Hai đường cho đoàn tàu thống nhất

30-4, hòa bình lập lại. Có những người ra đi. Lớp lớp người ở lại với quê hương bắt đầu công cuộc dựng xây với biết bao gian khó, và với cả tình yêu.

thống nhất - Ảnh 1.

Đến hôm nay tôi vẫn nghe văng vẳng trong ký ức của tuổi 60 một tiếng xe lửa sầm sập chạy trên đường ray cùng tiếng còi rền vang giữa trung tâm thành phố.

Ngày đó, tại nhà ga Sài Gòn đặt ngay bên chợ Bến Thành (năm 1978, ga trung tâm Sài Gòn dời ra Bình Triệu và rồi Hòa Hưng, dải đất trống hình thành công viên 23-9) đã diễn ra một sự kiện lịch sử: ngày 4-12-1976 - đoàn xe lửa đầu tiên mang tên Thống Nhất từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, sau hơn 20 năm gián đoạn vì chiến tranh.

Tôi khi đó là thằng bé 14 tuổi háo hức ra ga ngắm nhìn đoàn tàu sôi động, người lên kẻ xuống đông vui, hành khách Bắc - Nam khác nhau trang phục và giọng nói.

Trong lòng thằng bé ngân nga lời bài hát: "Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm... Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam...". Thằng bé tôi bắt đầu mơ ước những chuyến lữ hành đi suốt non sông. Và rồi lớn lên, tôi đi làm báo, có cơ duyên vào Nam ra Bắc nhiều lần.

Từ đó, mỗi lần nghĩ về hòa bình thống nhất, tôi vẫn liên tưởng đến hình ảnh tuyến đường xe lửa xuyên Việt. Quả thật, đất nước Việt Nam trải dài giống một đoàn xe lửa nhiều toa, chuyên chở nhiều cộng đồng vùng miền và dân tộc.

Đoàn tàu đó rất lớn, từ ngày nối ray trở lại, vẫn đang bươn chải hướng về điểm đến phú cường. Đoàn tàu trĩu nặng bao nỗi buồn vui, trải qua hành trình dài, lắm lúc đường đi không suôn sẻ. Sau 50 năm, hành khách đều muốn đoàn tàu tăng tốc, lướt gió vượt sóng, băng qua những vật cản, giữ đúng hướng trên đường ray phát triển.

Gập ghềnh "đường ray"

Những ngày tháng đầu tiên Bắc - Nam sum họp diễn ra thật là vui, bao nhiêu gia đình sum họp, bao người lần đầu qua đoàn tàu Thống Nhất được trở về quê hương, nhận làng nhận xóm.

Thế nhưng theo thời gian, những dị biệt về thể chế kinh tế xuất hiện và trở thành vật cản. Miền Nam vốn dĩ quen làm ăn đa thành phần, kết nối rộng rãi với thế giới đột ngột phải chuyển sang môi trường kinh tế chỉ huy, chấp nhận xã hội mới chỉ có kinh tế quốc doanh và hợp tác xã, chỉ sản xuất và bán hàng cho Nhà nước theo giá thu mua.

Càng ngạc nhiên hơn khi Việt Nam khi đó chỉ giao thương chủ yếu với các nước anh em, hàng hóa - cả chủng loại và chất lượng đều hạn chế. Miền Bắc cũng ngạc nhiên như vậy, từng thắt lưng buộc bụng, sống trong khuôn khổ suốt 21 năm, nay sửng sốt chạm trán với mô hình kinh tế thoáng đạt của vùng đất phương Nam.

Niềm vui chất ngất của hòa bình, thống nhất nhanh chóng bị chìm xuống bởi những nỗi buồn đau rất thật.

"Đường ray" duy ý chí, tách biệt khỏi thế giới đã dẫn cả "đoàn tàu thống nhất" đến đời sống cơ cực và lòng người ly tán. Mười năm hậu chiến với nhiều sai lầm, nhân dân đã phải chịu nhiều thương tổn ở mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, đất nước trả giá rất đắt mất người, mất của, mất cơ hội phát triển.

Và từ trong những tổn thương ấy, lối thoát đã xuất hiện. Những cuộc "xé rào" âm thầm đã diễn ra đây đó Vĩnh Phúc, Long An, Hải Phòng và đến TP.HCM đã trở thành một phong trào có tổ chức và quyết tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất là Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt.

Lãnh đạo thành phố "bật đèn xanh" cho các xí nghiệp nhà nước được "bung ra" trong mua bán sản phẩm và nguyên liệu, vượt khỏi các quy định trói buộc hiện hành. Những kiến nghị nghiêm túc có bảo chứng bằng thực tế được trình bày với cấp lãnh đạo cao nhất.

Từ đó, các cấp trung ương thay đổi góc nhìn, các chính sách cũng dần quay trở về với thực tế đời sống.

Đường ray mới cho "đoàn tàu thống nhất"

Trải qua 11 năm "đường ray" kinh tế gập ghềnh, đến Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12-1986, cơ chế quan liêu - bao cấp đã được bãi bỏ, chuyển hẳn sang hạch toán - kinh doanh, từ biệt mô hình kinh tế chỉ huy duy ý chí chuyển sang làm ăn theo thực tế cung - cầu.

Con đường đổi mới được xác lập, được nhiều thế hệ nối nhau tiếp tục xây đắp đến nay đã bốn thập niên, vượt qua nhiều bão tố và sóng ngầm từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Các khái niệm và quy luật kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường được chấp nhận trở lại. Tư nhân được công nhận là thành phần kinh tế hợp pháp và từng bước được khuyến khích mở rộng làm ăn trong nhiều lĩnh vực.

Đất nước mở cửa gia nhập ASEAN, gia nhập WTO, làm bạn với cả thế giới, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, chơi cùng luật quốc tế trên các sân chơi rộng lớn.

Chính Kinh tế thị trường và Hội nhập quốc tế trở thành hai "đường ray vàng" song song để đoàn tàu Thống Nhất lướt nhanh chạy mạnh. Dọc đường ray mới, từ Nam ra Bắc, cơ hội làm ăn thoát nghèo đến với mọi nhà.

Gần 40 năm qua, nông thôn và thành thị "thay da đổi thịt" là nhờ người dân được tự do làm ăn, đất nước mở rộng cửa giao thương và đón nhận đầu tư bên ngoài. Người miền Bắc nhanh chóng học hỏi làm ăn, bước chân vạn dặm kinh doanh khắp vùng miền. Người miền Nam ra Bắc khám phá thị trường mới, mở chi nhánh công ty hay khởi nghiệp.

Nơi nào đất lành có nhiều dư địa sinh lợi thì đàn chim Việt tứ xứ, kể cả hải ngoại vẫn tụ hội về. Những trung tâm kinh tế nhộn nhịp xưa và mới như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long hay Đà Nẵng, Hội An và Huế, Bình Dương và TP.HCM, và rồi Tây Nguyên, Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long đều trở thành địa chỉ chung của sản phẩm và con người - xuất xứ từ đủ các tỉnh thành, châu lục.

Giờ đây người Việt không chỉ du ngoạn, kinh doanh, học hành hay định cư trên lãnh thổ quê hương mà còn làm ăn và sinh sống trên nhiều nước khác nhau. Nhà cửa và y phục, ẩm thực và lễ hội của các vùng miền dần dần hòa đồng trong khi vẫn giữ được những đặc sắc và đặc sản riêng. Văn hóa và lối sống các địa phương không những được cải tiến, nâng cấp để đứng cùng một mặt bằng mà còn bắt kịp xu hướng hay đẹp của thế giới.

Truyền hình của tất cả các tỉnh thành phát sóng qua vệ tinh và qua Internet, đã khiến cả nước xích lại gần nhau chỉ trong một khoảnh khắc bấm phím.

Phim ảnh có diễn viên người Hà Nội không còn phải lồng tiếng Sài Gòn để đến với người xem phương Nam. Trong ca nhạc, điện ảnh và các hoạt động "showbiz", dập dìu tài tử và minh tinh đến từ nhiều quê xứ, đều được khán giả cả nước hoan nghênh và ái mộ.

Tuy vậy trên đường đi tới, "đoàn tàu thống nhất" vẫn vấp phải nhiều vật cản không nhỏ, mà phần lớn trong đó lại đến từ những cách biệt của 50 năm về trước, tưởng chừng đã lùi xa nhưng vẫn ẩn giấu đó đây.

Xây dựng được một thể chế quản trị quốc gia phù hợp nhất với lợi ích của người dân các vùng miền, các dân tộc sẽ luôn là nhiệm vụ của các thế hệ tài xế đã và đang cầm lái đoàn tàu.

Dẫu sao, sau 50 năm, phần lớn hành khách trên "đoàn tàu thống nhất" hiện tại chủ yếu là giới trẻ. Chính họ là những người nhiệt huyết sẵn sàng đồng thuận loại trừ các vật cản và đóng góp hiệu quả cho tương lai phát triển văn minh và công bằng của đất nước.

Nghĩ như vậy, tôi lại nghe tiếng còi tàu giục giã.

Hai đường cho đoàn tàu thống nhất - Ảnh 1.2 'đoàn tàu Thống Nhất’ sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng trưa 30-4

Hai đoàn tàu mang tên 'Đoàn tàu Thống Nhất' được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng vào trưa 30-4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên