23/04/2025 12:41 GMT+7

Hoa hồng cho người bán vé số dạo bao nhiêu là phù hợp?

Vấn đề được hàng trăm ngàn người dân mưu sinh bằng nghề bán vé dạo quan tâm hiện này là mức hoa hồng và những quyền lợi khác có được cải thiện sau sáp nhập tỉnh, thành.

bán vé số dạo - Ảnh 1.

Sợ ôm vé, một người bán vé số ở miền Tây tràn xuống đường mời mọc - Ảnh: LÊ DÂN

Cần thống nhất hoa hồng cho người bán vé số dạo

Bà Thái Thị Vân, bán vé dạo tại phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau cho biết hằng ngày bà lấy 100 tờ vé số, lặn lội không dưới 10km mới mong bán hết. Ngày nào thuận lợi, được người mua thương tình, bà bán hết kiếm được 100.000 đồng tiền lời, nghĩa là mỗi tờ vé số được hưởng hoa hồng 10%.

"Buôn bán có bữa được bữa không. Nhiều hôm tôi mệt mỏi, lội không được xa nên chỉ cần ôm 5 tờ, coi như bữa đó không đủ tiền mua gạo lo cho 3 miệng ăn ở nhà. Bán 10 năm, không đủ sống qua ngày, nói chi có dư để dành. Tôi mong các Công ty XSKT, đại lý tăng thêm hoa hồng và chăm lo hơn cho người bán vé số dạo", bà Vân chia sẻ.

Chủ một đại lý vé số tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết vé số thời gian qua lúc nào cũng sốt, không đủ bán.

Theo đại lý này, tỉ lệ hoa hồng cho đại lý và người bán dạo là 15%, trong đó đại lý đóng thuế 0,75%, còn hoa hồng tối thiểu cho người bán dạo là 10%.

Vị này cho biết, những người bán dạo lâu năm thân thiết, có uy tín, không thiếu tiền khi lấy vé số… thì đại lý có thể trả hơn 10% hoa hồng. Đó là thỏa thuận giữa đại lý và người bán dạo.

"Người bán dạo lấy vé số của mình, nhưng có người bán dạo khác thấy số đẹp, được người mua dặn trước, hai bên chia sẻ với nhau. Có thể là chia lại 9.500 đồng/vé, thì hai người chia nhau 10% hoa hồng đó", ông này phân tích.

Một đại lý vé số cấp 2 ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết hiện hoa hồng trên từng tờ vé số mà các đại lý "quy định" cho người bán dạo rất khác nhau. 

Không ít nơi ở miền Tây, từ công ty, đi một vòng qua đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3 và sau đó là hệ thống phân phối, rồi mới tới tay người bán dạo, đôi lúc hoa hồng chỉ còn 10%.

Theo ông này, người nào lấy trực tiếp từ đại lý cấp 2, mức hoa hồng tốt hơn. Còn người không có vốn, không uy tín phải lấy vé số qua hệ thống phân phối nên hoa hồng rớt xuống. Ông này cho biết mình lấy từ đại lý cấp 1, giao người bán được hưởng hoa hồng 12%, chỉ lời một chấm.

"Vé số khan hiếm, không đủ cung cho thị trường, nên nhiều đại lý ham lời, bóp hoa hồng của người bán vé số dạo. Họ tìm đủ cách để ép người bán dạo. 

Tôi nghĩ hoa hồng các công ty XSKT triển khai như hiện nay hợp lý.

Vấn đề là các đại lý có chịu chia sẻ với người bán dạo hay không. Sắp tới cần quản lý việc này và có thống nhất chung, không nên giao phó trong 15% hoa hồng, sau khi nộp thuế, các đại lý tính sao với người bán dạo thì thân ai nấy lo, sẽ không hay", chủ đại lý cấp 2 kiến nghị.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - thông tin chỉ riêng Sóc Trăng đã có 6.000 người đi bán vé số dạo. Đa số có hoàn cảnh đáng thương, nhiều cụ già, trẻ em cũng mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

"Doanh số các Công ty XSKT khu vực miền Nam đạt được, có công sức không nhỏ của cô, chú và các em nhỏ bán vé số dạo. Đành rằng những người bán vé số có hưởng hoa hồng trên từng tờ vé số bán được, nhưng đó cũng là công sức, mồ hôi và cả nước mắt mà họ đã lao động vất vả.

Thật lòng mà nói, hoa hồng 10% và những quyền lợi khác cho người bán vé số dạo hiện chưa tương xứng. Nhiều lần kiến nghị, chúng ta nói vướng do quy định. Tôi nghĩ nhân dịp hợp nhất tỉnh, thành lần này cần tính toán lại. Cái gì không phù hợp, chúng ta điều chỉnh, sao cho hợp lý, hợp tình", ông Tâm đề xuất.

Mong đủ vé số bán dạo để lo cho cuộc sống

Bà Thái Thị Vân ở TP Cà Mau cho biết gia đình không có đất sản xuất, không vốn liếng nên mới chọn nghề bán vé số dạo.

"Bán vé số là công việc và thu nhập chính của tôi, cũng như nhiều người ở trọ xóm tôi. Do đó, đề xuất các công ty nếu có sáp nhập thì cũng nên phát hành mỗi ngày để người dân có việc làm và có thu nhập ổn định, nuôi sống bản thân và gia đình", bà Vân nói.

Chị Thủy, một đại lý vé số cấp 3 tại thành phố Cà Mau, cho rằng dù thế nào đi nữa, các Công ty XSKT khu vực miền Nam cố gắng đảm bảo đủ lượng vé số cung cấp cho bà con bán dạo.

"Có một thực trạng là các đại lý cấp nhỏ được phân bổ không đủ đầu số đẹp. Số xấu bị thừa, bán ế khó trả lại. Mong sao các công ty có bàn bạc và giúp đỡ những người đã đội nắng dầm mưa bán vé số cho công ty", chị Thủy mong muốn.

bán vé số dạo - Ảnh 2.

Một cụ già ở Cà Mau đội nắng để mong bán hết 100 tờ vé số - Ảnh: THANH HUYỀN

Một đại lý vé số ở Sóc Trăng nêu quan điểm nên giữ lại các Công ty XSKT như hiện nay. Theo vị đại lý này, nhu cầu tiêu thụ vé số kiến thiết khu vực miền Nam rất cao, cung không đủ bán. Vé số nhiều tỉnh bán sạch từ trước hôm mở thưởng. Riêng chỉ có ngày thứ bảy, do có tới 4 tỉnh phát hành và rơi vào ngày nghỉ nên mới còn vé số dư, tuy nhiên số lượng không đáng kể.

"Bây giờ nhập lại, giảm ngày phát hành, mở thưởng thì vé số sẽ càng khan hiếm. Không chỉ giảm nguồn thu ngân sách mà sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của rất nhiều người bán vé số dạo", vị đại lý này nêu lý do.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho rằng khi hợp nhất tỉnh, phương án sắp xếp các Công ty XSKT khu vực miền Nam chắc chắn cũng sẽ được tính toán. Tuy nhiên quan điểm cá nhân, ông hy vọng vẫn được giữ nguyên như hiện nay.

Theo tiến sĩ Tâm, hoạt động kinh doanh XSKT đã ổn định từ lâu, góp phần thu ngân sách, giải quyết việc làm cho rất nhiều người, phần lớn là người yếu thế trong xã hội. Do vậy một khi sáp nhập, sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ, nhất là kế mưu sinh của bà con nghèo nên cần cân nhắc kỹ lưỡng.

"Việc sáp nhập các Công ty XSKT theo tỉnh, thành mới còn phát sinh tỉnh được nhiều, tỉnh ít. Chẳng hạn như thứ tư hằng tuần, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ mở thưởng. Khi Sóc Trăng hợp nhất vào Cần Thơ, sẽ mất một kỳ phát hành.

Còn TP.HCM, hiện mở thưởng 2 kỳ/tuần, sau khi hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, chẳng lẽ phát hành 4 kỳ/tuần. Việc giữ nguyên, vừa đáp ứng đủ nguồn cung cho nhu cầu, vừa đảm bảo thu ngân sách, vừa khai thác hiệu quả hạ tầng, sở vật chất hiện có của các Công ty XSKT, nhất là không ảnh hưởng đến cuộc sống của người bán vé số dạo", ông Tâm phân tích.

Ngày mai (24-4) sẽ bàn bạc việc phát hành vé khi sáp nhập tỉnh

Một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang cho biết hiện chưa có thông tin hướng dẫn từ Bộ Tài chính về việc phát hành XSKT sau khi sáp nhập tỉnh, thành.

Tuy nhiên ngày mai 24-4 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sẽ có hội nghị XSKT khu vực miền Nam lần thứ 137, chắc chắn sẽ có bàn thảo, trao đổi về việc này.

Hoa hồng của người bán vé số dạo bao nhiêu là phù hợp? - Ảnh 2.Sau sáp nhập, xổ số kiến thiết các tỉnh cần phải hợp nhất hay giữ như hiện nay?

Sau khi hợp nhất tỉnh, xổ số kiến thiết các tỉnh ở khu vực miền Nam sẽ hoạt động như thế nào, cũng hợp nhất theo đơn vị hành chính mới hay được giữ nguyên số kỳ phát hành mở thưởng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên