14/04/2025 09:30 GMT+7

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Vận hội lớn từ công trình và cơ chế

Dịp 50 năm đất nước thống nhất cũng là mốc hàng loạt công trình đồ sộ của giao thông TP.HCM đã và sẽ khánh thành, khởi công. Những chính sách, cơ chế đặc biệt từ đề xuất của TP.HCM đang mở ra vận hội cho giao thông TP những nhiệm kỳ tiếp theo.

giao thông - Ảnh 1.

Công trường gói thầu XL3 dự án đường vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đây là nhiệm kỳ mà Đảng bộ, chính quyền và ngành giao thông TP.HCM tập trung nguồn lực, đưa nhiều quyết sách, cùng sự nỗ lực cao độ của ngành giao thông TP để có nhiều công trình tầm vóc, đặc biệt.

Nhiệm kỳ nhiều dự án tầm vóc, đặc biệt

Ngay trong dịp lễ này, các dự án trọng điểm tại TP.HCM vẫn đang cấp tập thi công xuyên ngày đêm để chuẩn bị thông xe. Tại dự án đường vành đai 3 TP.HCM, trước 30-4 sẽ thông xe đoạn km tại nhánh cầu kết nối với cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM - Đồng Nai, 14,7km đoạn trên cao cũng được hoàn thành vào dịp cuối năm và cùng các địa phương hoàn thành toàn bộ công trình vào năm sau.

Đường vành đai 3 TP.HCM là công trình đánh dấu cách làm mới, thần tốc trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông TP.HCM. Con đường được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của vùng Đông Nam Bộ có thời gian chuẩn bị hồ sơ triển khai rất nhanh. 

Đây là dự án đầu tiên TP.HCM được giao nhiệm vụ làm cơ quan chuẩn bị, lập chủ trương đầu tư và là cơ quan đầu mối điều phối dự án liên vùng.

TP.HCM có ba đường vành đai 2, 3, 4 với tổng chiều dài gần 300km, cùng với đường vành đai 3, một số đoạn cuối cùng của đường vành đai 2 cũng sắp được khởi công để khép kín. 

Đường vành đai 4 đã chốt trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 tới, là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước tới nay, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. TP.HCM một lần nữa được giao trọng trách thay mặt các tỉnh trình Chính phủ dự án tổng thể. Hiện UBND TP.HCM hoàn thiện hồ sơ, cung cấp đầy đủ thông tin về cam kết bố trí vốn cho Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định dự án, là cơ sở quan trọng để trình Quốc hội. Dự kiến, đường vành đai 4 sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành năm 2028.

Nhắc sự ấn tượng của dự án liên vùng cũng không thể quên những dấu ấn của loạt công trình trọng điểm khác của TP. Còn nhớ, giai đoạn 2020 - 2021, giao thông TP đứng trước loạt thách thức khi nhiều dự án "đắp chiếu" nhiều năm. 

Thế nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian", những nút thắt, những điểm nghẽn từng bước được tháo gỡ. Chính vì vậy trong vài năm trở lại đây từ những công trình nhỏ đến trọng điểm đã lần lượt về đích, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Chẳng hạn như dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu Nam Lý, cầu Long Kiểng...

Chỉ tính trong năm 2024 đã có khoảng 20 dự án, gói thầu về đích, còn năm nay có thêm 16 dự án, gói thầu hoàn thành. Trong đó, trước ngày 30-4 TP sẽ thông xe tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa và kết nối nhà ga T3; dự án nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm, gói thầu hầm HC1 nút giao thông An Phú...

Cũng không thể quên ngày 22-12-2024, metro số 1 chính thức vận hành sau 17 năm triển khai xây dựng. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP được người dân phấn khởi đón nhận, tính đến nay đã phục vụ gần 7 triệu lượt khách. 

Cùng với đó, 17 tuyến xe buýt điện kết nối metro cũng đưa vào khai thác giúp người dân thuận tiện đi đến các nhà ga metro số 1. Metro cùng hệ thống xe buýt hiện đại đã giúp hành khách sử dụng giao thông công cộng TP tăng đều với gần 7%.

giao thông - Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 đoạn qua TP Thủ Đức - Ảnh: CHÂU TUẤN

Xây nền móng, cơ chế cho các nhiệm kỳ sau

Với vị thế đầu tàu, TP.HCM có lợi thế hội tụ đủ các loại hình vận tải về đường thủy, đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sắt... Dấu ấn hạ tầng giao thông của TP.HCM không chỉ ở những công trình mà đặc biệt hơn đã tạo nền tảng, cơ chế để các công trình tầm vóc hơn nữa được tiến hành thuận lợi trong tương lai.

Với phương châm đầu tư hạ tầng không chờ nước đến chân, trong quá trình xây dựng nghị quyết 98, TP.HCM đã mạnh dạn đề xuất những cơ chế rất mới như hình thức BT trả chậm, BOT trên đường cũ và TOD - phát triển đô thị gắn với giao thông. 

Đến nay, các cơ chế này đã có thành quả bước đầu. Bốn dự án BOT cửa ngõ quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam với tổng vốn gần 60.000 tỉ đồng đang được chuẩn bị mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư để triển khai.

Đầu năm 2025 ghi dấu một quyết sách táo bạo từ trung ương đến địa phương đã trở thành hiện thực khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết 188 với các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị cho TP.HCM và Hà Nội. 

Từ cơ chế này, TP.HCM đã ban hành kế hoạch đầu tư và hoàn thiện 355km metro trong 10 năm. Trong đó, dự án metro số 2 sẽ được khởi công đầu tiên, vào tháng 12-2025.

Đối với 6 tuyến còn lại, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án vào năm 2027, hoàn thành 355km vào năm 2035. Ngoài ra còn có tuyến metro đi Cần Giờ, đang được xúc tiến. 

Đối với đường sắt quốc gia, ngoài đường sắt cao tốc Bắc - Nam nối đến Thủ Thiêm, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang được triển khai nghiên cứu đầu tư.

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cũng đánh giá nhiệm kỳ 2021 - 2025, TP.HCM đã tạo ra "cú hích" phát triển hạ tầng. Trước đó, không ít công trình, dự án trọng điểm cứ khởi công rồi ì ạch trong suốt thời gian dài dẫn tới chậm hoàn thành, chậm giải ngân, tăng vốn. 

Ở nhiệm kỳ 2021 - 2025, với sự nỗ lực lớn, người dân có thể thấy được những kết quả rõ rệt như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành, các dự án đường vành đai được triển khai quyết liệt. Đặc biệt là hàng loạt cơ chế, chính sách tạo điều kiện đặc biệt để TP.HCM thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng tái định cư...

"Đây là thời cơ lớn, TP.HCM nắm bắt được cơ hội này sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc lâu nay gặp phải, bật lên giải quyết được nhiều công trình, dự án trọng điểm. Nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã tạo tiền đề vững chắc để TP.HCM phát triển, vươn mình mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo", TS Võ Kim Cương nói.

* Ông TRẦN QUANG LÂM (giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM):

Sự thuận tiện, an toàn của người dân là đích đến

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Vận hội lớn từ công trình và cơ chế - Ảnh 3.

Ông TRẦN QUANG LÂM (giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM)

Ngành giao thông TP.HCM đứng trước ngưỡng cửa rất đặc biệt khi TP đã và sẽ thực hiện nhiều công trình tầm vóc, với số vốn rất lớn.

Đó thực sự là niềm hạnh phúc khi chúng tôi được giao trọng trách, được thực hiện những công trình, dự án quan trọng của TP.HCM trong giai đoạn lịch sử này.

Điều chúng tôi quan tâm nhất không chỉ là tầm vóc, quy mô dự án mà còn cả việc người dân sẽ được hưởng thụ, sử dụng công trình đó ra sao khi vận hành.

Làm sao mỗi công trình, mỗi dịch vụ đều mang lại sự thuận tiện, gần gũi, hạnh phúc cho người dân.

Ý thức được điều này nên khi metro số 1 đi vào hoạt động thì 17 tuyến xe buýt điện kết nối với các nhà ga metro số 1 cũng vận hành, đưa người dân đến gần nhất với metro.

Cuối tuần vừa qua, Sở Giao thông công chánh cũng phối hợp với các đơn vị ra mắt hệ thống vé điện tử và thẻ Multipass, để người dân có thể dùng một thẻ đi tất cả các phương tiện công cộng tại TP.HCM.

Đây là một số ví dụ nhỏ để thể hiện mong muốn, đích đến của ngành giao thông TP là phục vụ người dân, mang lại sự tiện dụng, hạnh phúc cho người dân khi tham gia giao thông. Sắp tới sẽ triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn nữa.

Hàng loạt công trình lớn đã và sẽ tiếp tục khởi công, chúng tôi hiểu giá trị, tầm vóc công trình không chỉ nằm ở số vốn, ở sự hiện đại mà còn ở những gì mang lại cho người dân, cho chiến lược lâu dài của hạ tầng giao thông TP.HCM

* TS PHẠM VIẾT THUẬN (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Vận hội lớn từ công trình và cơ chế - Ảnh 4.

TS PHẠM VIẾT THUẬN (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)

Đã có "chìa khóa" để phát triển đột phá hạ tầng giao thông

Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ và chính quyền và ngành giao thông TP.HCM đã chủ động đề xuất trung ương các cơ chế đặc thù đẩy mạnh chính sách phân cấp phân quyền, tự quyết để xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Một số dự án đã và chuẩn bị đưa vào sử dụng góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Một số chính sách mới, một số siêu dự án mới vừa được thông qua chủ trương là "chìa khóa" để phát triển đột phá cho hạ tầng giao thông nhiệm kỳ tới.

Hạ tầng giao thông TP.HCM 2026 - 2030: Giai đoạn bùng nổ, cần tổ chức, con người xứng tầm

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Vận hội lớn từ công trình và cơ chế - Ảnh 3.

Những dự án tỉ USD đang và sẽ triển khai tại TP.HCM - Tổng hợp: ĐỨC PHÚ

Thời kỳ 2026 - 2030 sẽ là giai đoạn bùng nổ để hạ tầng giao thông TP phát triển hiện đại.

Cụ thể, trong giai đoạn 2026 - 2030, TP có kế hoạch đầu tư công 1,07 triệu tỉ đồng, trong số đó vốn dự kiến bố trí cho giao thông tới 766.000 tỉ đồng.

Sự bùng nổ này thực tế đã bắt đầu ngay từ năm 2025 khi, theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM, trong năm 2025 tổng kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho ngành giao thông công chánh khoảng 36.433 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 43% so với tổng vốn đầu tư công của TP (81.149 tỉ đồng), cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông công chánh sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với 140 dự án gồm 98 dự án giao thông và 42 dự án hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến trong quý 2-2025 sẽ trình 22 dự án có quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường vành đai 2 (đoạn 4 từ Nguyễn Văn Linh - Hồ Học Lãm)...

TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - cho rằng khi chuẩn bị cho các dự án mở rộng, TP.HCM đang đứng trước những cơ hội rất lớn để phát triển hạ tầng giao thông, nhờ vào các chính sách và cơ chế mới được triển khai mạnh mẽ.

Đặc biệt, việc có thể sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương vào TP.HCM tới đây mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế và xã hội, tạo ra một siêu đô thị với quy mô dân số hơn 13,7 triệu người và diện tích hơn 6.700km². Điều này giúp tối ưu hóa việc kết nối hạ tầng giao thông và logistics, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Việc hợp nhất ba địa phương sẽ khai thác tối đa tiềm năng về dân số, đất đai và tốc độ phát triển kinh tế của từng khu vực. Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là những trung tâm công nghiệp và cảng biển quan trọng, trong khi TP.HCM là trung tâm tài chính và thương mại. Sự kết hợp này sẽ tạo ra một hệ sinh thái kinh tế toàn diện hơn.

Đánh giá về những dự án khổng lồ của hạ tầng giao thông TP.HCM sắp tới, TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - cho rằng TP.HCM phải tính toán kiện toàn tổ chức và nhân sự phù hợp để phụ trách, dẫn dắt công việc với hạ tầng giao thông.

Theo ông Thuận, việc này để đảm bảo các dự án, chính sách của hạ tầng giao thông được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả. Nhằm thực hiện được điều mà Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được đã nhấn mạnh với hạ tầng giao thông là "lộ thông, tài thông", là chìa khóa để tăng trưởng hai con số.

Hạ tầng giao thông TP.HCM: Vận hội lớn từ công trình và cơ chế - Ảnh 6.Vận hội đặc biệt của TP.HCM từ hạ tầng giao thông

Những công trình, dự án giao thông đồ sộ đang mở ra vận hội đặc biệt cho TP.HCM để phát triển hạ tầng, dẫn dắt kinh tế. Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện đầu năm với ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên