23/06/2015 16:32 GMT+7

20 năm sau: bệnh viện đúng nghĩa nhà thương

NGUYỄN VŨ THU TRANG (39 tuổi)
NGUYỄN VŨ THU TRANG (39 tuổi)

TTO - Tôi kỳ vọng 20 năm nữa mọi người dân Việt Nam không còn gọi “bệnh viện” nữa, mà thay vào đó bằng hai từ rất đỗi thân thương là “nhà thương”.

Bệnh nhân ung thư vú được phẫu thuật tại Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh tư liệu

Tôi mong muốn như vậy bởi sức khỏe là vốn quý hàng đầu của con người, có sức khỏe thì sẽ có mọi thứ.

Chăm sóc sức khỏe con người là một trong những chính sách công về an sinh xã hội của một đất nước giàu mạnh và phát triển.

Và nơi chăm sóc sức khỏe tốt nhất không đâu khác chính là bệnh viện - nhà thương.

Mong lắm trong tương lai bệnh viện từ huyện, tỉnh đến trung ương đều là những nơi thật yên tĩnh, không gian thoáng đãng, “sạch như bệnh viện” và “đẹp như công viên”.

Một ngôi nhà đầy ắp tình thương yêu đồng loại với trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ giỏi tay nghề chuyên môn, biết cười, tận tâm chăm sóc thương yêu người bệnh như thể người thân ruột thịt của chính mình và là những người mà bệnh nhân tin tưởng, xứng đáng với câu “lương y như từ mẫu”.

Ngoài ra, bệnh viện là nơi mọi người được hưởng sự công bằng, bình đẳng nhất: khám, chữa bệnh không phân biệt sang, hèn, giàu, nghèo; khám, chữa trị theo bảo hiểm hay dịch vụ…

Nhưng làm gì để khi ốm đau, có vấn đề về sức khỏe người dân nghĩ ngay đến bệnh viện, nơi ấy chắc chắn họ nhận được tình thương vô bờ bến?

Trước hết là lương tâm, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ.

Hầu hết sinh viên ngành y là những học sinh ưu tú, xuất sắc từ các trường phổ thông, qua thời gian được đào tạo bài bản, khắc nghiệt và lâu dài ở trường đại học họ mới trở thành bác sĩ, y sĩ.

Ngoài việc được đào tạo ngành nghề về chuyên sâu, đội ngũ y, bác sĩ tương lai được học một kỹ năng tưởng chừng rất bình thường: học cười.

Do đó chính sách đãi ngộ, chế độ lương bổng, thu hút nhân tài của Nhà nước rất quan trọng để những y, bác sĩ sống được với nghề chân chính của mình, một nghề cao quý mà xã hội trân trọng. 

Các bác sĩ toàn tâm toàn ý với công việc, đầu tư nghiên cứu, học tập trau dồi, tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ của y học trên thế giới; đồng thời được tạo điều kiện giao lưu học tập thường xuyên nâng cao nghiệp vụ ở trong nước cũng như nước ngoài.

Như vậy, họ không còn phải lo lắng cho cuộc sống cơm áo gạo tiền hiện tại… là cứ sau giờ làm việc ở bệnh viện lại tất bật ở các phòng khám tư nhân.

Và khi ấy y tá trở thành một nghề “hot” trong xã hội cả về chất lượng và số lượng. Công việc của y tá gồm chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện và chăm sóc bệnh nhân ở gia đình (sau khi bệnh nhân xuất viện).

Bệnh nhân chỉ đến bệnh viện để khám, phẫu thuật… Bệnh nhân không ở lại bệnh viện mà được về nhà ngay sau khi phẫu thuật, sau khi có hướng điều trị của bác sĩ và việc chăm sóc những bệnh nhân này ở nhà là công việc của y tá.

Đương nhiên y tá sẽ nhận được mức lương xứng đáng với công việc của họ. Người bệnh thì được chăm sóc cẩn thận đúng chuyên môn, còn y tá thì phát huy hết năng lực của mình. Điều này cũng góp phần giảm sự quá tải ở các bệnh viện. Nên cần tính đến việc đào tạo y tá từ các trường chuyên nghiệp có chất lượng cả về kỹ thuật lẫn y đức.

Cứ như thế hình thành được thói quen đi bệnh viện của người dân khi có vấn đề về sức khỏe bởi họ tin tưởng vào sự chẩn đoán, chữa trị của đội ngũ y, bác sĩ thì sẽ không còn tình trạng người bệnh tự ý mua thuốc uống và đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện.

Bệnh nhân sẽ không còn sợ sự thờ ơ, lạnh lùng của bác sĩ khi bản thân hoặc có người thân vào viện hoặc xin chuyển viện lên tuyến trên. Và người dân vì thế nhận thấy mua bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của chính bản thân.

Cần có chính sách luân chuyển cán bộ, nhân viên định kỳ 3-6 tháng hoặc một năm từ các bệnh viện tuyến trung ương về địa phương (bệnh viện huyện, tỉnh, các cơ sở y tế, trạm xá) và ngược lại.

Căn cứ vào vị trí địa lý, các bệnh viện tỉnh là chi nhánh của các bệnh viện tuyến trung ương. Việc làm này vừa giảm được áp lực quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, vừa là đợt tập huấn chuyên môn hiệu quả nâng cao tay nghề cho đội ngũ. Trên hết, người dân, đặc biệt người nghèo, giảm đáng kể chi phí đi lại và có cơ hội được khám, chữa trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Hãy bắt đầu từ bây giờ: quản lý, quy hoạch nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế phù hợp từng vùng, miền; có chính sách hỗ trợ, thu hút về các vùng khó khăn để… 20 năm sau chúng ta có được những bệnh viện được gọi bằng hai từ trìu mến: nhà thương.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected].

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

 

NGUYỄN VŨ THU TRANG (39 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên