03/04/2025 16:15 GMT+7

Hà Nội dự kiến giảm 50% đơn vị cấp xã sau sắp xếp?

Chiều 3-4, tại hội nghị giao ban quý 1-2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, ông Trần Đình Cảnh - giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - đã báo cáo dự thảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội.

cấp xã - Ảnh 1.

Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN

Đặt xã tên mới theo cách nào?

Theo nội dung dự thảo, việc đặt tên, đổi tên xã, phường hình thành sau sắp xếp được đề xuất theo hai cách.

Một là đặt tên theo định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học… Ví dụ: Thanh Xuân 1, Thanh Xuân 2, Đan Phượng 1, Đan Phượng 2…

Hai là đề xuất đặt tên đối với các đơn vị hành chính nội đô lịch sử, có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và thủ đô. Lựa chọn một đơn vị hành chính tiêu biểu để đặt tên, các đơn vị hành chính liền kề được lấy theo tên các địa danh lịch sử, văn hóa, cách mạng tiêu biểu khác, tránh sự trùng lặp.

Ví dụ: Hoàn Kiếm (đơn vị đặt tên là Hoàn Kiếm); Đống Đa (một đơn vị đặt tên là Đống Đa; một đơn vị đặt tên là Kim Liên, một đơn vị đặt tên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Dự thảo phương án cũng nêu các nguyên tắc xác định trung tâm hành chính. Theo đó, Hà Nội sẽ lựa chọn trung tâm hành chính của một trong số các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay là trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới.

Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển, dễ dàng kết nối với các đơn vị hành chính khác trong thành phố, kết nối giữa trụ sở của đơn vị hành chính và cộng đồng dân cư trong đơn vị hành chính đó.

Trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cơ sở mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dự kiến giảm 50% đơn vị cấp xã

cấp xã - Ảnh 2.

Hà Nội dự kiến giảm 50% đơn vị cấp xã - Ảnh: PHẠM TUẤN

Về tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, dự thảo phương án nêu hai nội dung.

Thứ nhất là thực hiện theo tiêu chí tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Thứ hai là cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Về dự kiến số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự thảo phương án nêu: “Theo dự kiến của trung ương, tổng số lượng đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp giảm khoảng 50% so với tổng số lượng đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp”.

Hiện nay, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn. Nếu thực hiện theo tỉ lệ trên, Hà Nội sẽ giảm từ 526 phường, xã, thị trấn còn 263 đơn vị hành chính cấp xã.

Phát triển Hà Nội thành 5 vùng động lực

cấp xã - Ảnh 3.

Hà Nội sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để đảm bảo lâu dài - Ảnh: HÀ QUÂN

Theo dự thảo, trước mắt tổ chức bộ máy biên chế phải được bố trí phù hợp, không vượt quá tổng biên chế cũ và có lộ trình giảm dần đảm bảo trong thời hạn 5 năm.

Các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn phải đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính: Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng nếu thực hiện sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

Về một số nguyên tắc riêng của thủ đô, dự thảo phương án nêu rõ Hà Nội sẽ chọn 5 vùng động lực, 5 trục phát triển để đảm bảo lâu dài.

Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức lại các đơn vị hành chính cơ sở trên cơ sở các nguyên tắc chung, nhưng đồng thời có tính đến yếu tố quy hoạch trong tương lai khi thực hiện quy hoạch, cần cụ thể hóa quy hoạch ngay giai đoạn hiện nay (vừa tính hiện tại, tương lai), tính đến xu thế theo quy hoạch định hướng phát triển.

Hai đô thị trực thuộc thủ đô (đô thị phía Bắc và đô thị phía Tây), định hướng phát triển vùng du lịch, vùng công nghiệp, dư địa để phát triển của từng vùng, từng địa phương…

Đồng thời Hà Nội cũng xác định phải đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu (vùng văn hóa Thăng Long, vùng văn hóa xứ Đoài, vùng văn hóa Kinh Bắc, vùng văn hóa Sơn Nam Thượng…).

Dự thảo theo đuổi mục tiêu đảm bảo được chức năng của từng địa phương (như đơn vị hành chính cơ sở Ba Đình là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đơn vị hành chính cơ sở Hoàn Kiếm phải bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của 36 phố phường cổ của kinh thành Thăng Long xưa…).

Đảm bảo về địa giới đơn vị hành chính cơ sở, xác định đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên (như: sông ngòi, đường phân thủy, đường tụ thủy,…), địa vật theo quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.

Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập với các đơn vị hành chính khác (có toàn bộ đường địa giới đơn vị hành chính đi qua núi, sông, suối, hồ và khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với đơn vị hành chính liền kề), như xã Minh Châu, huyện Ba Vì.

Đơn vị hành chính được sắp xếp, thành lập theo định hướng phát triển đô thị của thủ đô: “Phát triển đô thị sông Hồng” (đơn vị hành chính cơ sở Chương Dương).

Hà Nội dự kiến giảm 50% đơn vị cấp xã sau sắp xếp? - Ảnh 4.Hà Nội sẽ dôi dư 831 cán bộ và hơn 90 trụ sở sau sáp nhập, xử lý thế nào?

Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội, giai đoạn 2023-2025, nêu rõ Hà Nội sẽ sắp xếp 109 đơn vị cấp xã để hình thành 56 đơn vị cấp xã mới (33 xã, 23 phường) thuộc 20 quận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên