04/04/2025 13:48 GMT+7

Ho lâu ngày cần cảnh giác bệnh nấm phổi nguy cơ tử vong cao

Nấm phổi được coi là "kẻ giết người giấu mặt", khó phát hiện đối với cả người bệnh và nhân viên y tế. Đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao.

nấm phổi - Ảnh 1.

Khám cho người bệnh nấm phổi - Ảnh: BVCC

Việt Nam được ước tính có khoảng 55.000 người mắc nấm phổi, nhưng mới chỉ có dưới 5.000 người được tầm soát phát hiện.

Ho lâu ngày không tìm ra bệnh, xét nghiệm bất ngờ nấm phổi đe dọa tính mạng

Người bệnh L.V.T. (57 tuổi, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) nhập viện tại khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ gần đây trong tình trạng sốt cao, ho, tức ngực, biếng ăn, cơ thể suy nhược gầy yếu.

Được biết, khoảng 1 tháng trước, người bệnh bị ho, sốt, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân, các phương pháp điều trị đều không hiệu quả. Tình trạng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.

Kết quả thăm khám, chụp cắt lớp, nội soi khí phế quản lấy dịch làm xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với nấm.

Người bệnh được chỉ định dùng thuốc điều trị nấm. Sau một tuần điều trị, tình trạng đã cải thiện rõ rệt: hết sốt, đỡ ho, cơ thể đỡ mệt mỏi, bắt đầu ăn uống được. Hiện tại người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị nấm trong vòng 6 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lý, trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết nấm phổi là bệnh lý nguy hiểm. Thống kê cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh nấm phổi chỉ chiếm khoảng 0,02% các bệnh lý về phổi nhưng nguy cơ tử vong do bệnh có thể lên tới 70% nếu không được điều trị kịp thời.

Một số chủng nấm được xem là tác nhân chính gây ra bệnh nấm phổi là: Candida, Aspergillus, Cryptococcus. Ở mỗi thể bệnh lại xuất hiện các triệu chứng khác nhau nhưng hầu hết đều có đặc điểm như sau: sốt; ho khạc đờm kéo dài; có thể ho ra máu; đau tức ngực; gầy yếu, sút cân...

Các triệu chứng trên đều dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm phổi khác. Vì vậy, cách duy nhất để chẩn đoán chính xác là đi khám để được làm các xét nghiệm và cận lâm sàng chuyên sâu cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngọc, trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết bệnh phổi do nấm Aspergillus gây ra 3 nhóm bệnh: nấm phổi xâm lấn, nấm phổi mạn tính và dị ứng phế quản phổi do nấm.

Trên thế giới, tỉ lệ sống của bệnh nhân sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Tỉ lệ mắc nấm phổi mạn tính ở bệnh nhân lao mới là 14% và lao đã điều trị 56%. Rất nhiều quốc gia không đủ nguồn lực để chẩn đoán và điều trị.

"Nấm phổi là bệnh diễn biến rất nhanh, khó chẩn đoán. Có những trường hợp khi chẩn đoán ra bệnh thì bệnh nhân đã tử vong", tiến sĩ Ngọc cho hay. Chẩn đoán và điều trị nấm Aspergillus là thách thức cho các y bác sĩ trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

nấm phổi - Ảnh 2.

Nấm mốc trong nhà cũng là nguồn cơn gây nhiều bệnh lý, trong đó có cả nấm phổi - Ảnh minh họa

90% người mắc nấm phổi chưa được phát hiện

Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết nấm phổi được coi là "kẻ giết người giấu mặt". 

Mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người tử vong do các bệnh nấm và gây ra bệnh lâu dài cho hàng trăm triệu người. Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh nấm mạn tính đứng thứ 5 trên thế giới với khoảng 15.000 ca nấm phổi xâm lấn mỗi năm, nấm phổi mãn tính do Aspergillus có khoảng 55.000 trường hợp.

Tỉ lệ tử vong do mắc nấm phổi xâm lấn rất cao, dao động 30-70%, đặc biệt nếu không được điều trị 100% bệnh nhân sẽ tử vong. Nấm phổi mãn tính do Aspergillus nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sau 5 năm tỉ lệ tử vong xấp xỉ 50%.

Khoảng 50% người đã từng mắc bệnh lao đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp đều mắc nấm phổi do Aspergillus. Đáng báo động hơn, 90% người nhiễm nấm phổi còn ngoài cộng đồng, nếu không được tầm soát và phát hiện sớm để điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh nặng và tử vong rất cao.

Theo tiến sĩ Lượng, nấm mốc tồn tại phổ biến ở ngoài môi trường, nhưng thường gây bệnh ở người có hệ miễn dịch suy giảm, hoặc có bệnh lý nền là bệnh phổi.

Bệnh nấm phổi hay gặp nhất là do nấm Aspergillus. Aspergillosis là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm mốc rất phổ biến và có mặt ở trong nhà và ngoài môi trường.

Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí nhưng loại nấm này chỉ ảnh hưởng đến những người người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư máu, ung thư các cơ quan khác, sau cấy ghép tạng hoặc điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày. 

Loại nấm này có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi, chẳng hạn như những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi...

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc nấm Aspergillus mà nhân viên y tế có thể nghĩ tới là người bệnh COPD nhập viện nhưng không đáp ứng với điều trị kháng sinh, bệnh nhân có chẩn đoán lao phổi có hang, hay đã điều trị nhiễm khuẩn phổi tái đi tái lại, hay người mắc hen….

Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngọc cũng cảnh báo, với những bệnh nhân COPD, bệnh nhân nằm hồi sức tích cực điều trị lâu ngày mà không có chuyển biến, người bệnh ung thư đang truyền hóa chất, hoặc đã từng mắc lao, từng phẫu thuật phổi... mà bị ho ra máu nhưng không có vi khuẩn lao trong đờm, nhân viên y tế cần nghĩ đến khả năng bệnh nhân có thể nhiễm nấm Aspergillus.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán nhiễm nấm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhiều xét nghiệm chẩn đoán nấm không nhạy, không đặc hiệu, nhiều xét nghiệm không có sẵn ở nhiều nơi trên thế giới.

Những trường hợp được phát hiện và điều trị sớm có thể điều trị khỏi bằng các thuốc kháng nấm. Một phần lớn các trường hợp chẩn đoán và điều trị muộn cần phải phẫu thuật, nút mạch cầm máu...

Phòng bệnh thế nào?

Để phòng bệnh nấm phổi, cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn nhiều rau trái tươi, nâng cao sức đề kháng. Tránh để nấm mốc trong nhà, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, đủ ánh nắng, thông gió tránh ẩm ướt. Khi vệ sinh nhà cửa cần mang khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm.

Những người có hệ miễn dịch suy giảm, người có nguy cơ cao nhiễm nấm Aspergillus không nên đến những nơi tập trung đông người, nếu bắt buộc phải đi tới những địa điểm có nguy cơ với sức khỏe, người bệnh cần đeo khẩu trang để phòng nhiễm nấm Aspergillus.

Ho lâu ngày cần cảnh giác bệnh nấm phổi nguy cơ tử vong cao - Ảnh 3.Loại nấm mốc phổ biến gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm

Nấm Aspergillus là loại nấm mốc phổ biến gây nấm phổi, tồn tại cả trong nhà và ngoài trời. Mỗi lần hít thở, con người đưa vào cơ thể 1-10 bào tử nấm mà không hay biết. Ước tính mỗi năm bệnh nấm gây ra cái chết cho hơn 4 triệu người trên toàn cầu.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên