Người dân được nhà chức trách phát khẩu trang và mặt nạ đặc biệt trong lúc được sơ tán đến nơi an toàn ngày 28-11 - Ảnh: REUTERS
Sáng 28-11, nhà chức trách Indonesia quyết định kéo dài lệnh đóng cửa sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali thêm 24 giờ nữa, ít nhất đến sáng 29-11 giờ địa phương, trước khi có diễn biến mới.
Cư dân địa phương và du khách bị mắc kẹt trên hòn đảo đã được phát mặt nạ đặc biệt do lo ngại vụ phun trào lớn sắp xảy ra.
Hiệp hội nhà hàng và khách sạn của Indonesia cho biết các khách du lịch mắc kẹt tại khách sạn có thể ở lại miễn phí.
Tính đến ngày 28-11, ít nhất 445 chuyến bay đã bị hủy do sự phun trào của núi lửa Agung trên hòn đảo du lịch Bali, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của khoảng gần 90.000 hành khách đến và đi từ sân bay quốc tế Ngurah Rai của hòn đảo này.
Giám đốc Vận tải hàng không của Bộ Giao thông Indonesia là Maria Kristi Endah Murni cho biết không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay quốc tế Ngurah Rai, hoạt động của núi lửa Agung cũng đã ảnh hưởng tới 51 chuyến bay, với gần 3.000 hành khách, tại sân bay quốc tế Lombok - hòn đảo du lịch gần Bali.
Người dân ở khu vực bị ảnh hưởng của núi lửa Agung được đưa đi sơ tán trong ngày 28-11 - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị khoảng 100 xe buýt đưa đón tại Bali và Tây Nusa Tenggara nhằm cung cấp các phương tiện vận chuyển thay thế cho hành khách bị ảnh hưởng bởi núi lửa Agung phun trào.
Để rời khỏi Bali hiện nay có thể đi xe buýt từ sân bay Ngurah Rai đến sân bay Juanda, Surabaya (với giá thông báo là 300.000 Rupiah), sau đó từ đây bay đến các nơi khác.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng chuẩn bị một số sân bay để chuyển hướng các chuyến bay đến Bali khi cần như sân bay Juanda của Surabaya, sân bay Lombok Praya, sân bay Sultan Hassanudin của Makassar, sân bay Adi Soemarmo của Solo, sân bay Ahmad Yani của Semarang và sân bay Adi Soetjipto của Yogyakarta.
Bên trong sân bay quốc tế Bali hiện vắng hoe do đã đóng cửa. Ảnh chụp ngày 27-11 - Ảnh: REUTERS
Ngày 27-11, chính quyền Indonesia cảnh báo núi lửa Agung sẽ phun trào bất cứ lúc nào và nâng cảnh báo lên mức cao nhất, đồng thời xúc tiến sơ tán dân quy mô lớn.
Khoảng 40.000 người sống quanh ngọn núi này đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa trong khi 100.000 người khác có thể buộc phải đi sơ tán.
Vùng nguy hiểm quanh núi Agung cũng đã được mở rộng ra tới bán kính 10 km. Việc đóng cửa sân bay quốc tế làm hàng ngàn du khách bị kẹt tại đảo nghỉ dưỡng xinh đẹp này.
Nước sông trên đảo Bali đã đổi sang màu đục ngầu do lẫn với tro bụi và dung nham từ núi lửa Agung - Ảnh: REUTERS
Một số người Việt Nam đã bị mắc kẹt tại Bali do núi lửa, trong đó chủ yếu là khách du lịch.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã cung cấp thông tin và hỗ trợ một số người cần giúp đỡ.
Ít nhất 7 du khách khác người Việt Nam đã an toàn rời khỏi Bali, 24 người còn đang bị kẹt lại đã được hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết để nhanh chóng rời khỏi hòn đảo này.
Núi lửa Agung nằm cách bãi biển hút khách Kuta khoảng 75km, từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương.
Ngọn núi có độ cao hơn 3.000 m này đã có dấu hiệu phun trào trở lại vào tháng 9 khiến nhà chức trách phải đưa ra mức cảnh báo cao nhất và sơ tán 140.000 người dân sinh sống trong khu vực núi Agung, song sau đó lệnh cảnh báo đã được dỡ bỏ và người dân trở được về nhà.
Trường hợp người Việt Nam cần hỗ trợ thông tin có thể liên hệ với Đại sứ quán qua đường dây nóng: Ông Nguyễn Thanh Giang +62811161025. Trường hợp cần hỗ trợ cách rời khỏi Bali, liên hệ Hướng dẫn viên Du lịch địa phương Pak Nyoman +6285792640918, +6288643014 hoặc thông tin tại sân bay: Gunung Agung Volcano Crisis Center: 081321100319. Hotline: 0361 935 1011 ext 5055; Airport Information: 172.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận