TTCT - Những cuộc biểu tình liên tục ba tuần qua ở thủ đô Tbilisi của Gruzia cuối cùng đã dẫn đến những hậu quả đối ngoại, khi nước này khước từ lời mời đến Washington bàn về quan hệ đối tác chiến lược. Người biểu tình ở Gruzia mang theo cờ EU. Ảnh: AFP Tbilisi đã nóng lên từ 17-4 sau khi dự thảo luật "Về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài", còn được truyền thông gọi là "Luật về các tác nhân nước ngoài" được thông qua ngay trong lần đọc đầu. Tình hình bùng nổ sau khi dự thảo luật được thông qua trong lần đọc thứ hai vào 1-5, biến Gruzia thành đấu trường khốc liệt giữa chính quyền và phe đối lập.Biểu tình biến thành bạo động khi những người phản kháng tấn công tòa nhà Quốc hội đêm 1-5 và cảnh sát ra tay trấn áp. Đứng về phía người biểu tình là phe đối lập, EU, Mỹ và Tổng thống Gruzia Salome Zurabishvili. Dự luật được sự ủng hộ của thủ tướng, Quốc hội và Đảng Giấc mơ Gruzia.Những người chống đối gọi dự luật là mối đe dọa không chỉ với truyền thông độc lập mà cả sự hội nhập của Gruzia vào EU. (Gruzia đã nhận tư cách ứng viên EU vào tháng 12-2023. Với Mỹ, Thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được ký kết năm 2009). Trong khi đó, những người ủng hộ cho rằng dự luật là một bước đi bảo vệ chủ quyền và bản sắc Gruzia. Thủ tướng Irakli Kobakhidze nói dự luật mang tính "châu Âu" vì dựa trên các ý tưởng về "sự minh bạch và trách nhiệm giải trình" và sẽ đưa Gruzia đến gần hơn với việc gia nhập EU.Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze. Ảnh: OC MediaXung đột địa chính trị của một dự luậtĐây không phải làn sóng phản đối đầu tiên với dự luật này ở Tbilisi. Tháng 3-2023, đảng cầm quyền đã phải đình chỉ việc thông qua dự luật sau các cuộc biểu tình. Trong các sửa đổi mới, thuật ngữ "tác nhân chịu ảnh hưởng nước ngoài" được thay thế bằng "tổ chức thúc đẩy lợi ích của thế lực nước ngoài". Từ đó đến nay, tranh luận vẫn diễn ra về các xung đột địa chính trị đằng sau dự luật.Phát biểu tại cuộc mít tinh ủng hộ dự luật hôm 29-4, người sáng lập và chủ tịch danh dự của đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia, tỉ phú Bidzina Ivanishvili, tuyên bố rằng từ năm 2004 đến 2012, Gruzia "được cai trị bởi một chính phủ không do người dân bầu ra, mà là một ủy ban cách mạng được bổ nhiệm từ bên ngoài, gồm các đặc vụ nước ngoài", gồm cựu tổng thống Mikheil Saakashvili. Theo ông Ivanishvili, ông Saakashvili không hành động độc lập; mọi thứ đều "được ra lệnh và quản lý từ bên ngoài, từ chủ nhân của họ". Ông Ivanishvili tuyên bố bất chấp những hứa hẹn tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, Gruzia và Ukraine đã không được chấp nhận vào NATO và "bị bỏ lại trong dự thảo". Về phần mình, cũng tại cuộc mít tinh, Thị trưởng Tbilisi Kakha Kaladze cho rằng cuộc đấu tranh thông qua dự luật và cấm tuyên truyền LGBT là mong muốn bảo vệ chủ quyền và bản sắc của Gruzia.Những người phản đối cho rằng dự luật "theo Nga" (ở Nga đang lưu hành luật tương tự nhắm vào "tác nhân nước ngoài"). Đại biểu Tinatin Bokuchava thuộc đảng của cựu tổng thống Saakashvili - Phong trào Quốc gia thống nhất - nói việc thông qua dự luật khởi đầu cho "quá trình Nga hóa và chuyển đổi người Gruzia thành người Nga". Chủ tịch đảng này Levan Khabeishvili thì cho rằng các nghị sĩ của đảng cầm quyền "nên biết xấu hổ, vì những người bạn và đồng minh phương Tây của Gruzia không thích luật này, trong khi Nga lại thích".Cựu tổng thống Mikheil Saakashvili khi còn tại chức (trái) và hiện đang nằm viện (phải). Ảnh: x.comCao ủy đối ngoại EU Josep Borrell cho biết dự luật "không tuân thủ các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của EU". Chủ tịch EC Ursula der Leyen thì viết trên mạng xã hội X: "Gruzia đang ở ngã ba đường. Họ phải đi con đường dẫn đến châu Âu". Đài Anh BBC tường thuật về cuộc tuần hành hôm 3-5: "Những người tham gia tuần hành, chủ yếu là thanh niên, mang theo cờ Gruzia và châu Âu, đầu tiên di chuyển về phía văn phòng của đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia, nhưng không thể đến gần tòa nhà vì gặp phải một hàng rào cảnh sát...""Sau đó, họ đi dọc bờ kè hữu ngạn sông Kura và khu vực cổ của thành phố, quay trở lại đại lộ Rustaveli phía trước tòa nhà Quốc hội. Một số người biểu tình nói họ sẽ qua đêm bên ngoài tòa nhà".Hòa vào kịch bản biểu tình là phát biểu của ông Saakashvili qua video từ Bệnh viện Vivamedi hôm 1-5, nơi ông được điều trị từ tháng 5-2022. Saakashvili tự hào nói cá nhân ông đã đóng góp vào việc "giáo dục thanh thiếu niên Gruzia về các điều kiện "tự do và dân chủ"". Báo Nga Komsomolskaya Pravda tháng 7-2022 từng nói Mỹ chi hơn 500.000 USD nhằm "phát triển phẩm chất lãnh đạo" qua các dự án công với sự cố vấn tích cực từ các tổ chức tài trợ cho sinh viên các nước cộng hòa Kavkaz, trong đó có Gruzia.Nhà khoa học chính trị và cựu thành viên Quốc hội Gruzia Petre Mamradze thì nói phương Tây thản nhiên can thiệp vào công việc nội bộ của Gruzia do đã "xây dựng một mạng lưới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ để thao túng dư luận và hiện họ đang bảo vệ những cấu trúc này bằng tất cả sức mạnh của mình".Ảnh: GettyLời từ chối của GruziaTrong bối cảnh đó, quan hệ giữa Tbilisi và phương Tây thêm căng thẳng vì lời từ chối của chính quyền Gruzia đến Washington bàn về quan hệ đối tác chiến lược và sự hỗ trợ của Mỹ, như trang web của đại sứ quán Mỹ tại Tbilisi cho biết hôm 2-5. Gruzia không nhận lời mời do nó đi kèm điều kiện buộc nước này phải đình chỉ việc xem xét dự luật. Bộ Ngoại giao Gruzia cho rằng lời mời đi kèm điều kiện như vậy "không phù hợp với tinh thần hợp tác cần dựa trên sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau", Hãng tin Nga Tass hôm 3-5 cho biết.Đáp lại những chỉ trích từ Washington về dự luật, chính quyền Gruzia cáo buộc cựu đại sứ Mỹ Kelly Degnan ủng hộ các tiến trình cách mạng ở nước này. Trên tài khoản X của mình hôm 3-5, Thủ tướng Kobakhidze viết sau cuộc điện đàm với cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ Derek Chollet: "Tôi đã nói chuyện với Derek Chollet và bày tỏ sự thất vọng thực sự với hai mưu toan làm cách mạng giai đoạn 2020-2023, được cựu đại sứ Mỹ ủng hộ và thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ. Nếu những mưu toan này thành công, mặt trận thứ hai đã được mở ở Gruzia rồi".Người ta chưa quên những hiềm khích giữa cựu đại sứ Degnan với Quốc hội Gruzia vào nhiệm kỳ của bà này tại Tbilisi từ 2020 - 2023. Tbilisi cho rằng bà có những hoạt động "can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại" do ủng hộ những người muốn lôi kéo Gruzia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine. Khi một đại biểu Quốc hội Gruzia gửi thư đặt vấn đề và yêu cầu trả lời, bà Degnan đáp "không đọc hết bức thư vì sai sự thật và đầy thuyết âm mưu". Tbilisi nói Washington đang thúc đẩy lộ trình của Gruzia theo hướng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột với Nam Ossetia, Nga và Abkhazia.Trở lại cuộc điện đàm giữa thủ tướng Gruzia với cố vấn Mỹ, ông Chollet nói ông đã bày tỏ với Thủ tướng Kobakhidze quan ngại của Washington về quan điểm của Tbilisi. "Những lời lẽ thù địch và ủng hộ luật phản dân chủ của chính phủ khiến tương lai châu Âu - Đại Tây Dương của Gruzia gặp nguy hiểm". Ông cũng kêu gọi chính phủ Gruzia "quay trở lại tương lai châu Âu - Đại Tây Dương mà đại đa số người dân Gruzia mong muốn".■ Dự thảo luật "Về tính minh bạch của ảnh hưởng nước ngoài" đề xuất công nhận các tổ chức truyền thông và phi lợi nhuận với 20% thu nhập hằng năm đến từ nguồn tài trợ nước ngoài là "tác nhân chịu ảnh hưởng của nước ngoài". Ảnh: flickrCác tổ chức này sẽ phải đăng ký tư cách cũng như nộp tờ khai tài chính hằng năm. Nếu không tuân thủ, họ sẽ bị phạt 25.000 lari (khoảng 9.500 USD).Trong các tranh cãi có lập luận cho rằng dự luật dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Thủ tướng Gruzia Kobakhidze lưu ý Mỹ có các tiêu chuẩn minh bạch nghiêm ngặt hơn nhiều so với luật của Gruzia: Luật tương tự của Mỹ, viết tắt là FARA, được thông qua năm 1938, quy định tư cách đại diện nước ngoài không chỉ với các pháp nhân tổ chức phi lợi nhuận có nguồn tài trợ nước ngoài, mà nói chung là tất cả mọi người, kể cả cá nhân tham gia vận động hành lang cho lợi ích ngoại quốc. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến phạt tiền tới 250.000 USD và phạt tù tới 5 năm.EC vào tháng 12-2023 thì phê duyệt dự luật minh bạch EU, với các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn phiên bản của Gruzia. Ngày 27-3 vừa rồi, Pháp thông qua trong lần đọc đầu dự luật nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài, bao gồm các sửa đổi với luật năm 2013 về minh bạch trong đời sống công, luật an ninh nội bộ và luật tiền tệ và tài chính. Các pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 45.000 euro và (hoặc) phạt tù 3 năm. Tags: Quan hệ đối tác chiến lượcGruziaNgười biểu tìnhEUXung đột Nga - Ukraine
Bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, làm chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư khóa XIII THÀNH CHUNG 23/01/2025 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu ông Trần Lưu Quang, ủy viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức ủy viên Ban Bí thư khóa XIII.
Xe không vào được bãi rác Đa Phước, nguy cơ rác TP.HCM hôm nay không được xử lý LÊ PHAN 23/01/2025 Tối 23-1, cả trăm xe rác không vào bãi rác Đa Phước được, gây ra ùn ứ kéo dài, nguy cơ rác thải TP.HCM hôm nay không được xử lý.
Bắt bà 'Đậu Thanh Tâm' vì hành vi kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168 DANH TRỌNG 23/01/2025 Bà 'Đậu Thanh Tâm' bị bắt tạm giam với cáo buộc đăng tải một số video clip với thông tin bịa đặt kêu gọi, kích động người dân phản đối nghị định 168.