18/03/2018 08:34 GMT+7

Hãy là tấm gương sống tử tế cho người trẻ

Độc giả NGUYỄN THÀNH GIANG
Độc giả NGUYỄN THÀNH GIANG

TTO - Người trẻ sẽ học được gì khi nhìn thấy ba mẹ, ông bà, người lớn hành xử bạo lực, chưa văn minh, lịch sự? Một thế hệ ích kỷ, hẹp hòi... có phải từ đó mà ra?

Hãy là tấm gương sống tử tế cho người trẻ - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên lớn, nhỏ cùng nhau tổ chức sinh nhật 10 năm chương trinh Ước mơ của Thúy - chương trình tình nguyện vì các bệnh nhân ung thư do báo Tuổi Trẻ tổ chức - ẢNH: UYÊN TRINH

Sau khi đọc bài "Chưa va quẹt xe đã 'choảng' nhau mẻ đầu sứt trán" đăng trên Tuổi Trẻ Online, tôi xin được kể câu chuyện mà mình vừa trải qua cách đây không lâu, cũng về va chạm giao thông.

Sau Tết Mậu Tuất, tôi đi công việc ra thị trấn Nam Phước - Duy Xuyên (Quảng Nam).

Đến chỗ quay đầu xe trên đường quốc lộ, tôi đứng đợi giữa hai làn đường để qua đường như mọi người.

Bất chợt, từ phía sau, một chiếc xe ôtô tông thẳng vào đuôi xe, hất tôi gần ngã xuống đất. Xe máy cũng ngã đổ.

Tôi quay lại nhìn thì thấy trên chiếc ô tô mới toanh màu trắng là hai người tầm trên 50 tuổi. Người cầm lái tóc đã lơ phơ bạc.

Tôi chưa kịp dựng xe dậy thì người cầm lái ôtô từ trong xe đã trừng mắt, chỉ thẳng tay vào mặt tôi và nói gì đó tôi nghe không rõ, đồng thời cũng bóp còi inh ỏi.

Không muốn mọi người tham gia giao thông phải chờ vì va chạm của mình, tôi dựng xe, né qua bên để chiếc xe ôtô kia vượt lên.

Vừa vượt qua, tài xế cho xe chạy như bay. Vài người đi đường nhìn, tỏ vẻ khó chịu vì cách hành xử thiếu lịch sự.

Tôi tin rằng nếu tình huống trên là một cậu thanh niên bốc đồng, đã uống vài ly bia, chắc chắn sẽ có lời qua tiếng lại, thậm chí xô xát xảy ra.

Đôi khi, cả hai bên sẽ không kiểm soát được khi sự nóng giận lên đến đỉnh điểm. Mà nói thật, rất ít người có thể kiềm chế cảm xúc như vậy.

Hiện nay, không ít những ý kiến trên báo chí, trên mạng xã hội đề cập đến lối sống lệch chuẩn, thiếu chín chắn, thậm chí thiếu đạo đức của một bộ phận giới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, và cũng có nhiều giải pháp thiết thực được những người có tâm huyết, có trách nhiệm đề cập đến.

Rriêng tôi vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất để xây dựng lối sống đẹp, sống tử tế của giới trẻ chính là cách sống đúng chuẩn mực của người lớn tuổi, từ trong gia đình, trường học, cơ quan cho đến ngoài xã hội.

Tôi đã thử nghĩ, những người lớn với cách hành xử như vậy thì con cháu họ nếu có nhìn thấy sẽ học theo những gì?

Lối sống của người trẻ phụ thuộc rất lớn vào cách ứng xử, giáo dục của những người trưởng thành trong gia đình, nhà trường, những mối quan hệ gần gũi

Độc giả Nguyễn Thành Giang

Sẵn sàng thách thức người yếu thế và gây hấn. Không bình tĩnh, nhường nhịn, sẻ chia..., có phải vì thế mà một thế hệ ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ nhen... ra đời?

Cách sống chuẩn mực biểu hiện từ những cảm xúc nhỏ nhất, cho đến những hành vi trong lúc vui hay cả lúc gặp mâu thuẫn không như ý.

Một ông bố hay bà mẹ luôn hành xử ích kỷ, thiếu đạo đức thì không thể nào giáo dục được những đứa con thành người sống tử tế.

Một ngôi trường mà những giáo viên không coi trọng đạo đức, cách sống cá nhân thì tất yếu học trò sẽ hư nhiều hơn nên.

Nói đến điều này mới thấy mình may mắn. Từ nhỏ, ba mẹ, thầy cô tôi đã dạy những điều lành không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính cách sống tử tế của họ.

Đó là xin lỗi khi làm sai, cảm ơn khi mang ơn. Đó là sự sẻ chia, cưu mang với những người khốn khó hơn mình.

Đó là sự chan hòa, bình đẳng, vị tha trong một cuộc sống mà không phải lúc nào cũng như ý mình được.

Tôi tin rằng, nếu người trẻ nào cũng có được môi trường giáo dục với những đi trước biết ứng xử hài hòa, văn minh, thì sẽ có rất điều kiện để trưởng thành và có lối sống đẹp.

Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống tử tế theo góc nhìn của chính bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].

Độc giả NGUYỄN THÀNH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên