![]() |
Thanh niên công nhân Công ty may Bến Thành đang học lớp 7 phổ cập |
Cửa đã mở
Tan ca, họ lại í ới gọi nhau vội vã rời công ty để đến với lớp học bổ túc ban đêm. Từ vài năm nay, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Củ Chi đã trở thành điểm hẹn thân thiết của nhiều công nhân trẻ đang làm việc tại Công ty may mặc Quảng Việt (thuộc Tập đoàn Nike, 100% vốn đầu tư của Đài Loan).
Cứ thế, từ 17g30 - 21g30 các tối trong tuần (trừ thứ bảy và chủ nhật), 86 công nhân (ba lớp 10, 11, 12) của Quảng Việt lại cần mẫn với những con tính, câu văn...
Thu Nga, đã làm tại đây hơn ba năm, kể: “Mỗi chiều trong giỏ lại có ổ bánh mì, tranh thủ ăn trước giờ vào lớp. Nhiều khi ăn không kịp... nhai, mệt nhưng bỏ thì tiếc lắm”. Nguyễn Thị Hợi (Nam Định), lớp trưởng lớp 12 bổ túc, từng nghĩ: “Công nhân học chi cho cao”, rồi nghĩ lại: “Phải học để hiểu biết nhiều hơn, tốt cho mình rồi đóng góp chút ít cho xã hội”.
Ngoài tiền học, sách vở và các khoản đóng góp khác, công ty còn bồi dưỡng mỗi công nhân thêm 3.000 đồng tiền ăn tối, điểm danh, theo dõi việc học hành của số công nhân này. Mỗi năm, tổng kinh phí chi cho công nhân đi học bổ túc trên 100 triệu đồng, Quảng Việt chi 50% và Tập đoàn Nike 50% nên cũng nhẹ gánh phần nào - chị Nguyễn Thị Nguyệt, phụ trách bộ phận nhân sự của Quảng Việt, cho biết.
Năm 2002 Công ty may Bến Thành mở hai lớp phổ cập trình độ lớp 6 và lớp 10 với con số dao động trên dưới 70 học viên. Các học viên đến lớp được cấp sách, vở và hoàn toàn miễn học phí. Thậm chí vào những giờ tăng ca, công nhân nào đi học sẽ được nghỉ, được ăn cơm chiều rồi mới vào lớp! Đây là “công trình” của công đoàn và Đoàn thanh niên công ty với tham vọng làm người bạn đưa công nhân vào việc học.
Cũng được tạo điều kiện đưa lớp học về tận nhà máy, xí nghiệp, từ năm 1998 đến nay đã có hơn 100 công nhân thuộc các đơn vị của cảng Sài Gòn tốt nghiệp cấp III từ những lớp học do công đoàn phối hợp với Đoàn thanh niên cảng tổ chức. Học viên tham gia lớp học được công đoàn hỗ trợ 80% học phí, còn 20% học phí học viên phải đóng để thể hiện trách nhiệm đến lớp của công nhân.
Không chỉ dừng lại ở trình độ THPT, nhiều công nhân từ những lớp phổ cập đó đã đến với giảng đường ĐH, trong đó có những công nhân bốc xếp cũng đang là SV năm 3 ĐH Giao thông vận tải TP.HCM…
Nhưng còn 1.001 lý do gập ghềnh
Nếu đem con số 86 người đi học so với gần 4.000 công nhân đang làm việc tại Quảng Việt thì con số ấy thật quá khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng hơn 2%). Chưa kể đến số công nhân đang theo học nhưng do áp lực của việc kiếm tiền đành phải bỏ dở nửa chừng.
Lý do: “Bỏ học khá lâu rồi, chẳng còn nhớ gì nên cũng ngại”, “Đi học không kiếm được tiền tăng ca” của Nga (Thanh Hóa), Liên (Tây Ninh), Hà (Nam Định)… không hiếm. Các cán bộ Đoàn đã nhiều lần… cà lăm khi vận động công nhân đi học, nhiều bạn thẳng thừng hỏi: “Làm công nhân thì học cao để làm gì”, “Có được tăng lương không”, “Có được sắp xếp công tác tốt hơn không?”...
Vòng xoay cơm áo gạo tiền, gánh nặng của việc kiếm sống cứ mãi đè nặng trên đôi vai thì trách sao nhiều người không còn tha thiết với việc học.
Một ngày của “học sinh” công nhân: 7g45-17g đi làm, 17g30-21g30 đi học, về đến nhà là lăn ra ngủ, không còn sức để ôn bài, theo lớp. Do vậy, nhiều lớp ở các công ty sau vài năm duy trì, sĩ số học viên cứ giảm dần đến nỗi... xóa sổ luôn lớp học.
Trương Thị Thanh Phương (Tiền Giang) đành chấp nhận dở dang chương trình lớp 11 chỉ vì “công ty chuyển từ quận 5 về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, muốn đi học phải đạp xe gần chục cây số, tan ca không kịp giờ đến trường. Không biết đến bao giờ mới mở lớp ở gần đây để đi học lại”.
Cũng vì lớp không đến với công nhân nên nhiều bạn cùng Xí nghiệp may Cholimex của Phương đang là học viên của chương trình phổ cập do xí nghiệp tổ chức, nay về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đành phải gián đoạn chuyện học!
Bên cạnh đó, không phải công ty nào cũng có ý thức muốn đem lớp học về công ty mình. Một trường phổ cập mới thành lập cho biết sau hơn một năm “quảng cáo rầm rộ, liên lạc thường xuyên” đến hơn 100 công ty, doanh nghiệp (trong đó có những công ty nổi tiếng là ăn nên làm ra, công nhân có thu nhập ổn định, có cả công ty 100% vốn nhà nước...), hơn 10.000 tờ bướm phát ra nhưng chỉ có... một công ty nhận lời mở lớp tại đơn vị (với tổng số gần 30 học viên).
Các doanh nghiệp thường tìm kế hoãn binh: để xem tình hình sắp tới như thế nào đã, ban giám đốc đi công tác nước ngoài nên chưa quyết được, lượng công nhân chưa ổn định… Có trường trước đây nổi đình nổi đám với những lớp học trong công xưởng nay phải ngậm ngùi xót xa vì “năm nay không mở được một lớp nào”.
Cô Đàm Thị Tâm - hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa Thành đoàn - tâm tư: “Doanh nghiệp chú trọng lợi nhuận là việc bình thường. Nhưng về phía quản lý, Nhà nước cần có những chủ trương cụ thể để ràng buộc doanh nghiệp tái đầu tư chất xám, nâng cao trình độ cho thanh niên công nhân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận