03/02/2025 13:00 GMT+7

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch

Có một hòn đảo mang tên Hà Nam lạ lùng vào bậc nhất ở Việt Nam, đã tồn tại qua sáu thế kỷ với biết bao câu chuyện kỳ thú, nhưng chưa được nhiều người biết đến.

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch - Ảnh 1.

Đảo Hà Nam trên bản đồ tỉnh Quảng Yên năm 1887, bao bọc ba phía là sông, một phía là biển - Ảnh tư liệu

Hòn đảo ấy nằm gần cửa biển, có sông ngòi, ao hồ, đầm đìa, kênh rạch, rừng cây ngập mặn như miền Tây Nam Bộ, nhưng lại tọa lạc ở... Đông Bắc Bộ.

Câu thơ quen thuộc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ thường được nhiều người nhắc tới: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Từ Thăng Long đi mở cõi thì hầu hết là vào phía nam. Nhưng lại có một nơi cũng từ Thăng Long mà đi, nhưng lại đi về phía đông bắc.

Hà Nam như thể... Hà Lan

Xin nói rõ đây không phải là tỉnh Hà Nam, mà là một hòn đảo có tên Hà Nam, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Khi thủy triều lên, đảo Hà Nam thấp hơn mực nước biển khoảng 2m, gần giống địa hình phổ biến của nước Hà Lan xa xôi tận trời Âu.

Nơi đây từng rất lâu không hề có bóng người qua lại, bốn bề hoang vắng, lau sậy um tùm bờ sông, cửa biển, cho đến một ngày...

Chúng tôi đến Hà Nam vào một ngày cuối năm 2024, đi qua chiếc cầu vượt sông Chanh, thấy phố xá tấp nập xen lẫn làng quê, một bức tranh đẹp đến ngỡ ngàng.

Du khách phương xa đến đây bây giờ thật khó mà hình dung nổi nơi đây đã từng là một hòn đảo cách biệt, bốn bề bao bọc bởi sông nước.

Một phía là sông Đằng Giang - con sông vang danh trong lịch sử. Một phía là sông Chanh, chi nhánh của sông Bạch Đằng nhưng dòng nước rộng và sóng gió dữ dội không kém phần.

Phía nam là vịnh biển Bắc Bộ, nhìn chếch lên phía bắc là vịnh Hạ Long cách chừng 10 cây số chim bay. Sông và biển đã tạo nên hòn đảo Hà Nam hình giống con cá chép quẫy đuôi ra biển, đầu hướng về Thăng Long.

Từ thuở chèo thuyền đi mở đất

Chúng tôi tìm đến một người gắn bó và am tường hòn đảo này, đó là nhà văn Dương Phượng Toại. Lão nhà văn tuổi 75 nhưng còn khỏe mạnh và tinh anh lắm.

Trong buổi chiều cuối năm nắng vàng như mật, lão nhà văn đã dẫn chúng tôi về lại với lịch sử gần 600 năm của hòn đảo lạ kỳ này. Ông bảo: "Chúng tôi là người quê ở đây mà nhiều khi nghe lại chuyện làng cũng thấy lạ lùng thích thú, huống là các bạn từ miền Nam ra đây...".

Năm Giáp Dần 1434, vua Lê Thái Tông muốn mở rộng kinh thành Thăng Long về phía nam, để xây dựng trung tâm văn hóa mới của kinh đô.

Đó là khu vực thuộc làng Kim Hoa, bấy giờ thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Hưởng ứng lời hiệu triệu của bậc đế vương lo toan thiên hạ và cũng vì đại nghiệp lâu dài, cư dân nơi này đã hiến đất cho triều đình, rồi đi tìm đất mới để sinh sống.

Đoàn lưu dân gồm nho sĩ, thợ thủ công, người buôn bán... đã rời phố phường Thăng Long lên thuyền xuôi theo sông Hồng, hướng về phía biển.

Từ sông Hồng, họ đi vào sông Đuống, rẽ qua sông Kinh Thầy, xuôi về vùng cửa sông Bạch Đằng.

Họ ghé thuyền vào vùng đất ven sông, một bãi phù sa cổ màu mỡ nhưng khi triều lên thì ngập chìm trong nước mặn. Giữa khuya đêm hè, chợt nghe tiếng kêu của một con vật gần gũi ruộng đồng, cả đoàn người reo mừng sung sướng.

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch - Ảnh 2.

Khu trung tâm của đảo Hà Nam sầm uất ngày nay - Ảnh FB Đảo Hà Nam

Hòn đảo mang ơn... con ếch

Đó là tiếng kêu của con ếch. Chỉ có thế thôi mà cả đoàn người mừng rơi nước mắt. Bởi vì có tiếng ếch kêu là có nước ngọt, có sự sống giữa bốn bề nước mặn, nước lợ.

Trong đêm khuya, họ lần tìm và phát hiện ra một con ếch đang nằm trong một hố nước. Họ vục tay xuống hố nước và cảm nhận ngay làn nước mát mẻ. Nếm thử thì quả thật là nước ngọt.

Ông Toại nói: "Tổ tiên chúng tôi truyền lại rằng lúc đó nghe tiếng ếch kêu thì các cụ lấy làm lạ lắm, vì ở vùng cửa biển nước mặn bốn bề thì làm sao lại có tiếng ếch, hay là mình nghe nhầm. Nhưng rồi nghe lại vẫn thấy đúng là tiếng ếch nên mới đi tìm. Và các cụ đã tìm ra hố nước có con ếch ẩn mình trong đó. Dưới hố nước là mạch nước ngầm".

Ông Toại cùng ông Vũ Đình Huệ, thủ từ làng Yên Đông thuộc phường Yên Hải của đảo Hà Nam, đưa chúng tôi ra thăm hồ Mạch, nơi phát sinh tiếng ếch ngày xưa, nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia.

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch - Ảnh 3.

Hồ Mạch - nơi con ếch năm xưa báo hiệu có nguồn nước ngọt- Ảnh: M.TỰ

Một chiếc hồ khá rộng, nước trong trẻo, nằm trên gò đất giữa cánh đồng làng Yên Đông. Ông Vũ Đình Huệ kể: "Theo các cụ truyền lại, hồi đó vùng này là bãi triều, chỉ vài gò đất nhô lên mà thôi. Đây chính là nơi các cụ phát hiện ra tiếng ếch kêu nên quyết định cắm sào ở lại. Từ hố nước của con ếch, các cụ tìm ra mạch nước ngầm rồi khơi thông thành cái giếng mạch, sau này mở rộng thành hồ Mạch. Vào thuở đó, có được mạch nước ngọt như này là quý giá vô cùng!".

Sách sử của các làng vẫn còn ghi lại, dù những năm hạn hán đến đâu, hồ Mạch cũng không hề cạn. Vì biết ơn con ếch đã mang lại sự sống nơi hoang đảo này, dân làng thuở đó kiêng ăn thịt ếch. Trong nhà thờ của nhiều dòng họ ở Hà Nam trước đây có chạm trên cửa võng gian thờ chính diện hình "cụ ếch".

Ông Toại nói: "Chúng tôi tự hào về di tích này nên cùng nhau giữ gìn. Rồi đây sẽ đắp hình tượng một con ếch giữa hồ nước, để ghi nhớ sự sống con người nơi này khởi đầu bằng tiếng ếch kêu vào một đêm năm xưa, như một điềm lành trời cho, và để con cháu đời sau nhớ đến những ngày đầu mở đất gian khó của tổ tiên".

Quai đê, đắp đập, lập làng

Có nước ngọt là có sự sống, nên đoàn lưu dân quyết định cắm sào, lên đảo dựng trại, bắt tay khai hoang. Nhà văn Dương Phượng Toại kể tiếp việc đầu tiên là phải quai đê để ngăn nước mặn theo thủy triều lên. Đê đắp xong thì đất đai bên trong có thể cấy được lúa, trồng được cây. Tiếp đó là đào đất để tạo ao hồ nuôi cá, vừa lấy đất đắp nền làm nhà, tạo đường đi lối lại.

Ao hồ tích nước ngọt giúp cho đất dần thau chua rửa mặn. Ruộng đồng có nước ngọt thì lúa ngô, rau màu mọc lên.

Đê quai đến đâu thì ruộng vườn mở đến đó. Sau đợt khai hoang đầu tiên, họ tạo ra được trăm mẫu ruộng, đợt thứ hai được ba trăm mẫu, chia ra cho các gia đình canh tác.

Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, tuyến đê dài ra bao bọc kín dần hòn đảo. Xóm làng cứ thế mà mọc lên.

Ban đầu chỉ có một làng với cái tên Bồng Lưu, sau đổi thành Phong Lưu, rồi thành xã Phong Lưu với bốn làng Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông, Trung Bản.

Nơi đó bây giờ là khu trung tâm của đảo Hà Nam sầm uất phố phường. Thấy hòn đảo sinh sôi nảy nở, người các nơi tiếp tục kéo đến khai hoang lập làng, và mở ra thêm nhiều làng xóm mới.

Khoảng 50 năm sau khi đoàn người đầu tiên đến đây cắm sào, dân cư nơi này có khoảng 500 người, sau đó tăng lên gần 1.000 người vào cuối thế kỷ 15.

Đến nay, sau gần 600 năm, đảo Hà Nam đã có hơn bảy vạn dân, với bốn phường bốn xã, chiếm gần một nửa dân số thị xã Quảng Yên.

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch - Ảnh 4.

Đảo Hà Nam trên bản đồ tỉnh Quảng Ninh hiện nay, hình thù giống con cá chép hướng mắt về phía Thăng Long - Ảnh tư liệu

Từ thời Lê (hậu), đảo Hà Nam thuộc trấn An Bang (Đông Đạo) sau đó là trấn An Quảng. Đến năm 1931, vua Minh Mạng thành lập tỉnh Quảng Yên, đảo Hà Nam thuộc tỉnh này.

Đến thời Nguyễn, hòn đảo này là tổng Hà Nam thuộc tỉnh Quảng Yên, gồm có sáu xã. Đến nay đảo Hà Nam có tám xã phường.

Chiều dài của đảo Hà Nam khoảng hơn 10km, chiều rộng đoạn dài nhất khoảng 6km, diện tích khoảng 60km2. Hòn đảo được bao bọc bằng một tuyến đê bao quanh, dài 34km.

-----------------------------

Năm xưa, nếu những người dân Thăng Long muốn tìm địa bàn thuận lợi hơn để mở đất mới, hẳn đã chọn vùng đất liền là trung tâm thị xã Quảng Yên bây giờ. Phải chăng, do tính cách của người đi mở cõi, muốn tạo dựng cơ nghiệp riêng, nên mới chọn hòn đảo này?

Kỳ tới: Sáu trăm năm thương nhớ Thăng Long

Hà Nam - hòn đảo lạ kỳ của nước Việt - Kỳ 1: Đảo thấp hơn nước biển và mang ơn con ếch - Ảnh 3.Ngàn năm một đường thiên lý

Tết này, nhiều xe cộ ngược xuôi trên quốc lộ 1 ra Bắc vào Nam về Trung, không biết ai sẽ dừng lại vãn cảnh, ai ngắm nhìn những dấu xưa mà nhớ về hàng ngàn năm về trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên