Phóng to |
Các gương mặt vượt khó - học giỏi trong ngày nhận học bổng |
Khi học trò mím môi, kềm giữ nước mắt
Thật ra Hiếu đã phải mím môi, kềm giữ những giọt nước mắt tuổi học trò khi “tuyên hứa” điều ấy trước bao bạn bè cùng trang lứa khác có mặt tại buổi lễ.
Đơn giản thôi, để làm được như thế chắc chắn cô nữ sinh ấy sẽ phải đương đầu với những thách thức mới của năm học 12: phải chia tay với bạn bè thân quen trường phổ thông chuyển sang lớp bổ túc để đảm bảo việc mưu sinh với xấp vé số trên bến phà Nhà Bè, Bình Khánh; tiếp tục kiếm sống và vật lộn với bài vở bộn bề năm cuối cấp...
Và không chỉ Hiếu, những gương mặt trẻ bước lên sân khấu giao lưu sáng hôm ấy hầu như đều đã phải kềm giữ xúc động của mình như thế để tiếp tục khẳng định mình trước những thách thức của năm học cuối cấp này.
Đại diện báo Tuổi Trẻ, anh Dương Thành Truyền - phó tổng biên tập -khi nhắc đến những nỗ lực vượt khó, lòng kiên trì, ý chí vượt qua nghịch cảnh của những bạn trẻ nhận học bổng sáng hôm ấy đã cho đó là những gương mặt trẻ “gan lì đương đầu với nghịch cảnh”.
Như Thanh Khôn (lớp 9 Trường THCS Hồ Văn Long, Bình Chánh) vừa học vừa xe nhang với đủ mọi công đoạn; như cô bé bại liệt học giỏi Lê Bá Kim (lớp 9 Trường THCS An Phú, Q.2) vừa phụ mẹ vừa học hành, vui chơi... trên chiếc giường trong góc nhà.
Còn chàng trai mồ côi Nguyễn Thanh Phong (lớp 12B10 Trường PT cấp II-III Ngô Quyền, Q.7) lại áy náy khi bức xúc mình chỉ mới học khá chứ chưa giỏi - một nỗi buồn trong khi mẹ và các em dưới quê đang phải ăn cơm với muối ớt mỗi ngày.
Những gương mặt trẻ vượt khó khác đến từ 10 quận huyện vùng ven, ngoại thành bên dưới dường như cũng thế. Cô HS xuất sắc (điểm trung bình các môn 8,9 điểm) Nguyễn Thị Thùy Linh (lớp 9 Trường THCS Quy Đức, Bình Chánh) trước buổi lễ đã xúc động ngả đầu vào lòng mẹ.
Mẹ cô, một người phụ nữ đen đủi, gầy gò đã giàn giụa nước mắt khi chứng kiến con mình đường hoàng bước vào dự lễ trong hoa, trong tiếng trống rộn rã chúc mừng. Bà nghẹn ngào: “Nhà nghèo, ba nó bệnh cả chục năm, mới mất nửa năm nay. Giờ còn một mẹ một con nên nó khổ lắm. Năm nay là năm thi tốt nghiệp mà nó vẫn cứ nằng nặc phụ mẹ làm đủ thứ chuyện; tối trước khi học bài còn cặm cụi dán giấy tiền vàng bạc phụ mẹ...”.
Thế nhưng cô bé ấy dù mắt đỏ hoe vẫn... chối: “Mình đâu khổ bằng mẹ, cả ngày đội mưa đội nắng ngoài đường, tối cũng không được nghỉ để lo cho mình ăn học...”.
Chia sẻ và đồng hành
Mặc dù đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhưng một bộ phận bạn trẻ, HS của những quận huyện ngoại thành, vùng ven thực tế còn nhiều khó khăn, hạn chế trong điều kiện sinh hoạt, học tập. Học bổng “Vì ngày mai phát triển” chắc chắn sẽ tạo thêm điểm tựa, cú hích cho ý chí vượt khó, nuôi dưỡng ước mơ của các em. Một đội ngũ trẻ có trình độ, ý chí mới thật sự là nền tảng bền vững cho sự phát triển khu vực này. Học bổng được tổ chức dịp đầu năm học mới như một sự chia sẻ của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đối với ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. |
Trong sự xúc động ấy, ông đã nghĩ đến một “tương lai (những gương mặt ấy) có thể trở thành những nhà bác học, những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của TP” và niềm tin của ông rõ ràng đã nhận được những đồng cảm.
Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn Nguyễn An Bình thay mặt đơn vị tài trợ đã cho rằng “chăm sóc các hiền tài là nguyên khí của TP; nền tảng vật chất cụ thể của phát triển TP trong tương lai”.
Cũng dễ hiểu về sự đồng cảm ấy khi hàng loạt số phận, mảnh đời đã hiện lên như những tấm gương tuổi học trò tuyệt đẹp.
Đó là Lê Xuân Thủy (lớp 12 Trường THPT Trung Phú, Củ Chi) - vừa đi học vừa đi làm thuê vẫn luôn xếp đầu lớp, 11 năm đi học thì 11 năm là HS giỏi, đoạt huy chương đồng môn hóa kỳ thi Olympic 30-4 vừa qua; là Nguyễn Thị Kim Hồng (lớp 12 Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ) - ba làm mướn, ngoài giờ học lặn lội ngoài đồng mò nghêu bắt ốc phụ nuôi các em vẫn là HS giỏi; là Phan Thanh Trường Giang (lớp 12 Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hóc Môn) - HS giỏi nhiều năm liền với điểm trung bình các môn lên đến 9,0 dù ba đã mất, mẹ là giáo viên, đang ở nhờ nhà dì vốn cũng đã 65 tuổi...
Mong muốn được đồng hành với những gương mặt trẻ trong cuộc vượt khó là tấm lòng không chỉ của nhà tài trợ mà còn của nhiều bạn bè, người thân có hoàn cảnh may mắn hơn; như Yến Phi (lớp 9D Trường THCS An Phú, Q.2) sẽ tiếp tục cõng, bế người bạn thân Lê Bá Kim của mình đi học; như thầy giáo Hồ Thanh Hậu sau buổi tuyên dương đã động viên học trò Trương Thị Hiếu: “Thầy và các bạn sẽ giúp em thực hiện lời hứa tốt nghiệp THPT”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận