18/05/2025 08:00 GMT+7

Hạ đường huyết làm gia tăng nguy cơ đột quỵ

Hạ đường huyết ở người cao tuổi nguy hiểm hơn so với người trẻ vì cơ thể suy giảm khả năng thích nghi, đồng thời có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, té ngã, thậm chí tử vong.

hạ đường huyết - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Đây là cảnh báo của các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo thông tin từ bệnh viện, gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện trong tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng, có trường hợp dẫn đến hôn mê, tổn thương não không hồi phục.

Vì sao người cao tuổi dễ gặp phải?

Theo bác sĩ Vũ Thị Lệ - khoa bệnh cấp tính - cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hạ đường huyết là tình trạng mức đường huyết trong máu giảm dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/L), khiến não và cơ thể không đủ năng lượng để hoạt động bình thường.

Ở người cao tuổi, nguy cơ này cao hơn do:

- Suy giảm chức năng gan thận: Cơ thể khó dự trữ và huy động glucose khi cần.

- Ăn uống kém: Nhiều người cao tuổi bị biếng ăn, ăn không đủ bữa hoặc quên ăn, dẫn đến thiếu hụt glucose.

- Dùng thuốc điều trị tiểu đường: Insulin hoặc thuốc hạ đường huyết nhóm Sulfonylurea có thể gây tụt đường huyết nếu dùng quá liều hoặc ăn uống không đủ.

- Rối loạn hormone: Khi có bệnh lý nền như suy giáp, bệnh Addison, cơ thể không sản xuất đủ hormone giúp ổn định đường huyết.

- Chức năng thần kinh suy giảm: Ở người già, phản xạ cơ thể với hạ đường huyết kém đi, khiến họ không nhận ra dấu hiệu nguy hiểm.

Hạ đường huyết nguy hiểm thế nào với người cao tuổi?

Theo bác sĩ Lệ, người trẻ hạ đường huyết có thể được nhận biết nhanh chóng và xử lý dễ dàng. Tuy nhiên ở người cao tuổi, tình trạng này diễn tiến phức tạp hơn với nhiều hệ lụy nguy hiểm:

Tăng nguy cơ đột quỵ và tổn thương não: Thiếu glucose kéo dài có thể gây hoại tử tế bào não, mất trí nhớ, sa sút trí tuệ.

Té ngã và gãy xương: Hạ đường huyết làm người già dễ chóng mặt, mất thăng bằng, dễ té ngã, đặc biệt ở những người bị loãng xương.

Tim mạch và đột tử: Tim đập nhanh, tụt huyết áp, nguy cơ rối loạn nhịp tim và ngừng tim đột ngột.

Dễ bị chẩn đoán nhầm: Triệu chứng hạ đường huyết ở người già có thể giống bệnh lý thần kinh khác (sa sút trí tuệ, đột quỵ nhẹ), khiến việc cấp cứu bị chậm trễ.

Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết ở người cao tuổi

Theo chuyên gia này, không phải ai cũng có triệu chứng rõ ràng khi bị hạ đường huyết. Ở người cao tuổi, dấu hiệu có thể bị che lấp hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Vì vậy cần đặc biệt lưu ý nếu có những biểu hiện ban đầu như mệt mỏi, hoa mắt; cảm giác đói cồn cào, vã mồ hôi; run tay, tim đập nhanh; cáu gắt, lo lắng vô cớ.

Triệu chứng nặng (cần cấp cứu ngay) như lú lẫn, mất định hướng, nói lắp bắp; giảm khả năng tập trung, hay quên đột ngột; yếu cơ, đi lại khó khăn, dễ té ngã; hôn mê hoặc co giật nếu đường huyết tụt quá thấp.

Bác sĩ Lệ lưu ý ở người già, hạ đường huyết có thể không gây ra triệu chứng rõ rệt do hệ thần kinh suy giảm, khiến họ bất ngờ ngất xỉu mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.

Chuyên gia này cũng khuyến cáo một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ tụt đường huyết ở người cao tuổi như thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin (đặc biệt khi dùng liều cao hoặc tiêm nhưng không ăn đủ).

Các thuốc điều trị bệnh tim mạch như thuốc chẹn beta có thể che giấu triệu chứng hạ đường huyết; thuốc lợi tiểu gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến chuyển hóa đường. Các loại thuốc khác như thuốc trị sốt rét và một số kháng sinh cũng có thể gây ảnh hưởng.

"Nếu đang sử dụng các loại thuốc này, người cao tuổi cần theo dõi đường huyết thường xuyên và hỏi ý kiến bác sĩ về nguy cơ hạ đường huyết", bác sĩ Lệ khuyến cáo.

Cách phòng ngừa hạ đường huyết ở người cao tuổi

Để phòng ngừa hạ đường huyết, người cao tuổi cần ăn uống đều đặn, không bỏ bữa, bổ sung đủ tinh bột, protein và chất xơ.

Theo dõi đường huyết định kỳ, đặc biệt quan trọng với người bệnh tiểu đường.

Điều chỉnh thuốc hợp lý, không tự ý thay đổi liều insulin hoặc thuốc hạ đường huyết mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Mang theo đồ ăn nhanh, luôn có kẹo ngọt, bánh quy trong người.

Hạn chế uống rượu bởi rượu có thể gây hạ đường huyết kéo dài, nhất là khi uống lúc đói.

Tập thể dục hợp lý, không tập luyện quá sức, tránh tập khi bụng đói.

Nhắc nhở người thân, người già có thể không tự nhận biết triệu chứng, do đó gia đình cần chú ý quan sát.

"Hạ đường huyết ở người cao tuổi là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tổn thương não, té ngã, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc nhận biết sớm triệu chứng, kiểm soát chế độ ăn uống và dùng thuốc hợp lý là chìa khóa giúp người cao tuổi phòng tránh biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Lệ khuyến cáo.

Hạ đường huyết làm gia tăng nguy cơ đột quỵ - Ảnh 3.Hạ đường huyết đột ngột, nên mang thực phẩm gì bên người?

Các bác sĩ cho biết hạ đường huyết không chỉ xảy ra với riêng người bệnh tiểu đường, mà còn xảy ra với những người bình thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên