28/04/2025 12:48 GMT+7

Gọi trái tim người mẹ

Những trang sách trong Bước chân gọi trái tim người mẹ đem lại cho độc giả bao điều thú vị, mở rộng nhiều hiểu biết cho con trẻ: từ kiến thức xã hội đến lịch sử, địa lý, môi trường và cả cách đối nhân, xử thế.

trái tim người mẹ - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Quang Thạch và một nữ độc giả cùng sách Bước chân gọi trái tim người mẹ - Ảnh: TÔ GIANG

Đặt tên cho cuốn sách thứ hai của mình là Bước chân gọi trái tim người mẹ, tác giả Nguyễn Quang Thạch muốn thức tỉnh những người mẹ, từ đó là người cha, người ông và bất cứ ai, trách nhiệm đối với sự học của con cái, của chính mình; đồng thời khẳng định thiên chức của người mẹ trong con mắt của người Á Đông: "Phúc đức tại mẫu".

Sách do Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành tháng 4, vừa ra mắt đã tạo được sức hút lớn, không chỉ bởi nó khơi dậy khát vọng tự tìm đến tri thức, mà còn bởi những trang viết khiến trái tim rung lên trong hy vọng.

Chuyện của "người hành khất"

Người ta gọi Nguyễn Quang Thạch là "kẻ ăn mày sách", "người hành khất tri thức" để nói về những bước chân không mệt mỏi, ý chí không gì lay chuyển nổi của ông trong việc đưa sách về nông thôn, đưa sách về lớp học, đưa sách vào gia đình, cả ở trong nước và quốc tế.

Tôi nhớ đến câu nói của Mẹ Teresa: "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn". Điều này quả đúng với Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng và xây dựng chương trình "Sách hóa nông thôn". Tôi tin chắc rằng ai đã đọc cuốn sách Bước chân gọi trái tim người mẹ cũng đều có chung cảm nhận như tôi.

Đây là một cuốn nhật ký, tự truyện ghi lại hành trình của ông trên con đường bộ hành với 249.458 bước chân ở Ấn Độ để thực hiện ước mơ đưa sách về vùng nông thôn nước bạn. Đó là một khát khao cao cả và nhân văn mà ít người dám nghĩ đến, dám làm.

Vì sao cuốn sách lại có tên là Bước chân gọi trái tim người mẹ? Phải chăng ông muốn nói đến vai trò của người mẹ trong mỗi gia đình? Người Á Đông thường có quan niệm: "Phúc đức tại mẫu", có nghĩa là phúc đức từ người mẹ mà ra. Nên ông chọn người mẹ là tác nhân đầu tiên hành động vì con cái họ. 

Nếu mỗi người mẹ chịu bỏ ra 1 đô la để mua sách cho con đọc thì cuộc đời con sẽ thay đổi rất nhiều. Nếu người mẹ chịu đọc sách thì sẽ cùng con mở ra được những trang mới cuộc đời trong tương lai của con.

Sách gồm 32 câu chuyện ông bắt gặp trên đường đi "sách hóa nông thôn" ở Ấn Độ vào năm 2024. Đọc những câu chuyện này, tôi bị cuốn hút bởi trí liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Qua mỗi sự việc bình dị trên đường đi, ông lại đưa người đọc về một miền quá khứ của tuổi thơ hay một câu chuyện lịch sử của dân tộc mình.

Những câu chuyện về cách đối xử nhân từ, hòa ái của người dân Ấn Độ dành cho các loài thú nuôi như chó, mèo, hay với các loài động vật hoang dã như khỉ, rùa, chim muông... khiến ông băn khoăn, trăn trở về ý thức của người Việt với sự hủy diệt nhẫn tâm các loài vật dẫn đến sự mất cân bằng của hệ sinh thái môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Lay động trái tim

Với cách kể chuyện theo lối đồng hiện, những trang sách trong Bước chân gọi trái tim người mẹ đem lại cho độc giả bao điều thú vị, mở rộng nhiều hiểu biết cho con trẻ: từ kiến thức xã hội đến lịch sử, địa lý, môi trường và cả những cách đối nhân, xử thế...

Những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị sẽ dễ "thấm" vào tâm hồn các em những bài học làm người hơn tất thảy những lời giáo huấn mang tính sách vở, hơn cả những lời đe nẹt của cha mẹ hằng ngày. Từ đó giúp các em biết trân trọng quá khứ, trân trọng hiện tại, để các em hình thành được những suy nghĩ đúng, tử tế ngay từ khi còn nhỏ.

Một học giả của Hungary đã từng nói, đại ý: "Hãy nhớ một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng. Và một đứa trẻ, một người trẻ cũng vậy". Chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ Mahatma Gandhi cũng khẳng định: "Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi".

Cảm ơn Nguyễn Quang Thạch - người phụng sự hết mình vì văn hóa đọc cộng đồng. Bước chân bộ hành của ông không uổng phí, đôi bàn chân phồng rộp của ông đã in dấu trên mọi nẻo đường từ Hà Nội vào Sài Gòn và mới đây là Ấn Độ đã chạm đến trái tim độc giả, chạm đến trái tim những người mẹ, chạm đến trái tim của hàng triệu trẻ thơ trên toàn thế giới.

Sống như thể ngày mai con mắt còn lại sẽ mù

Khác với Những bước chân hy vọng (2023) - tác phẩm mang tính hàn lâm, Bước chân gọi trái tim người mẹ gần gũi như lời tâm sự với con trẻ, tha thiết như tiếng gọi gửi đến các bậc cha mẹ, đặc biệt là vai trò lớn trong tiến trình giáo dục một đứa trẻ đều nằm trong trái tim của người mẹ.

"Tôi sống như thể ngày mai mắt còn lại của tôi sẽ mù", Nguyễn Quang Thạch viết. Lời bộc bạch ấy làm ta rưng rưng. Hành trình ông chọn không dễ dàng, nhưng qua từng mẩu chuyện nhỏ như "Hoa dại bên đường", "Chó ăn chay ở Pune", "Bò được xin lỗi"... ta thấy một tâm hồn tinh tế, luôn hướng thiện.

Rồi những ký ức tuổi thơ bên bà, cha, họ tộc - những người yêu sách - đã nuôi dưỡng ông thành một công dân trách nhiệm với xã hội và vì nhân loại. Và ông muốn lan tỏa điều đó đến mọi đứa trẻ.

Giới trẻ giờ có quá nhiều thứ để tiếp cận, nhưng làm sao để chúng "đói" tri thức, "khát" đọc sách? Tác giả đáp lời bằng những tấm gương: bé LiLy nhỏ tuổi dịch ba tác phẩm nổi tiếng; anh Nguyễn Văn Thương học hết lớp 9 trở thành chuyên gia phòng cháy chữa cháy nhờ sách. Sách, với ông, là "mật ngọt" mở ra thế giới, là ánh sáng xua tan bóng tối, xua tan "xú khí" của nghèo đói, bạo lực, vô cảm.

Bước chân gọi trái tim người mẹ còn là chuyến "xê dịch" đến các nền văn hóa, sắc nét vẻ đẹp nông thôn Việt Nam và Ấn Độ đồng thời cũng đầy nỗi buồn của nơi còn thiếu sách, nhiều trẻ em phải "đói" tri thức và đối diện với những bất công do nền tảng giáo dục mỗi nơi, mỗi người một khác nhau.

Gấp sách lại, lòng chợt bâng khuâng. Biết đâu những đứa trẻ, những cha mẹ đọc cuốn sách này sẽ tiếp bước Nguyễn Quang Thạch, sống vì lý tưởng cao đẹp. Bước chân gọi trái tim người mẹ không chỉ là lời nhắn gửi đến các bà mẹ, mà là tiếng gọi đến mọi trái tim: hãy hành động bắt đầu dạy con trẻ yêu mọi sự sống từ muôn loài hay dù chỉ với "1 đô la", để tri thức thắp sáng tương lai trẻ em.

Gọi trái tim người mẹ - Ảnh 2.Ông Nguyễn Quang Thạch tiếp tục đi bộ 3.000km vận động đọc sách tại Ấn Độ

Ngày 1-10, ông Nguyễn Quang Thạch - sáng lập phong trào Sách hóa nông thôn Việt Nam - bắt đầu hành trình đi bộ vận động Sách về nông thôn Ấn Độ lần thứ 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên