24/08/2017 15:25 GMT+7

Họ bỏ việc và quẩy ba lô lên đường, vì sao vậy?

PHƯƠNG LÂM
PHƯƠNG LÂM

TTO - Bỏ việc tốt để đi du lịch, thậm chí biến du lịch thành nghề kiếm sống? Nghe có vẻ hoang đường, nhưng thực tế đây lại là một xu hướng đang được nhiều bạn trẻ trên thế giới lựa chọn.

Jessica Yurasek: Du lịch sẽ khiến bạn cảm thấy được sống thật sự - Ảnh: Medium.com

Là giám đốc chiến lược mạng xã hội của một công ty, Jessica Yurasek đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia trải đều ở cả 6 lục địa. Nhưng mới đây cô đã quyết định nghỉ việc để tập trung viết blog cá nhân về du lịch và truyền cảm hứng.

Không thiếu người cho rằng quyết định của cô là điên rồ, nhưng hãy nghe Jessica lý giải: “Tôi đã 31 tuổi. Tôi thấu hiểu vì sao người xưa nói hãy đi khi còn trẻ, vì khi già rồi, bạn sẽ chẳng còn cơ hội”.

“Tôi muốn nói đến những chuyến đi dài ngày, ngẫu hứng và đột xuất, khi bạn đã từ bỏ gần như tất cả mọi thứ phía sau, từ mái nhà yên ổn cho đến công việc lương cao. Bạn phải học cách sống với một ngân sách eo hẹp, lăn lộn với từng nơi bạn đến để thực sự hiểu về cuộc sống nơi đó”, Jessica tâm sự.

Jessica Yurasek: Bạn sẽ phải rũ bỏ lịch sinh hoạt buồn tẻ - Ảnh: The Pursuit Zone

Kiểu du lịch bụi mà Jessica nói đến không phải phượt thì là gì. Đi phượt có lẽ là dễ thực hiện khi bạn còn là sinh viên, hay vừa mới tốt nghiệp. Chỉ việc xách ba lô lên là đi.

Nhưng theo thời gian, nó lại trở thành một món hàng hiệu đắt đỏ mà bạn chỉ biết ngưỡng mộ chứ chẳng dám mua.

Làm sao mà từ bỏ được gia đình, công việc để lên đường? Còn một mớ hóa đơn phải thanh toán kia kìa, nào bảo hiểm, tiền mua ôtô, nào sinh hoạt phí, quỹ hưu, đóng thuế...

Vậy mà Jessica vẫn hạ quyết tâm: “Du lịch sẽ khiến bạn cảm thấy được sống thật sự, tìm lại nguồn cảm hứng và sự sáng tạo tưởng như đã mất”.

Nói cách khác, với nhiều người, đi phượt là cách để xây nên một cuộc sống mới.

“Nó thách thức những kiến thức quen thuộc, giết chết những thói quen xưa cũ. Bạn sẽ phải rũ bỏ lịch sinh hoạt buồn tẻ, học cách ứng phó với mọi bất ngờ phát sinh, kể cả việc phải thức trắng 24 giờ ngoài đường mà không biết mình sẽ nghỉ ở đâu...”, Jessica phân tích.

Và cô không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều người cũng lựa chọn đi để “nhìn rõ mình là ai và muốn gì”.

Matt Kepnes: Mọi người quá lo lắng về ngày mai, tới mức quên cả việc phải sống cho hôm nay - Ảnh: NomadicMatt.com

Sau khi tốt nghiệp đại học, Matt Kepnes đi làm hành chính cho một bệnh viện ở Boston, lương 35.000 USD/năm. Anh cũng theo học một khóa MBA. Nhưng một chuyến đi đến Thái Lan đã thay đổi tất cả.

Tại Chiang Mai, Kepnes gặp một nhóm “du khách chuyên nghiệp” - chỉ có đi và đi. “Tôi thích lối sống của họ, đi khắp nơi, gặp toàn người thú vị, làm những việc hay ho, hoàn toàn đối lập với công việc nhàm chán mà tôi đang làm”, Kepnes kể.

Thế là sau khi trở về từ kỳ nghỉ, Kepnes vạch ra một kế hoạch chi tiết. Mất một năm rưỡi sau, anh hoàn tất khóa học MBA, làm việc thêm giờ và về sống chung với bố mẹ để “bỏ ống” 30.000 USD.

Số tiền này là để “ủ mưu” cho chuyến đi phượt 18 tháng vòng quanh thế giới: 20.000 USD dùng để chi trả cho các chuyến đi, 10.000 USD để sống tiếp khi trở về nhà và tìm việc làm mới.

Kepnes đi xuyên nước Mỹ trong 2 tháng, dành 3 tháng tiếp theo cho châu Âu, 1 năm khám phá châu Á và 3 tháng lang thang ở Úc. Đặc biệt, anh dành 7 tháng tại Bangkok dạy tiếng Anh cho một trung tâm bản địa để kiếm thêm tiền, sau khi đã xài hết nhẵn 20.000 USD.

Matt Kepnes kể về cuộc gặp với những chú voi đáng yêu ở Thái Lan - Clip: Youtube

Trở về nhà năm 2008, Kepnes hiểu rằng anh sẽ không bao giờ có thể quay về cuộc sống cũ. Đó là khi Kepnes mở trang blog cá nhân có tên Nomadic Matt để viết về du lịch - có một công việc mà vẫn được đi du lịch.

Nhờ thời điểm thuận lợi, kỹ thuật SEO tốt cùng một số bài đăng đạt hiệu ứng lan tỏa cao, trang blog này trở nên nổi tiếng sau hơn 1 năm, kiếm được cho Kepnes 50.000 - 60.000 USD/năm.

Không những chuyển sang làm chính thức cho Nomadic Matt, anh còn mở các khóa học truyền thông và chấp bút cho cuốn sách best-seller (theo ghi nhận trên New York Times) “Làm cách nào để du lịch thế giới với 50 USD/ngày?”.

Tất nhiên, Kepnes vẫn đi du lịch đều, lặn ở Fiji, xuyên rừng châu Phi... Tính đến thời điểm này, anh đã đặt chân tới hơn 90 quốc gia và lãnh thổ.

Ở tuổi 36, Kepnes khẳng định bỏ việc đi du lịch là quyết định đúng đắn nhất đời mình. “Mọi người quá lo lắng về ngày mai, tới mức quên cả việc phải sống cho hôm nay”, Kepnes nói.

Bạn đọc Tuổi Trẻ có thể vẫn còn nhớ Matt Kepnes với bài viết "dậy sóng" năm 2012 với tựa đề Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?

Bạn thì sao? Dám bỏ lại tất cả những ràng buộc của cuộc sống hằng ngày để đi tìm bản thân mình ở những miền đất xa xôi chứ?

Xin hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ bằng cách bình luận ở cuối bài hoặc gửi mail về [email protected]

PHƯƠNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên