12/08/2012 07:30 GMT+7

Háo hức đón mưa sao băng

Q.KHẢI
Q.KHẢI

TT - Trận mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) diễn ra tối nay và rạng sáng mai được xem là trận mưa sao băng đẹp nhất của năm với sự xuất hiện của nhiều sao băng rất sáng, còn gọi là fireball.

DliFoZsR.jpgPhóng to
Các bạn trẻ trong CLB Thiên văn nghiệp dư Hà Nội chuẩn bị từ chiều 11-8 để đón xem mưa sao băng - Ảnh: Ngọc Khánh
Xem video

15-20 trận mưa sao băng/năm

Tiến sĩ về vật lý vũ trụ Phan Bảo Ngọc, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cho biết mưa sao băng là hiện tượng xảy ra khi có những vật thể ngoài không gian như mảnh vụn của các hành tinh, thiên thạch, sao chổi đi vào Trái đất. Vì di chuyển với tốc độ cao, ma sát lớn nên khi vào bầu khí quyển sẽ bốc cháy tạo nên các vệt sáng trên bầu trời. Mưa sao băng thường xảy ra theo chu kỳ. Tuy nhiên, sao băng cũng xảy ra hằng ngày bởi trong vũ trụ có rất nhiều vật thể, thiên thạch nhỏ lạc vào khí quyển.

Theo các nhà khoa học, hằng năm có khoảng 15-20 trận mưa sao băng lớn. Trong đó, Perseids là một trong ba trận mưa đẹp và ấn tượng nhất. Mưa sao băng Perseids đã được ghi nhận từ khoảng năm 36, cách đây gần 2.000 năm. Trong khoảng năm 1865 người ta đã biết được nguồn gốc của trận mưa sao băng này là đám mây đá bụi và những mảnh vỡ để lại từ sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle (S-T) (được phát hiện năm 1862) trải dài trên quỹ đạo mỗi năm của nó quanh Hệ Mặt trời.

Hằng năm có thể quan sát được các sao băng trong trận mưa sao băng này từ ngày 17-7 đến 24-8 khi đám mây đá bụi cắt ngang quỹ đạo của Trái đất. Các sao băng thường xuất hiện từ phía chòm sao Perseus (Anh Tiên) và tỏa đi nhiều hướng. Mật độ sao băng quan sát được tăng dần xung quanh ngày cực điểm khoảng 12-8 mỗi năm.

Theo dự báo của Tổ chức Sao băng quốc tế, mưa sao băng Perseids năm nay sẽ đạt đỉnh điểm khoảng 19g-21g30 ngày 12-8 (giờ VN). Nhiều khu vực ở VN có thể quan sát sự kiện kỳ thú của vũ trụ này. Khi mưa sao băng Perseids đạt đỉnh điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng, tần suất sao băng quan sát được có thể lên đến hơn 100 sao băng/giờ. Bên cạnh đó, Perseids còn là trận mưa sao băng đánh dấu khởi đầu chuỗi các trận mưa sao băng lớn thuận lợi cho những người muốn quan sát ở VN gồm: Perseids - Leonids - Orionids - Geminids.

Chộn rộn

Chính sự đặc biệt của sự kiện thiên nhiên này nên từ nhiều tháng trước, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thiên văn nghiệp dư TP.HCM đã tỏ ra rất hào hứng chờ đón sự kiện sắp diễn ra. Trên diễn đàn của CLB tại địa chỉ thienvanhoc.org, nhiều bài viết, bình luận, thông tin cập nhật về trận mưa sao băng tháng 8 đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các thành viên. Nhiều thành viên còn đề nghị CLB mở hội trại chiêm ngưỡng mưa sao băng hoành tráng tại TP.HCM. Tuy nhiên, anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB - cho biết đề nghị này không thành hiện thực do những lo ngại thời tiết xấu. Cuối cùng, CLB chỉ tổ chức một nhóm nhỏ đi xem mưa sao băng tại Q.7 từ tối 11-8.

Trong khi đó, bạn Nhật Hạ - một thành viên kỳ cựu của CLB - đã mạnh dạn tổ chức một nhóm nhỏ “đánh lẻ” ra Phan Thiết ngắm mưa sao băng. Hạ cho biết ở TP.HCM có nhiều mây sợ không ngắm rõ được mưa sao băng nên “sẵn dịp cuối tuần, nhóm nhỏ tụi mình quyết tâm đi “du lịch bụi” ra Phan Thiết để ngắm cho thỏa thích”.

Trái với TP.HCM, thời tiết tại Hà Nội được dự báo là khá ưu ái cho những người yêu thiên văn. Nhờ vậy, CLB Thiên văn trẻ nghiệp dư Hà Nội đã mạnh dạn tổ chức hẳn một hội trại hoành tráng cho các thành viên ngay dịp mưa sao băng. Bạn Ngọc Khánh, chủ nhiệm CLB, hồ hởi: hội trại năm nay thu hút nhiều thành viên tham dự hơn hẳn năm ngoái. Gần 90 thành viên gồm học sinh, sinh viên, phụ huynh tham gia hội trại 2012, trong khi năm 2011 chỉ có 20 người. Thành viên nhỏ tuổi nhất mới chỉ học lớp 8, thành viên lớn tuổi nhất là 50 tuổi. Tất cả đều có chung niềm yêu thích thiên văn học.

“Thời tiết hiện đang theo chiều hướng thuận lợi, mây đang giảm đi rất nhiều, hi vọng các thành viên CLB sẽ có một buổi tối ngắm mưa sao băng rực rỡ nhất” - Khánh nói. Ngoài ngắm mưa sao băng, các thành viên dự hội trại còn được chiêm ngưỡng các hành tinh, ngôi sao, tinh vân, dải Ngân hà qua những kính thiên văn tự chế cũng như tham gia trao đổi và trải nghiệm về các kiến thức, hiện tượng thiên văn, về các hành tinh, sao băng...

Tương tự Hà Nội, các bạn trẻ yêu thiên văn tại Đà Nẵng cũng có cơ hội ngắm mưa sao băng rõ ràng nhờ thời tiết quang mây liên tục những ngày gần đây. Anh Thanh Hiền, chủ nhiệm CLB Thiên văn trẻ Bách Khoa, cho biết: “Chúng tôi sẽ tổ chức tiệc thiên văn từ 17g ngày 12-8 đến 7g sáng hôm sau. CLB dự tính sẽ có khoảng 50 thành viên tham gia, chủ yếu là sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Hiện CLB đã chuẩn bị sẵn lều, bạt, chuẩn bị lửa trại và các trò chơi cho đêm hội này”.

Không như... pháo hoa

Ông Đặng Tuấn Duy cho biết trận mưa sao băng này có thể quan sát bằng mắt thường bởi các sao băng di chuyển rất nhanh với vận tốc vài chục kilômet/giây nên khó quan sát bằng kính thiên văn hay ống nhòm. Tại VN, thời điểm quan sát tốt nhất là đêm 12 rạng sáng 13-8 khi chòm sao Perseus xuất hiện từ chân trời phía đông bắc. Để tầm mắt bao quát cả vùng trời phía đông bắc lên đến đỉnh đầu có thể bắt gặp các sao băng nhiều nhất. Cả những ngày lân cận cực điểm, khi chòm Perseus đã lên cao cũng có thể quan sát rất rõ với điều kiện thời tiết thuận lợi. Ông Duy khẳng định chúng ta có thể quan sát mưa sao băng ở mọi nơi nhưng trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường.

Thời tiết thuận lợi

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện Nam bộ đang ở giai đoạn ít mưa, dân gian hay gọi là hạn bà chằn. Do đó thời tiết trong những ngày tới không có mưa, đặc biệt vào đêm 12 rạng sáng 13-8 trời trong, tương đối quang mây thuận lợi cho việc quan sát mưa sao băng.

Tuy nhiên, xen lẫn với sự hào hứng, không ít người cũng tỏ ra lo ngại tình hình thời tiết xấu có thể cản trở việc quan sát. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm CLB Thiên văn học trẻ VN, cho biết năm ngoái và năm kia tại VN đều không quan sát được mưa sao băng Perseids vì thời tiết xấu, nhiều mây và trăng sáng. Năm nay có thể tốt hơn vì thời điểm cực đại của mưa sao băng rơi vào cuối tháng âm lịch nên trăng muộn và trời tối, không cản trở đáng kể việc quan sát. Cũng theo ông Sơn, tại Hà Nội, đến ngày 11-8 trời đã trong và nắng tốt nên hi vọng có thể quan sát được mưa sao băng vào đêm 12-8.

Bên cạnh thời tiết, rất nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng làm hạn chế khả năng ngắm mưa sao băng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Không ít người từng thất vọng khi không thể quan sát các trận mưa sao băng trước đây. Ông Đặng Tuấn Duy chia sẻ: “Ánh sáng của trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc quan sát các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng, chúng ta có thể thấy được số lượng sao băng hơn rất nhiều lần so với quan sát ở thành phố”.

Do vậy, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn bổ sung nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. Những người mới xem mưa sao băng lần đầu phải kiên nhẫn vì thực tế không như các hình ảnh trên mạng. Mưa sao băng không giống như pháo hoa hay một cơn mưa sao mà chỉ là những vệt sáng vụt qua trên bầu trời trong một vài giây nếu ở đỉnh điểm các trận lớn như Perseids, còn lại thì có khi những vệt sáng này cách nhau đến vài phút. Người quan sát cần chọn tư thế nằm hoặc ngả lưng trên ghế dài để đỡ mỏi khi chờ xem mưa sao băng.

Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên