
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng cần nhìn lại số lượng và chất lượng các đầu sách xuất bản năm qua - Ảnh: HỒ LAM
Chiều 22-4, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản năm 2025.
Tại hội nghị, các đơn vị hoạt động trong ngành xuất bản cùng nhìn lại tình hình hoạt động xuất bản, in và phát hành năm 2024 và đề ra những phương hướng cần làm trong năm 2025.
Lượng sách tăng nhưng chất còn hạn chế
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, có 51.443 tựa sách xuất bản trong năm 2024 trên cả nước với 597.182.861 bản.
Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt hơn 4.500 tỉ đồng (tăng 10,3%); lợi nhuận sau thuế đạt gần 508 tỉ đồng (tăng 11,41%). Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản tăng tương đối cao và cao nhất trong 3 năm trở lại đây đạt 10,3%.
Theo ông Nguyễn Nguyên, con số này khẳng định một lần nữa sự năng động và quyết tâm cả về phía nhà xuất bản và các đơn vị liên kết trong bối cảnh hoạt động xuất bản gặp khó khăn và còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản cũng còn nhiều mặt hạn chế cần nhìn nhận thẳng thắn.
"Nhìn vào con số cũng có thể thấy số lượng sách xuất bản tăng nhưng chất lượng còn hạn chế. Không phải chúng ta thiếu những giá trị đỉnh cao mà ta đã tạo ra quá nhiều thứ vô bổ", ông Nguyễn Nguyên nói.
Ví dụ, sách có giá trị tư tưởng lan tỏa chưa nhiều; sách học thuật, khoa học còn thiếu; sách khoa học, công nghệ giảm phản ánh sự phát triển lệch của ngành.
Chuyển đổi số len lỏi mọi hoạt động xuất bản
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho biết chuyển đổi số từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản mà rõ nét nhất là các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang web trực tuyến.
Một số nhà xuất bản, công ty phát hành đã dần chuyển hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in truyền thống sang sách điện tử.
Tại TP.HCM ở Tuần lễ sách và chuyển đổi số năm 2024, độc giả đã được trải nghiệm hơn 3.000 tựa sách điện tử, sách nói để có thể hiểu hơn về việc ứng dụng công nghệ số trong ngành xuất bản, văn hóa.
Hay ở lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, phát hành cũng được quan tâm, chú trọng khi các đầu sách trong lễ hội được phổ biến rộng rãi và trang bị mã QR để người dân có thể đọc, tra cứu online miễn phí…

Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi đọc tham luận tại hội nghị - Ảnh: HỒ LAM
Bên cạnh những thuận lợi, theo ông Hồi, việc thực hiện chuyển đổi số cũng còn nhiều hạn chế. Vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số hiện nay được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Như việc sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, ứng dụng di động, vừa kinh doanh vừa ẩn dưới danh nghĩa phục vụ bạn đọc miễn phí, có nền tảng còn ngang nhiên đổi tên người dịch để tránh bị phát hiện;
Hay tình trạng bán sách lậu, sách giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phát sóng trực tiếp (livestream) đọc sách trên mạng xã hội để tăng tương tác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận