
Chăm sóc cây mai - Ảnh: THANH NGUYÊN
Sau những ngày hoa mai khoe sắc tại các trụ sở cơ quan, gia đình vào dịp Tết, cây dần mất sức.
Thế nhưng không phải ai cũng biết cách để chăm sóc mai, giúp cây sinh trưởng, ra hoa đẹp vào mùa xuân năm sau. Những ngày này, dịch vụ chăm sóc mai sau Tết đang đem lại thu nhập cao cho các nhà vườn.
Hốt bạc nhờ hồi sức cho mai
Có những chậu mai vẫn còn nụ, hoa đang khoe sắc rực rỡ, cũng có chậu cánh hoa đã dần tàn, hối hả theo các chuyến xe đổ về nhà vườn để "tút tát", chăm sóc.
Nhiều chậu mai được người dân trưng bày suốt những ngày Tết rơi vào tình trạng mất sức do nuôi nhiều hoa và chưa được chăm sóc đúng kỹ thuật.
Theo anh Trần Văn Đại (chủ vườn mai tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), từ sau Tết đến nay vườn của anh đã nhận gần 100 chậu mai của khách đưa đến thuê chăm sóc. Trung bình giá chăm sóc mai trọn gói trong năm từ 1 - 5 triệu đồng/chậu, tùy vào kích thước cũng như tình trạng của cây.

Anh Trần Văn Đại (vườn mai tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) kiểm tra tình trạng cành lá để chăm sóc mai hiệu quả - Ảnh: THANH NGUYÊN
"Với số lượng lớn cây mai khách thuê chăm sóc và hàng trăm chậu mai tại vườn, đội ngũ nhân công phải làm việc liên tục để kịp tiến độ. Càng cắt tỉa cây sớm, cây càng dễ hồi sức, công việc chăm sóc đỡ vất vả hơn", anh Đại cho biết.
Cũng theo anh Đại, đối với những gốc mai lớn thì tiền công chăm sóc cây cũng cao hơn do tốn nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí phân, thuốc...
Trọn gói chăm sóc, “bảo hành” những gốc mai này suốt cả năm có thể lên đến vài chục triệu đồng.
Đến nay, vườn của anh Đại thu về gần 200 triệu đồng tiền chăm sóc cây mai cho khách.
"Năm nay mai ra hoa muộn, nhiều gia đình còn để chơi đến khi hoa tàn, nên thời gian tới vẫn sẽ có nhiều khách đưa cây mai đến thuê chăm sóc", anh Đại nói.
Nhọc nhằn chăm cây cả năm
Để mai có thể ra hoa rực rỡ vào đúng dịp Tết, đòi hỏi người trồng mai phải chăm sóc cây đúng kỹ thuật.
Theo các nhà vườn, những chậu mai thường được chưng trong nhà dài ngày khiến cây dễ kiệt sức, mất sức đề kháng. Để phục hồi, nuôi dưỡng cây, các nhà vườn phải ngắt bỏ những bông hoa còn lại, tỉa cành, thay đất, bón phân, kích rễ cho cây.
Công việc này rất kỳ công, tỉ mỉ. Có những cây cao hơn 2 mét phải dùng thang để hỗ trợ việc cắt tỉa, việc thay đất, bón phân cho cây cũng mất nhiều công sức.
“Những cây mai khi để lâu trong nhà thì lá non ra rất nhiều, lá cũng nhợt màu. Do vậy, lúc mang trở ra ngoài thì cây cần phải được che chắn để tránh bị cháy lá, sốc nhiệt.

Sau Tết, nhiều cây mai được các nhà vườn cắt tỉa cành lá, hoa - Ảnh: THANH NGUYÊN
Thời gian che mát cho cây khi mang ra ngoài cần 5 - 7 ngày để cây quen dần với nhiệt độ. Khi lá đã già, cứng cáp mới bắt đầu cắt tỉa”, anh Trần Ngọc Lộc (chủ vườn mai phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chia sẻ.
Cây mai cũng gặp nhiều tình trạng sâu bệnh sau Tết. Với hơn 20 năm trồng mai, nhìn qua tình trạng lá, anh Trần Văn Đại đã bắt được bệnh cho cây.
“Nhiều cây bị đốm đồng tiền do cây lâu năm, tán rậm, ít ánh nắng. Ngoài ra còn có các bệnh cháy lá. Công việc chăm sóc, theo dõi cây phải luôn tiến hành xuyên suốt cả năm”, anh Đại cho biết.

Đối với những gốc mai lớn, việc chăm sóc cây cũng vất vả hơn. Trọn gói chăm sóc, “bảo hành” những gốc mai này đến Tết năm sau có thể lên đến vài chục triệu đồng - Ảnh: THANH NGUYÊN
Có những cây bị đổ nước chè, tàn thuốc, bã cà phê khiến bộ rễ bị hư hại, nhà vườn phải nhanh chóng “cấp cứu”, thay đất, cắt rễ trồng lại mới cứu được cây.
Ngoài quá trình chăm sóc tỉ mỉ, các nhà vườn phải tốn chi phí bón phân hằng tháng. Một số đợt trong năm các nhà vườn phải bón thêm phân vô cơ, đảm bảo đủ cả chục loại phân đa lượng, trung lượng và vi lượng như đạm, lân, kali, sắt, kẽm, vôi… thì hoa mới đẹp, cây mới đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình chăm sóc, nếu cây mai yếu, chết chủ vườn phải thông báo cho khách tình hình của cây hoặc có khi phải bồi thường. Chế độ "bảo hành” còn phải đảm bảo cây đạt chất lượng, ra hoa đúng dịp Tết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận