
Hiện nay hồ Đắk Gang mới giải phóng được 32/213ha do vướng quy định "mật độ cây trồng" - Ảnh: ĐỨC LẬP
Từ tháng 2-2025, ông Dương Đình Thiện (thôn 9, xã Đắk R'la, huyện Đắk Mil) bàn giao 1,4ha đất cho dự án hồ chứa nước Đắk Gang, nhưng đến nay ông mới nhận hơn 2,1/2,7 tỉ đồng tiền đền bù, 563 triệu đồng còn lại bị "treo" do vướng "mật độ cây trồng", cây trồng xen và công trình phụ trên đất.
Vướng "mật độ cây trồng", công trình phụ
"Họ nói phải chờ hướng dẫn cụ thể về tỉ lệ cây trồng xen, mật độ cây trồng trên mỗi héc ta, rồi sân, chuồng bò, giếng khoan… mới được giải ngân phần còn lại. Đất đã giao, mình thiếu vốn tái sản xuất mà cứ phải chờ", ông Thiện bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, ông Đinh Minh Đoàn (thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn) đã giao đất nhưng bị giữ lại 400 triệu đồng trong tổng mức đền bù 2,8 tỉ đồng, cũng do cây vượt mật độ và công trình phụ không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định mới.
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cho biết dự án hồ Đắk Gang cần giải phóng khoảng 213ha, nhưng đến nay mới thu hồi được 32ha của 29 hộ dân.
Các hạng mục chính như đập, đường quản lý, bãi vật liệu… đều chậm tiến độ do thiếu mặt bằng sạch.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil - thông tin rằng sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành quyết định 25 hướng dẫn bồi thường, trong đó có quy định cụ thể về mật độ cây trồng.
UBND huyện chịu trách nhiệm thu hồi đất, còn Ban Quản lý dự án tỉnh là chủ đầu tư. Huyện Đắk Mil đã xây dựng 5 phương án hỗ trợ cho các trường hợp cây trồng xen, vượt mật độ, nhưng chưa được tỉnh phê duyệt do mức đề xuất cao, có nguy cơ làm tăng tổng vốn đầu tư.
"Huyện đã điều chỉnh, xây dựng lại phương án phù hợp thực tế và được người dân đồng thuận. Hiện đang chờ tỉnh xem xét, phê duyệt. Khi có quyết định, huyện sẽ triển khai chi trả theo đúng quy định", ông Dũng nói.
Chậm mặt bằng, vốn đầu tư bị "nghẽn"
Theo quyết định 25, với những tài sản không có hồ sơ, chứng từ thì người dân tự kê khai, đơn vị bồi thường phối hợp UBND xã kiểm tra thực tế, căn cứ định mức kỹ thuật để trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ.
Tuy nhiên các tài sản như cây trồng vượt mật độ, công trình phụ không đúng mục đích sử dụng đất sẽ không được đền bù. Nếu có căn cứ phù hợp thực tế, UBND cấp huyện có thể xem xét hỗ trợ.

Dự án hồ thủy lợi Đắk Gang phải triển khai cầm chừng do thiếu mặt bằng
Vướng mắc này khiến việc giải ngân vốn rất thấp, kéo theo tiến độ thi công chậm. Dự án hồ Đắk Gang có tổng vốn hơn 1.080 tỉ đồng, dự kiến tưới cho 1.860ha đất và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 8.000 người dân hai huyện Đắk Mil, Cư Jút. Nhưng sau hơn một năm, chỉ mới giải phóng khoảng 15% diện tích, tỉ lệ giải ngân mới đạt 17%, giá trị thi công thực tế chưa đến 5%.
Công tác kiểm kê, định giá tài sản trên đất cũng gặp khó do chưa có hướng dẫn thống nhất với các trường hợp cây trồng vượt mật độ, đất ngoài hạn mức, nhà rẫy, giếng khoan…
Không chỉ hồ Đắk Gang, nhiều dự án khác tại Đắk Nông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dự án hệ thống kênh mương hồ Nam Xuân có tổng vốn hơn 242 tỉ đồng, dù thi công đạt 64% khối lượng nhưng mới giải ngân được 18% vì chưa giải phóng xong mặt bằng.
Dự án đường từ quốc lộ 14 đi tỉnh lộ 6 qua trung tâm hành chính huyện Đắk Mil cũng chưa triển khai phần chính vì vướng cây trồng và công trình phụ.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết đang phối hợp các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định thống nhất về hỗ trợ cây trồng vượt mật độ, tài sản tạm và xác minh nguồn gốc đất. Dự kiến ban hành trong quý 2 năm nay.
Ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông - khẳng định: "Theo luật, địa phương phải có quyết định cụ thể về hỗ trợ khi thu hồi đất. Cây trồng đủ điều kiện thì áp đơn giá của tỉnh, còn trường hợp cây xen canh, mật độ thấp hoặc không đủ điều kiện thì phải lập phương án riêng, đảm bảo quyền lợi người dân nhưng không vượt khung pháp luật".

Dự án đoạn đường giao thông từ quốc lộ 14 qua trung tâm hành chính mới đi tỉnh lộ 6 cũng gặp vướng mắc về tiến độ giải phóng mặt bằng
Huyện đầu tiên có phương án hỗ trợ
Ông Trần Đăng Ánh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô - cho hay phương án hỗ trợ của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó hộ dân sử dụng đất trước 1-7-2004 được hỗ trợ 100% giá trị cây trồng xen và vượt mật độ, nhưng tổng hỗ trợ không quá 50% giá trị cây trồng chính.
Với nhà rẫy, chuồng trại… nếu xây từ 15-10-1993 đến trước 1-7-2004 thì được hỗ trợ 80%, xây từ 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 được hỗ trợ 60%, còn lại được hỗ trợ 30%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận