza của ông Trump

Ngày 4-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố đề xuất di dời người Palestine từ Dải Gaza đến các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan với lý do "thiếu nơi ở tại Dải Gaza" do cuộc chiến tranh của Israel kéo dài hơn 15 tháng.

Kế hoạch tiếp quản Gaza của ông Trump - Ảnh 1.

Một người đàn ông Palestine nhìn đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy trong chiến dịch tấn công của Israel tại Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 4-2 - Ảnh: Reuters

Theo đó Mỹ sẽ tiếp quản, sở hữu lâu dài, quản lý và chịu trách nhiệm tái thiết, thực hiện cải cách kinh tế toàn diện tại Dải Gaza, đồng thời sẽ chịu trách nhiệm di dời toàn bộ số bom, mìn chưa nổ và các loại vũ khí nguy hiểm khác khỏi khu vực này.

Kế hoạch gây sốc

Ông Trump không loại trừ khả năng triển khai lực lượng Mỹ để hỗ trợ tái thiết Gaza. Ông cho biết nơi này có thể trở thành Riviera của Trung Đông (tên vùng bờ biển Địa Trung Hải giữa Monaco và Ý, rất đẹp và nổi tiếng về khí hậu tốt) sẽ là nơi sinh sống của "những người từ khắp nơi trên thế giới".

Ông Trump cũng tiết lộ rằng ông đang thảo luận vấn đề công nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, từ ngày 7-10-2023 đến 19-1-2025, Israel tiến hành cuộc chiến tại Gaza khiến hơn 159.000 người Palestine thiệt mạng và bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Hơn 14.000 người vẫn mất tích.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết hơn 545.000 người Palestine phải di dời đã trở về phía bắc Dải Gaza trong tuần qua, sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực ngày 19-1-2025.

Hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ và nhiều chính trị gia tại Washington, đã lên tiếng phản đối kế hoạch của ông Trump, cho rằng đây là bước leo thang nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Phong trào Hamas cùng các tổ chức Palestine khác cũng mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố của ông Trump về việc di dời người Palestine khỏi Dải Gaza, gọi đây là hành động "thanh lọc sắc tộc, mang tính phân biệt chủng tộc, vô đạo đức và phi nhân đạo".

Lãnh đạo Hamas, ông Izzat al-Rishq nói: "Cuộc kháng chiến sẽ tiếp tục đến khi người dân Palestine giành được tự do và độc lập. Quá trình tái thiết có thể được thực hiện khi người dân Gaza vẫn còn ở đó chứ không phải bằng cách di dời họ".

Các nước Ả Rập đã bác bỏ đề xuất này. Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, chính quyền Palestine và Liên đoàn Ả Rập đã ra tuyên bố chung bác bỏ "mọi kế hoạch di dời người Palestine khỏi lãnh thổ của họ ở Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng".

Saudi Arabia khẳng định việc bình thường hóa quan hệ với Israel chỉ có thể được thực hiện sau khi thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Dư luận xã hội Israel cũng không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Trump. Tờ The Times of Israel cho rằng kế hoạch Gaza của ông Trump sẽ không đem lại hiệu quả và không chấm dứt được chiến tranh với Hamas.

Các chính trị gia Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Murphy, nói tổng thống đã "mất trí". Cuộc xâm lược Gaza của Mỹ sẽ dẫn đến cái chết của hàng nghìn binh lính Mỹ và nhiều thập niên chiến tranh ở Trung Đông. Kế hoạch này giống như "một trò đùa tệ hại và bệnh hoạn".

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ South Carolina Lindsey Graham, người ủng hộ ông Trump, cũng bày tỏ sự hoài nghi. Ông nói: "Chúng ta sẽ xem những người bạn Ả Rập của chúng ta nói gì về điều này. Tôi nghĩ rằng hầu hết người South Carolina không vui mừng khi gửi người Mỹ đến tiếp quản Gaza".

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen cho rằng đề xuất của ông Trump đẩy hơn 2 triệu người Palestine ra khỏi Gaza và chiếm Gaza bằng vũ lực nếu cần thiết, thực chất là một cuộc thanh trừng sắc tộc dưới một cái tên khác.

Căng thẳng leo thang

Kế hoạch của ông Trump về việc trục xuất người dân Gaza sang các nước láng giềng được đưa ra ngay sau khi ông trở lại Nhà Trắng lần thứ hai, hoàn toàn giống với kế hoạch trục xuất người Palestine ở Gaza của Thủ tướng Israel B. Netanyahu được các nhân vật cực hữu trong chính quyền của ông ủng hộ.

Việc Thủ tướng Netanyahu - người bị Tòa án Hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza - trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Trump mời đến Nhà Trắng ngay sau khi ông trở lại nắm quyền đã gây thách thức lớn cho chính quyền Palestine, các nước Ả Rập và dư luận quốc tế.

Mặt khác, kế hoạch được công bố đúng lúc người Palestine đang trở về Gaza theo thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian, tạo ra sự mâu thuẫn với chính nỗ lực của Washington trong việc giải quyết xung đột Israel - Hamas.

Đề xuất này nhằm khôi phục "thỏa thuận thế kỷ" mà ông Trump từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021) với mục tiêu xóa bỏ vấn đề Palestine. Bất chấp dư luận quốc tế và các nghị quyết Liên hiệp quốc, ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel (2017) và tuyên bố cao nguyên Golan của Syria thuộc về Israel (2019).

Thiên vị Israel, đẩy Trung Đông vào bế tắc

Cùng với kế hoạch này, Tổng thống Trump quyết định ngừng viện trợ cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc, cam kết tăng cường cung cấp vũ khí cho Israel và thảo luận việc ủng hộ nước này sáp nhập Bờ Tây.

Những động thái này thể hiện sự thiên vị hoàn toàn đối với Tel Aviv, đẩy xung đột vào bế tắc và làm gia tăng căng thẳng, bất ổn tại Trung Đông. Kế hoạch này chắc chắn sẽ không thực hiện được giống như "thỏa thuận thế kỷ" trước đây của ông Trump.

Kế hoạch tiếp quản Gaza của ông Trump - Ảnh 2.Vì sao ông Trump đề xuất táo bạo Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza?

Giới quan sát cho rằng ông Trump có thể đang sử dụng chiến thuật đưa ra lập trường mạnh mẽ, thậm chí cực đoan, để dọn đường cho các cuộc đàm phán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên