Đình Tân Kiểng xưa, nơi diễn ra trận đánh cọp của hai vị sư Sài Gòn mùa xuân 1770 |
Từ chuyện người Sài Gòn đánh cọp...
Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn) viết: "Mùa xuân năm Canh Dần 1770 đời vua Duệ Tông có con cọp dữ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Kiểng, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp".
Dân gian truyền nhau cụ thể hơn nhiều. Người ta kể rằng vào ngày 25 tháng Giêng năm Canh Dần (1770), đời Duệ Tông (tức chúa Nguyễn Phúc Thuần), có con cọp dữ vào nhà dân ở phía nam chợ Tân Kiểng.
Con cọp gầm rống rất dữ, hại ba mạng người khiến dân quanh vùng đều hoảng sợ, báo quan quân để vây bắt ác thú.
Tuy nhiên, sau khi phải triệt hạ nhiều nhà cửa, làm nhiều lớp hàng rào bao quanh, quan quân địa phương vẫn chưa hạ được cọp dữ.
Qua ngày thứ ba, có nhà sư là trẻ Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng tu ở ngôi chùa ở bìa làng đã xin vào đánh cọp. Hồng Ân cùng cọp quần thảo một hồi. Cọp bị côn đánh rát quá, nhảy núp vào lùm tre.
Hồng Ân đuổi nà theo, cọp bị dồn ngặt nên cự trở lại với Hồng Ân. Hồng Ân lui chân té xuống mương nhỏ, bị cọp tát thọ thương.
Trí Năng tiếp tay đánh trúng đầu, cọp chết dưới làn côn, nhưng Hồng Ân bị thương nặng nên cũng mất liền khi ấy.
Người ở chợ Tân Kiểng cảm nghĩa đem xác Hồng Ân chôn tại chỗ đấy rồi xây tháp.
Tháp của nhà sư nay đã không còn, chỉ còn lại bài vị "Cậu Ân" (tức Hồng Ân) được thờ trong đình Tân Kiểng (hiện ở số 718 Trần Hưng Đạo, Q. 5, TP.HCM).
Cổng đình Tân Kiểng hiện nay (718 Trần Hưng Đạo, Q. 5, TP.HCM) thờ sư Hồng Ân đánh cọp mùa xuân 1770 - Ảnh tư liệu |
Người dân vùng Tân Kiểng còn cho biết thêm rằng, theo lời kể của sư Trí Năng thì võ thuật của hai nhà sư đánh cọp là võ Việt.
Người Sài Gòn đã từng kế thừa võ Việt xuất sắc.
Võ Việt khác võ Trung Hoa
Võ Việt do người Việt Nam sáng tạo và bổ sung để ngày càng hoàn chỉnh hơn. Thời nhà Trần đã mở Giảng Võ Đường để luyện tập võ kinh sẵn sàng bảo vệ đất nước mà nay là khu Giảng Võ ở Hà Nội.
Tranh vẽ quan võ triều Nguyễn - Ảnh tư liệu |
Võ quan triều Nguyễn - Ảnh tư liệu |
Các triều Lê, Nguyễn đều có tổ chức định kỳ các cuộc thi võ để tuyển lựa nhân tài võ lâm và võ gia truyền trong thiên hạ ra giúp nước mà chính sử đều đề cập.
Cho đến năm 1934, trong một quyển sách võ xuất bản ở Sài Gòn, một trí thức yêu thích võ thuật là bác sĩ Nguyễn Anh Tài (môn đệ của võ sư Vũ Bá Oai, Hàn Bái đường) đã ghi nhận võ Việt phân chia làm ba loại: võ kinh, võ lâm và võ gia truyền.
Biểu diễn võ kinh ở Huế - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Người nước ngoài học võ kinh, chi phái của võ Việt - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN |
Trong quá trình tiếp xúc với người Trung Hoa trong lịch sử, võ Việt có tiếp biến võ thuật Trung Hoa để làm phong phú thêm, nhưng võ Việt và võ thuật Trung Hoa là hai thực thể hoàn toàn độc lập, với nhiều đặc điểm khác nhau.
Trước hết, về mặt hinh thức, bài quyền hay bài binh khí của võ Việt luôn có các bài thiệu gọi tên đòn thế trong bài vốn là những bài thơ (theo một trong các thể thơ: lục bát, song thất lục bát, tứ ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn), như:
Bài thiệu võ Việt : Lão Mai Quyền
"Lão mai độc thụ nhất chi vinh. Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành. Đản nhất cấp tạ hồi lão khởi. Phi nhất phát tiền thối thanh đình. Thanh long chuyển dực toàn vân hổ. Phù điệp song phi lão ấn sanh. Hoạt quật song câu lôi thiết tỏa. Vương tôn tam tảo hổ xà thành".
Võ Việt xếp chung với võ Thiếu Lâm có nên không? Rõ ràng người Việt Nam tự hào có môn võ Việt vừa hào hùng về truyền thống sử dụng, vừa phong phú về mặt kỹ thuật. Thế nhưng từ sau năm 1975 đến nay, những người gìn giữ võ Việt Nam đã đứng chung với các võ sư Thiếu Lâm để mọi người gọi chung là võ Cổ Truyền, khiến nhiều người trẻ phải e ngại vì hai chữ “cổ truyền” có gì đó không rõ ràng giữa võ Việt và võ Trung Hoa. |
Trong khi đó, các bài thiệu của võ thuật Trung Hoa không hợp thành một bài thơ, mà chỉ tập hợp những câu gọi tên đòn thế rời rạc nên khó nhớ, đôi lúc đọc nghe trúc trắc, chẳng hạn như:
Bài thiệu võ thuật Trung Hoa: Mai Hoa Quyền
“Tướng quân bái tổ. Song cung bảo nguyệt. Lưỡng thủ tàng quyền. Tiên cô giải tỏa. Nhị long nhập động. Song chỉ cầm long. Lưỡng hổ tấn sơn. Thần cung xạ Hứa Điền. Mãnh hổ ly sơn. Tấn kỳ lân bộ. Đồng tử bổng ngân bình. Hầu mai tiến sư. Thần sơn trảm mộc. Lão tiều quá sơn. Ma vương trá tẩu. Linh ngư vượt thủy. Đồng tử bái Quan Âm. Giao long ngộ vũ. Quy y ngã Phật. Thiết chùy song lạc. Hoành bộ như bình. Lưỡng túc tấn song mi. Âm dương tương khắc. Tả hữu phụ tử đồng triều. Bình sa lạc nhạn. Sư tử giao đầu. Hồi mã song chùy. Lão mai độc thọ. Kim kê độc lập. Tam xích kiếm trảm thanh xà. Thối thủ tấn công. Cao thảm mã quyền. Nhị long thủ châu. Hổ giáng long thăng. Bạch câu quá kích. Thiềm thừ quá hải. Tả hữu tàng quyền. Thần đồng phá thiên môn. Song long xuất hải. Thiết bảng đả hồng hài. Bái tổ sư lập như tiền”.
Về đặc điểm thể hiện, các bài quyền và bài binh khí của võ Việt , khi biểu diễn, chủ yếu triển khai chỉ trong hai hướng: trước mặt và sau lưng. Trong khi đó, các bài của võ Trung Hoa triển khai 3 hướng, 4 hướng, 8 hướng, trong đó 4 hướng chiếm phần lớn.
Trên lĩnh vực kỹ thuật, các đòn thế võ Việt luôn được tung ra một cách liên hoàn để tạo hiệu quả mang tính tổng hợp. Còn võ thuật Trung Hoa, đòn thế nào bằng quyền cước hay bằng binh khí, khi tung ra đều được tung ra từng đòn một, dũng mãnh và có độ dừng nhất định, như vừa mang tính phô trương, vừa nhằm mục đích tạo hình, tạo nét mỹ thuật cho phù hợp với nội dung câu thiệu.
Võ Việt có đủ kỹ thuật sử dụng đòn chân (cước) lẫn đòn tay (quyền) trang bị cho người tập luyện có đủ khả năng tự vệ chiến đấu bất kể đứng gần hay xa đối thủ.
Điều này hoàn toàn khác với xu hướng của võ thuật Trung Hoa: các môn phái võ thuật ở phía bắc sông Hoàng Hà (Trung Quốc) chú trọng về kỹ thuật sử dụng đòn chân, còn các môn phái võ thuật ở phía nam sông Hoàng Hà lại có xu hướng chuyên về kỹ thuật sử dụng đòn tay, cho nên có câu “Nam quyền, Bắc cước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận